Đại biểu Nguyễn Đại Thắng, Tỉnh ủy viên, Phó Trưởng Đoàn chuyên trách, phụ trách Đoàn ĐBQH tỉnh Hưng Yên khóa XV phát biểu tham gia vào dự thảo Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù về đầu tư xây dựng công trình giao thông đường bộ
ĐBQH Nguyễn Đại Thắng phát biểu tham gia vào dự thảo Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù về đầu tư xây dựng công trình giao thông đường bộ
Tiếp tục chương trình kỳ họp, sáng ngày 09/11, Quốc hội thảo luận ở Hội trường 02 nội dung: (1) về việc điều chỉnh một số nội dung của Nghị quyết 53/2017/QH14 ngày 24/11/2017 của Quốc hội về Báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư Cảng hàng không quốc tế Long Thành; (2) về dự thảo Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù về đầu tư xây dựng công trình giao thông đường bộ; Đại biểu Nguyễn Đại Thắng, Tỉnh ủy viên, Phó Trưởng Đoàn chuyên trách, phụ trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hưng Yên khóa XV đã tham gia ý kiến vào dự thảo Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù về đầu tư xây dựng công trình giao thông đường bộ.
Đại biểu nhất trí cao về sự cần thiết phải ban hành Nghị quyết của Quốc hội thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù về đầu tư xây dựng công trình giao thông đường bộ. Quá trình triển khai thực hiện các quy định của pháp luật hiện hành về đầu tư xây dựng công trình giao thông đường bộ phát sinh những nội dung chưa phù hợp với bối cảnh và yêu cầu đòi hỏi của thực tiễn trong đầu tư xây dựng các dự án giao thông đường bộ, cần thiết phải có những giải pháp tháo gỡ ngay trong khi chờ sửa đổi từng bước các quy định của pháp luật có liên quan, nhằm bảo đảm thực hiện thành công các mục tiêu mà Đảng và Quốc hội đã đề ra; tạo hành lang pháp lý để tháo gỡ những khó khăn, bất cập do yêu cầu của thực tiễn đặt ra mà chưa có quy định của pháp luật điều chỉnh trong đầu tư xây dựng các dự án giao thông đường bộ, nhằm thúc đẩy việc giải ngân vốn đầu tư công, đa dạng hóa và sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn ngân sách nhà nước từ Trung ương đến địa phương. Nghị quyết thí điểm được xây dựng phù hợp với chủ trương, nghị quyết của Đảng, nhất là thể chế hóa Nghị quyết 29-NQ/TW ngày 17/11/2022 của Hội nghị Trung ương 6 khóa XIII về tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Bên cạnh đó, đại biểu Nguyễn Đại Thắng tham gia góp ý một số nội dung cụ thể:
Tại khoản 4, Điều 3 của dự thảo Nghị quyết về nguyên tắc, tiêu chí lựa chọn dự án thí điểm quy định: “Các dự án đề xuất phải thuộc một trong các nhóm chính sách đang đề xuất thí điểm của Nghị quyết này”; đại biểu đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo nghiên cứu bỏ cụm từ “đang đề xuất thí điểm”, vì Nghị quyết sau khi được Quốc hội thông qua sẽ có hiệu lực thi hành và được triển khai thực hiện trong thời gian thí điểm, nên trong dự thảo Nghị quyết để cụm từ “đang đề xuất thí điểm” là không phù hợp.
Về hiệu lực thi hành của dự thảo Nghị quyết quy định tại khoản 1 Điều 10: “Nghị quyết này có hiệu lực thi hành từ ngày ký ban hành và được thực hiện đến năm 2025 đối với các cơ chế đặc thù quy định tại các Điều 4, 5, 6, 7 của Nghị quyết”. Việc dự thảo quy định đến năm 2025 là chưa bảo đảm chặt chẽ, do đến năm 2025 thì là đến thời điểm nào của năm 2025? sẽ dẫn đến cách hiểu và áp dụng khác nhau; đại biểu Nguyễn Đại Thắng đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo sửa lại là “đến hết năm 2025”.
Về thời gian thí điểm thực hiện Nghị quyết được áp dụng đến hết năm 2025, đầu năm 2026 Chính phủ tổng kết thực hiện Nghị quyết và báo cáo Quốc hội tại kỳ họp đầu năm theo quy định tại khoản 1 Điều 9; đại biểu đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo nên xem lại về thời gian thí điểm, vì để có thời gian bảo đảm việc tổng kết đánh giá đầy đủ tính phù hợp và hiệu quả của các chính sách thí điểm cần thời gian hợp lý cho việc thực hiện Nghị quyết. Do vậy, đề nghị thời gian thí điểm thực hiện Nghị quyết đến tháng 6 năm 2026, thời điểm sắp kết thúc nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV, sau đó tổng kết, đánh giá sự phù hợp và tính hiệu quả của từng chính sách thí điểm của Nghị Quyết để thể chế hóa thành pháp luật trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XVI và áp dụng thống nhất sẽ phù hợp hơn. Việc ban hành và thực hiện Nghị quyết chỉ hơn 2 năm, đại biểu e rằng hơi ngắn, chưa có đủ thời gian để kiểm nghiệm, đánh giá toàn diện sự phù hợp, tính hiệu quả của các chính sách thí điểm.
Sau khi Nghị quyết thí điểm được Quốc hội thông qua và có hiệu lực, đề nghị Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương xây dựng kế hoạch để triển khai thi hành ngay Nghị quyết; cần tăng cường việc kiểm tra, giám sát, định kỳ đánh giá sự phù hợp và hiệu quả của từng chính sách thí điểm.
Sau thời gian áp dụng thí điểm cần có sự tổng kết việc thi hành Nghị quyết, nhất là cần có đánh giá sự phù hợp và tính hiệu quả của từng chính sách thí điểm. Những chính sách nào phù hợp với thực tiễn, đã được thực tiễn chứng minh là đúng thì kịp thời thể chế hóa thành pháp luật để áp dụng thống nhất; chính sách thí điểm nào không phù hợp thì dừng thí điểm.
Các cơ chế, chính sách đặc thù áp dụng thí điểm trong Nghị quyết cần gắn với danh mục dự án thí điểm và cần có địa chỉ, thời gian, giới hạn cụ thể. Vì vậy, đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo cần tiếp tục rà soát lại các danh mục dự án thí điểm; cần nghiên cứu, bổ sung, hoàn thiện các nguyên tắc, tiêu chí lựa chọn dự án áp dụng thí điểm để tránh việc áp dụng tùy tiện, đưa cả những dự án không đủ điều kiện, không đúng tiêu chí theo yêu cầu của Nghị quyết để áp dụng thí điểm./.
Thanh Thư, phòng CTQH (lược ghi)
Danh sách bình luận