Kế hoạch sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tỉnh Hưng Yên
Ngày 12/12/2024, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hưng Yên ban hành Kế hoạch số 373 – KH/TU sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tỉnh Hưng Yên. Nội dung chính của Kế hoạch như sau:
Thực hiện Nghị quyết số 56-NQ/TW ngày 25/11/2024 của Hội nghị bất thường Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII; Kết luận số 09-KL/BCĐ ngày 24/11/2024 kết luận phiên họp lần thứ nhất của Ban Chỉ đạo Trung ương về tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII "Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả" (Nghị quyết số 18-NQ/TW); Kế hoạch số 141/KH-BCĐTKNQ18 ngày 06/12/2024 của Ban Chỉ đạo về Tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 18- NQ/TW (Ban Chỉ đạo của Chính phủ); Công văn số 22-CV/BCĐ ngày 05/12/2024 của Ban Chỉ đạo Trung ương về việc triển khai nhiệm vụ tổng kết Nghị quyết số 18-NQ/TW; Ban Thường vụ Tỉnh ủy xây dựng kế hoạch sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tỉnh Hưng Yên, như sau:
I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU
1. Mục đích
Xác định các nhiệm vụ trọng tâm, lộ trình triển khai thực hiện chủ trương của Bộ Chính trị về tổng kết Nghị quyết số 18-NQ/TW và sắp xếp, hoàn thiện tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng của các cấp ủy, chức đảng, do vậy cần thống nhất cao về nhận thức và hành động trong toàn Đảng bộ và cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở, tạo sự thống nhất ý chí và hành động trong cán bộ, đảng viên và Nhân dân; thực hiện thắng lợi Nghị quyết số 18-NQ/TW và chỉ đạo của Trung ương, Bộ Chính trị; phát huy vai trò tiền phong, gương mẫu, tính chủ động, quyết liệt của các cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị, nhất là cán bộ lãnh đạo và người đứng đầu trong thực hiện nhiệm vụ được giao.
2. Yêu cầu
- Quá trình thực hiện phải bám sát các nguyên tắc của Đảng, Cương lĩnh chính trị, Điều lệ Đảng, Hiến pháp, pháp luật, định hướng sắp xếp theo yêu cầu của Nghị quyết số 18-NQ/TW, chủ trương của Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Chỉ đạo Trung ương về tổng kết thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW; đồng thời, sát với thực tiễn địa phương, cơ quan, đơn vị; tiến hành khách quan, dân chủ, khoa học, đồng bộ, cụ thể, sâu sắc, khẩn trương.
- Xác định những nội dung công việc ưu tiên và phối hợp nhịp nhàng trong triển khai thực hiện; khẩn trương triển khai các công việc theo tinh thần "vừa chạy vừa xếp hàng", đồng bộ với Trung ương, cấp tỉnh không chờ cấp huyện, cấp huyện không chờ cơ sở. Sắp xếp tổ chức bộ máy gắn với cơ cấu lại, nâng cao chất lượng và bố trí cán bộ đúng với khả năng tương ứng với yêu cầu nhiệm vụ.
- Chủ động xây dựng phương án, chuẩn bị đầy đủ điều kiện cần thiết để sắp xếp tổ chức bộ máy, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động khi có quyết định của cấp có thẩm quyền, bảo đảm sớm ổn định tổ chức và hoạt động. Bộ máy mới phải tốt hơn bộ máy cũ và đi vào hoạt động ngay, không để ngắt quãng công việc, không để khoảng trống về thời gian, không để bỏ trống địa bàn, lĩnh vực, không để ảnh hưởng đến các hoạt động bình thường của xã hội, của người dân,...
II. NHIỆM VỤ TRỌNG TÂM TRONG SẮP XẾP, TINH GỌN TỔ CHỨC BỘ MÁY
1. Những nhiệm vụ chung
1.1. Rà soát, xây dựng phương án sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy, biên chế, bố trí cán bộ, công chức, viên chức, người lao động tại các cơ quan, đơn vị, tổ chức trong phạm vi lãnh đạo, quản lý theo các nội dung gợi ý, định hướng của Bộ Chính trị. Tiếp tục tăng cường thực hiện sắp xếp, tinh gọn tổ chức bên trong của các cơ quan, đơn vị trên cơ sở quan điểm, mục tiêu, nguyên tắc nêu trên, bảo đảm có kết quả cụ thể, hiệu quả rõ rệt, phù hợp với định hướng của Trung ương và điều kiện thực tiễn của địa phương.
1.2. Rà soát tổ chức và hoạt động của các ban chỉ đạo cấp ủy cấp tỉnh, cấp huyện, thực hiện sáp nhập, giải thể hoặc kết thúc hoạt động một số ban chỉ đạo; chỉ giữ lại những ban chỉ đạo có chức năng, nhiệm vụ thực sự cần thiết.
1.3. Rà soát, xây dựng dự thảo các quy định về chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, mối quan hệ công tác, quy chế làm việc của cấp ủy đảng, cơ quan, đơn vị theo hướng dẫn của Trung ương; sắp xếp, bố trí, điều chuyển nhân sự và chuẩn bị tốt các điều kiện để tiến hành đại hội đảng bộ các cấp.
1.4. Sắp xếp tổ chức bộ máy gắn với giảm biên chế cán bộ, công chức, viên chức và cơ cấu lại, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.
1.5. Thực hiện tốt công tác chính trị, tư tưởng và chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động thuộc phạm vi quản lý khi thực hiện sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy. Xây dựng, bổ sung cơ chế, chính sách của tỉnh bảo đảm quyền lợi cho công chức, viên chức khi thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy.
2. Những nhiệm vụ cụ thể
Các cấp ủy, tổ chức đảng tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, quyết liệt, kịp thời thực hiện sắp xếp các cơ quan, đơn vị, tổ chức trong phạm vi lãnh đạo, quản lý theo định hướng của Trung ương và Kế hoạch này; đồng thời, chủ động tiếp tục sắp xếp đầu mối bên trong của các cơ quan, đơn vị, tổ chức bảo đảm tinh gọn, phù hợp tình hình, đặc điểm của cơ quan, đơn vị, địa phương.
2.1. Đối với cấp ủy, tổ chức đảng, các cơ quan tham mưu giúp việc cấp ủy cấp tỉnh, cấp huyện
2.1.1. Xây dựng Đề án sáp nhập Ban Tuyên giáo cấp ủy và Ban Dân vận cấp ủy cấp tỉnh, cấp huyện. Dự kiến tên gọi sau khi sáp nhập là Ban Tuyên giáo - Dân vận (thực hiện chức năng, nhiệm vụ hiện đang giao cho Ban Tuyên giáo và Ban Dân vận cấp ủy cấp tỉnh, cấp huyện và theo hướng dẫn của Trung ương).
2.1.2. Xây dựng Đề án kết thúc hoạt động của các đảng đoàn, ban cán sự đảng cấp tỉnh, Đảng bộ khối Cơ quan - Doanh nghiệp tỉnh; thành lập đảng bộ cơ quan Đảng, đoàn thể, hội đồng nhân dân, tư pháp cấp tỉnh; đảng bộ chính quyền cấp tỉnh.
2.1.2.1. Lập Đảng bộ cơ quan Đảng, đoàn thể, hội đồng nhân dân, tư pháp cấp tỉnh trực thuộc Tỉnh ủy; đồng thời, lập đảng bộ (chi bộ) Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội, các hội quần chúng do Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ cấp tỉnh, hội đồng nhân dân, tòa án nhân dân, viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh trực thuộc Đảng ủy cơ quan Đảng, đoàn thể, hội đồng nhân dân, tư pháp cấp tỉnh.
- Lập Đảng bộ cơ quan Đảng, đoàn thể, hội đồng nhân dân, tư pháp cấp tỉnh trực thuộc Tỉnh ủy:
+ Đảng bộ cơ quan Đảng, đoàn thể, hội đồng nhân dân, tư pháp cấp tỉnh, gồm: Các tổ chức đảng trong các cơ quan tham mưu, giúp việc, đơn vị sự nghiệp của Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội cấp tỉnh, Viện kiểm sát nhân dân tỉnh, Tòa án nhân dân tỉnh, các hội quần chúng cấp tỉnh do Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ.
+ Đảng ủy cơ quan Đảng, đoàn thể, hội đồng nhân dân, tư pháp cấp tỉnh, gồm: Ban chấp hành, ban thường vụ, bí thư, phó bí thư đảng ủy. Đồng chí Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy làm Bí thư, 01 đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy làm Phó Bí thư, bố trí 01 đồng chí Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh là Phó Bí thư chuyên trách; đồng chí Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh, Trưởng các ban đảng cấp tỉnh, Chủ nhiệm UBKT Tỉnh ủy, Chánh Văn phòng Tỉnh ủy tham gia ban thường vụ đảng ủy. Số lượng, cơ cấu của ban thường vụ theo định hướng và quy định của Trung ương, Ban Thường vụ Tỉnh ủy chỉ định nhân sự ban chấp hành, ban thường vụ, bí thư, phó bí thư Đảng ủy cơ quan Đảng, đoàn thể, hội đồng nhân dân, tư pháp cấp tỉnh nhiệm kỳ 2020 - 2025.
+ Đảng bộ cơ quan Đảng, đoàn thể, hội đồng nhân dân, tư pháp cấp tỉnh, dự kiến có 04 cơ quan chuyên trách tham mưu, giúp việc đặt tại Tỉnh ủy, gồm: Ban tổ chức, cơ quan Ủy ban kiểm tra, ban tuyên giáo - dân vận, văn phòng.
- Đồng thời, lập đảng bộ (chi bộ) Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội, các hội quần chúng do Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ, hội đồng nhân dân, tòa án nhân dân, viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh trực thuộc Đảng ủy cơ quan Đảng, đoàn thể, hội đồng nhân dân, tư pháp cấp tỉnh.
+ Đảng bộ (chi bộ) Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội, các hội quần chúng do Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ cấp tỉnh, gồm: Ban chấp hành, ban thường vụ đảng ủy (chi ủy), bí thư, phó bí thư. Bí thư Đảng ủy (chi bộ) là đồng chí Bí thư (chủ tịch) của các tổ chức nêu trên; một đồng chí Phó Bí thư (phó chủ tịch) là Phó Bí thư đảng ủy (chi bộ); các đồng chí Phó Bí thư (phó chủ tịch) và đồng chí Trưởng ban (phòng) có nhiệm vụ tham mưu công tác tổ chức, cán bộ của các tổ chức nêu trên tham gia ban thường vụ, ban chấp hành.
+ Đảng bộ Hội đồng nhân dân tỉnh, gồm: Ban chấp hành, ban thường vụ đảng ủy, bí thư, phó bí thư. Bí thư Đảng ủy là đồng chí Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng nhân dân; đồng chí Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh là Phó Bí thư Đảng ủy; các đồng chí Trưởng các ban và Chánh văn phòng của Hội đồng nhân dân tỉnh tham gia ban thường vụ, ban chấp hành.
+ Đảng bộ tòa án nhân dân, viện kiểm sát nhân dân tỉnh, gồm: Ban chấp hành, ban thường vụ đảng ủy, bí thư, phó bí thư. Bí thư Đảng ủy là đồng chí Chánh án (Viện trưởng); một đồng chí Phó chánh án (Phó viện trưởng) là Phó Bí thư Đảng ủy; các đồng chí Phó chánh án (Phó viện trưởng) và đồng chí Trưởng phòng có nhiệm vụ tham mưu công tác tổ chức, cán bộ của các tổ chức nêu trên tham gia ban thường vụ, ban chấp hành.
Ban thường vụ Tỉnh ủy cho chủ trương trước khi cấp ủy trực thuộc chỉ định ban chấp hành, ban thường vụ, bí thư, phó bí thư các đảng ủy (chi bộ) ở các cơ quan, đơn vị, tổ chức nêu trên.
Đảng ủy (chi bộ) thực hiện chức năng, nhiệm vụ của Đảng bộ (chi bộ) và của đảng đoàn, ban cán sự đảng các tổ chức nêu trên hiện nay theo quy định của Ban Bí thư Trung ương Đảng.
2.1.2.2. Lập Đảng bộ Chính quyền cấp tỉnh trực thuộc Tỉnh ủy
- Đảng bộ Chính quyền cấp tỉnh trực thuộc Tỉnh ủy, gồm: Các tổ chức đảng trong các cơ quan chuyên môn, đơn vị sự nghiệp thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, một số doanh nghiệp Nhà nước (tùy theo quy mô, tính chất quan trọng của đảng bộ doanh nghiệp); các doanh nghiệp còn lại chuyển về trực thuộc cấp ủy cấp huyện.
- Đảng ủy Chính quyền cấp tỉnh ngoài các chức năng, nhiệm vụ của Đảng bộ trực thuộc Tỉnh ủy, còn bao gồm chức năng, nhiệm vụ của Ban cán sự đảng UBND tỉnh như hiện nay; lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện đối với hoạt động của Ủy ban nhân dân tỉnh và các cấp ủy trực thuộc; dự kiến đề xuất chuyển một số nhiệm vụ công tác đảng vụ của Đảng ủy Chính quyền cấp tỉnh về Đảng ủy các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp (cấp cơ sở), một số nhiệm vụ sẽ do các ban đảng tỉnh thực hiện.
- Đảng ủy Chính quyền cấp tỉnh, gồm: Ban chấp hành, ban thường vụ, bí thư, phó bí thư đảng ủy. Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh làm Bí thư; đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh làm Phó Bí thư, bố trí 01 đồng chí Phó Bí thư đảng ủy chuyên trách; các đồng chí Phó Chủ tịch và một số thành viên UBND tỉnh tham gia ban thường vụ đảng ủy; Ban Thường vụ Tỉnh ủy chỉ định nhân sự ban chấp hành, ban thường vụ, bí thư, phó bí thư đảng ủy Chính quyền cấp tỉnh nhiệm kỳ 2020 - 2025.
- Đảng bộ Chính quyền cấp tỉnh dự kiến có 04 cơ quan chuyên trách tham mưu, giúp việc đặt tại cơ quan UBND tỉnh, gồm: Ban tổ chức, cơ quan Ủy ban kiểm tra, ban tuyên giáo - dân vận, văn phòng.
2.1.3. Xây dựng Đề án kết thúc hoạt động của Ban Bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cán bộ cấp tỉnh, cấp huyện
2.1.3.1. Kết thúc hoạt động của Ban Bảo vệ chăm sóc sức khỏe cán bộ tỉnh, chuyển nhiệm vụ về Ban Tổ chức Tỉnh ủy, Sở Y tế và một số bệnh viện tuyến tỉnh.
2.1.3.2. Kết thúc hoạt động của Ban Bảo vệ chăm sóc sức khỏe cán bộ huyện, chuyển nhiệm vụ về Ban Tổ chức cấp ủy huyện, Văn phòng HĐND và UBND cấp huyện và Trung tâm y tế cấp huyện.
2.2. Đối với các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh, UBND huyện
Xây dựng đề án hợp nhất, sáp nhập một số cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh, UBND huyện theo định hướng tại Kế hoạch số 141/KH-BCĐTKNQ18 ngày 06/12/2024 của Ban Chỉ đạo về Tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW (Ban Chỉ đạo của Chính phủ).
2.2.1. Đối với cấp tỉnh
+ Hợp nhất Sở Kế hoạch và Đầu tư và Sở Tài chính thành Sở Tài chính và Đầu tư phát triển hoặc Sở Kinh tế phát triển (theo tên của Bộ chủ quản sau hợp nhất) để thực hiện chức năng quản lý nhà nước về ngành, lĩnh vực hiện đang giao cho Sở Kế hoạch và Đầu tư và Sở Tài chính.
+ Hợp nhất Sở Giao thông vận tải và Sở Xây dựng thành Sở Phát triển hạ tầng hoặc Sở Giao thông và xây dựng đô thị, nông thôn (theo tên của Bộ chủ quản sau hợp nhất) để thực hiện chức năng quản lý nhà nước về ngành, lĩnh vực hiện đang giao cho Sở Giao thông vận tải và Sở Xây dựng.
+ Hợp nhất Sở Tài nguyên và Môi trường và Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành Sở Nông nghiệp và Tài nguyên, Môi trường (theo tên của Bộ chủ quản sau hợp nhất) để thực hiện chức năng quản lý nhà nước về ngành, lĩnh vực hiện đang giao cho Sở Tài nguyên và Môi trường và Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
+ Hợp nhất Sở Thông tin và Truyền thông và Sở Khoa học và Công nghệ thành Sở Khoa học, Công nghệ và Chuyển đổi số hoặc Sở Khoa học, Công nghệ, Chuyển đổi số và Truyền thông (theo tên của Bộ chủ quản sau hợp nhất) để thực hiện chức năng quản lý nhà nước về ngành, lĩnh vực hiện đang giao cho Sở Thông tin và Truyền thông và Sở Khoa học và Công nghệ.
+ Hợp nhất Sở Lao động - Thương binh và Xã hội và Sở Nội vụ thành Sở Nội vụ và Lao động (theo tên của Bộ chủ quản sau hợp nhất); đồng thời, chuyển chức năng quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp sang Sở Giáo dục và Đào tạo, chuyển chức năng quản lý nhà nước về bảo trợ xã hội, trẻ em, phòng, chống tệ nạn xã hội sang Sở Y tế.
+ Sở Giáo dục và Đào tạo chủ động phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tiếp nhận chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp từ Sở Lao động - Thương binh và Xã hội chuyển sang.
+ Sở Y tế chủ động phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tiếp nhận chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước về bảo trợ xã hội, trẻ em, phòng, chống tệ nạn xã hội từ Sở Lao động - Thương binh và Xã hội chuyển sang.
+ Nghiên cứu, đề xuất sắp xếp một số sở, ban, ngành, đơn vị khác để bảo đảm tinh gọn; đồng thời, tiếp tục sắp xếp cơ cấu tổ chức bên trong của các sở, ban, ngành không thuộc trường hợp sắp xếp nêu trên theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; xem xét cắt giảm đầu mối trung gian, hành chính phục vụ, hạn chế thành lập các ban, chi cục; việc bố trí biên chế các tổ chức hành chính phải bảo đảm theo quy định.
2.2.2. Đối với cấp huyện
+ Hợp nhất phòng Tài nguyên và Môi trường và phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (ở các huyện) thành phòng Nông nghiệp và Tài nguyên, Môi trường (theo tên của Sở tương ứng sau hợp nhất); hợp nhất phòng Tài nguyên và Môi trường và phòng Kinh tế (ở thị xã, thành phố) thành phòng Kinh tế và Tài nguyên, Môi trường (theo tên của Sở sau hợp nhất).
+ Hợp nhất phòng Lao động - Thương binh và Xã hội và phòng Nội vụ thành phòng Nội vụ và Lao động (theo tên của Sở tương ứng sau hợp nhất); đồng thời, chuyển chức năng quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp sang Phòng Giáo dục và Đào tạo.
+ Văn phòng HĐND và UBND cấp huyện chủ động phối hợp với Phòng Nội vụ và Lao động (mới) để chuyển chức năng quản lý nhà nước về Y tế hiện đang ở Văn phòng HĐND và UBND cấp huyện về phòng Nội vụ và Lao động.
+ Nghiên cứu, đề xuất sắp xếp một số phòng, ngành khác để bảo đảm tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.
2.3. Đối với các đơn vị sự nghiệp công lập, các hội quần chúng do Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ
2.3.1. Khẩn trương hoàn thành việc thực hiện các nhiệm vụ tại Kế hoạch số 208 - KH/TU ngày 07/7/2023 về triển khai thực hiện Kết luận số 50 - KL/TW ngày 28/02/2023 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 18 - NQ/TW, giai đoạn 2023 – 2026; Kế hoạch số 209 - KH/TU ngày 07/7/2023 về tiếp tục triển khai thực hiện Nghị quyết số 19 - NQ/TW ngày 25/10/2017 Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập đến năm 2026; đồng thời, nghiên cứu, tiếp tục đề xuất phương án sắp xếp lại hệ thống các đơn vị sự nghiệp công lập, chỉ đạo tinh gọn bộ máy bên trong các đơn vị sự nghiệp công lập trên địa bàn tỉnh, bảo đảm tinh gọn, hiệu quả.
2.3.2. Nghiên cứu, đề xuất sắp xếp, sáp nhập một số Hội, Hội quần chúng được Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ có chức năng, nhiệm vụ, nội dung hoạt động tương tự nhau trên địa bàn tỉnh.
2.4. Những nội dung thực hiện sau khi có nghị quyết (kết luận) của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, các quy định của Bộ Chính trị, Ban Bí thư
- Thực hiện hợp nhất, sáp nhập, giải thể một số sở, ban, ngành cấp tỉnh; phòng, ban, ngành cấp huyện theo các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước.
- Tiếp tục rà soát bổ sung, sửa đổi các quy định về chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy; sắp xếp, bố trí, điều chuyển nhân sự,... bảo đảm các điều kiện tiến hành đại hội đảng bộ các cấp.
Ban hành quyết định kết thúc hoạt động của các đảng đoàn, ban cán sự đảng cấp tỉnh, đảng bộ khối cấp tỉnh; thành lập các đảng bộ, sau khi có chủ trương của Trung ương; chỉ định ban chấp hành, ban thường vụ, bí thư, phó bí thư các đảng ủy: Đảng ủy cơ quan Đảng, đoàn thể, hội đồng nhân dân, tư pháp và Đảng ủy chính quyền cấp tỉnh nhiệm kỳ 2020 - 2025.
- Ban hành các quyết định về chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, mối quan hệ công tác và quy chế làm việc của đảng uỷ cơ quan Đảng, đoàn thể, hội đồng nhân dân, tư pháp cấp tỉnh và đảng uỷ chính quyền cấp tỉnh, sau khi Ban Bí thư ban hành Quy định.
- Tiếp tục nghiên cứu, sắp xếp các đơn vị, bộ phận trực thuộc, tinh gọn bên trong của các cơ quan, đơn vị.
III. ĐÁNH GIÁ TÁC ĐỘNG SƠ BỘ
1. Dự kiến kết quả sơ bộ sau sắp xếp
Trên cơ sở thực hiện phương án nêu trên, tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tỉnh được tinh gọn, như sau:
- Có 05 cơ quan tham mưu, giúp việc Tỉnh ủy (Giảm 01 cơ quan); 40 cơ quan tham mưu, giúp việc cấp ủy huyện (Mỗi huyện ủy, thị ủy, thành ủy giảm 01 cơ quan);
- Có 14 Đảng bộ trực thuộc Tỉnh ủy (Tăng 01 đảng bộ trực thuộc Tỉnh ủy; giảm 05 đảng đoàn, 03 ban cán sự đảng cấp tỉnh);
- Có 12 cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh (giảm 05 sở); 90 cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp huyện (mỗi huyện, thị xã, thành phố giảm 02 cơ quan);
Sau khi sắp xếp thu gọn đầu mối, điều chỉnh chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan, đơn vị thì về cơ bản khắc phục được những vấn đề còn giao thoa hiện nay.
2. Đánh giá
2.1. Ưu điểm
Hoàn thiện mô hình tổ chức quản lý đa ngành, đa lĩnh vực đối với một số lĩnh vực theo yêu cầu Nghị quyết số 18, 19-NQ/TW, Kết luận số 74-KL/TW, Kết luận số 50, 62-KL/TW, định hướng của Ban Chỉ đạo Trung ương về tổng kết thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW; khắc phục chồng chéo, giao thoa về chức năng, nhiệm vụ giữa các cơ quan, đơn vị.
- Cùng với việc sắp xếp mô hình tổ chức bộ máy nêu trên sẽ thực hiện sắp xếp lại tổ chức bên trong của các cơ quan, đơn vị tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; đồng thời, thực hiện cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, nâng cao chất lượng đội ngũ và tinh giản biên chế một cách triệt để gắn với thực hiện chính sách thu hút người có tài năng vào khu vực công theo đúng chủ trương chỉ đạo của Trung ương.
2.2. Hạn chế
- Số lượng cơ quan thuộc diện sắp xếp lớn, phạm vi tác động rộng, không tránh khỏi sự tác động đến tư tưởng của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, nhất là những người đang giữ chức vụ lãnh đạo.
- Khi thực hiện các phương án sắp xếp trên thì quy mô, phạm vi, lĩnh vực quản lý của một số cơ quan, đơn vị sẽ rất lớn, đặt ra yêu cầu cao đối với cán bộ, công chức, nhất là người đứng đầu cơ quan, đơn vị. Do vậy, cần có sự chuẩn bị kỹ trong công tác nhân sự để bảo đảm triển khai phương án đồng bộ, hiệu quả.
IV. VỀ TIẾN ĐỘ, PHÂN CÔNG TỔ CHỨC THỰC HIỆN CÁC NHIỆM VỤ CỤ THỂ
1. Ban cán sự đảng UBND tỉnh lãnh đạo, chỉ đạo các cơ quan, đơn vị liên quan
1.1. Nghiên cứu, xây dựng Đề án hợp nhất, sáp nhập các sở, ngành tỉnh theo định hướng nêu tại mục 2.2.1; chỉ đạo, hướng dẫn việc thực hiện nội dung mục 2.2.2 của Kế hoạch này. Đồng thời, xây dựng phương án sắp xếp, xử lý trụ sở làm việc, tài chính, ngân sách, tài sản công của các cơ quan, đơn vị diện sắp xếp. Nghiên cứu, đề xuất chế độ chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức bảo đảm quyền lợi cho cán bộ, công chức, viên chức khi thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy. Thời gian hoàn thành xây dựng Đề án và báo cáo Ban Thường vụ Tỉnh ủy, trước ngày 30/12/2024.
1.2. Khẩn trương chỉ đạo hoàn thành thực hiện các nhiệm vụ nêu tại mục 2.3.1 và mục 2.3.2 của Kế hoạch này. Thời gian hoàn thành và báo cáo Ban Thường vụ Tỉnh ủy, trong Quý I/2025.
2. Các đảng đoàn, ban cán sự đảng, Ban Thường vụ Tỉnh đoàn, các cơ quan tham mưu, giúp việc Tỉnh ủy, các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh, các Hội quần chúng được Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ.
2.1. Nghiên cứu, đề xuất sắp xếp tinh gọn tổ chức bộ máy bên trong thuộc phạm vi quản lý, tinh giản biên chế; đồng thời, cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức theo tinh thần Nghị quyết số 18, 19 - NQ/TW và chỉ đạo, định hướng của Trung ương và của Tỉnh ủy. Thời gian báo cáo Ban Thường vụ Tỉnh ủy, trước Quý I/2025.
2.2. Làm tốt công tác chính trị, tư tưởng và chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động thuộc phạm vi quản lý khi triển khai thực hiện sắp xếp tinh gọn tổ chức bộ máy.
2.3. Định kỳ báo cáo tiến độ thực hiện Kế hoạch này về Ban Thường vụ Tỉnh ủy (qua Ban Tổ chức Tỉnh ủy), trước 11 giờ thứ 6 hằng tuần.
3. Ban Thường vụ huyện ủy, thị ủy, thành ủy lãnh đạo, chỉ đạo các cơ quan, đơn vị thuộc phạm vi quản lý.
3.1. Xây dựng Đề án hợp nhất, sáp nhập, sắp xếp các phòng, ban, ngành theo định hướng tại mục 2.1.1, mục 2.1.3.2 và mục 2.2.2 của Kế hoạch này. Thời gian hoàn thành xây dựng Đề án và báo cáo Ban Thường vụ Tỉnh ủy, trước ngày 30/12/2024.
3.2. Làm tốt công tác chính trị, tư tưởng và chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động thuộc phạm vi quản lý khi triển khai thực hiện sắp xếp tinh gọn tổ chức bộ máy.
3.3. Định kỳ báo cáo tiến độ thực hiện Kế hoạch này về Ban Thường vụ Tỉnh ủy (qua Ban Tổ chức Tỉnh ủy), trước 11 giờ thứ 6 hằng tuần.
4. Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy
Chủ trì, hướng dẫn các cấp ủy, tổ chức đảng làm tốt công tác chính trị tư tưởng; chỉ đạo các cơ quan truyền thông tăng cường tuyên truyền, tạo sự thống nhất cao trong Đảng và toàn hệ thống chính trị tỉnh, tạo sự đồng thuận của Nhân dân về chủ trương, yêu cầu, nhiệm vụ tinh gọn tổ chức bộ máy trong tình hình mới.
5. Ban Tổ chức Tỉnh ủy
5.1. Chủ trì, phối hợp với các cơ quan tham mưu, giúp việc Tỉnh ủy, các ban cán sự đảng, đảng đoàn cấp tỉnh, Đảng ủy khối Cơ quan - Doanh nghiệp tỉnh thực hiện các nhiệm vụ tại các mục: 2.1.1, 2.1.2 và mục 2.1.3.1 của Kế hoạch này. Thời gian hoàn thành Đề án và báo cáo Ban Thường vụ Tỉnh ủy, trước ngày 30/12/2024.
5.2. Phối hợp với Ban cán sự đảng, các cơ quan liên quan tổng hợp, đề xuất sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy, biên chế trong toàn hệ thống chính trị tỉnh; đồng thời, hoàn thành việc xây dựng Báo cáo Tổng kết thực hiện Nghị quyết 18- NQ/TW, báo cáo Ban Thường vụ Tỉnh ủy, trước ngày 25/12/2024.
5.3. Tham mưu, đề xuất, xây dựng Phương án bố trí cán bộ theo thẩm quyền tại cơ quan, đơn vị, tổ chức sau sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy.
5.4. Chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan theo dõi, đôn đốc việc thực hiện Kế hoạch này; báo cáo tiến độ thực hiện về Ban Thường vụ Tỉnh ủy, trước 14 giờ thứ 6 hàng tuần.
Ban Thường vụ Tỉnh ủy yêu cầu các cấp ủy, tổ chức đảng, các cơ quan, đơn vị trong toàn hệ thống chính trị tỉnh tập trung triển khai thực hiện, bảo đảm tiến độ, chất lượng, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu của Ban Chỉ đạo Trung ương. Trong quá trình triển khai có những vướng mắc, khó khăn thì kịp thời báo cáo Ban Thường vụ Tỉnh ủy xem xét, giải quyết./.