Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn: Nội dung các báo cáo phải thực sự mang tiếng nói của cử tri và Nhân dân
Chiều 7.10, tiếp tục chương trình phiên họp thứ 38, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, cho ý kiến về Báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ Bảy, Quốc hội Khóa XV; kết quả tiếp công dân, tiếp nhận, xử lý đơn thư của công dân và kết quả giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân gửi đến Quốc hội năm 2024; báo cáo công tác dân nguyện của Quốc hội tháng 9.2024; dự thảo Báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân gửi đến Kỳ họp thứ Tám, Quốc hội Khóa XV.
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu tại phiên họp. Ảnh: Hồ Long
Cử tri, Nhân dân lo lắng thiên tai, mưa bão bất thường gây thiệt hại lớn về người và tài sản
Báo cáo tóm tắt về kết quả thực hiện công tác dân nguyện tháng 9.2024; kết quả tiếp công dân, xử lý đơn thư và giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân gửi đến Quốc hội năm 2024; kết quả giám sát việc giải quyết, trả lời kiến nghị cử tri gửi đến Kỳ họp thứ Bảy, Quốc hội Khóa XV do Trưởng Ban Dân nguyện Dương Thanh Bình trình bày nêu rõ, cử tri và Nhân dân tiếp tục bày tỏ sự tin tưởng vào vai trò lãnh đạo của Đảng và Nhà nước. Đồng thời, hoan nghênh Quốc hội đã kịp thời xem xét, quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước; sự chỉ đạo quyết liệt, điều hành linh hoạt, hiệu quả của Chính phủ, UBND các cấp, sự phối hợp đồng bộ của cả hệ thống chính trị góp phần ổn định, phát triển kinh tế - xã hội trong thời gian qua.
Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương điều hành phiên họp. Ảnh: Hồ Long
Cử tri và Nhân dân đánh giá cao sự chuẩn bị của Quốc hội và Chính phủ về các nội dung quan trọng của chương trình Kỳ họp thứ Tám, Quốc hội Khóa XV. Quan tâm đến việc triển khai năm học mới 2024 - 2025, cử tri và Nhân dân mong ngành giáo dục cần tập trung thực hiện tốt chủ đề năm học đã đề ra là: “Đổi mới, sáng tạo, nâng cao chất lượng, đoàn kết, kỷ cương”; đặc biệt cần quan tâm định hướng, phổ biến cụ thể phương án, hình thức phù hợp cho kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 - 2025.
Quang cảnh phiên họp. Ảnh: Hồ Long
Cử tri và Nhân dân lo lắng tình hình thời tiết cực đoan, thiên tai, mưa bão bất thường, dẫn đến lũ quét, sạt lở đất gây thiệt hại lớn về người và tài sản, ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất, kinh doanh và đời sống của Nhân dân. Tình hình giá cả các mặt hàng thiết yếu phục vụ không ổn định đã làm ảnh hưởng đến đời sống của Nhân dân; thị trường vàng biến động bất thường ảnh hưởng đến tâm lý người dân; tình trạng mất an toàn vệ sinh thực phẩm…
Nhiều kiến nghị được trả lời trước thời hạn
Về kết quả giải quyết, trả lời của cơ quan có thẩm quyền, thông qua các cuộc tiếp xúc cử tri trước và sau Kỳ họp thứ Bảy, trên cơ sở Báo cáo của các Đoàn ĐBQH, Ban Dân nguyện đã tổng hợp được 2.289 kiến nghị cử tri để chuyển đến các cơ quan có thẩm quyền giải quyết; đến nay, 1.942 kiến nghị đã được giải quyết, trả lời cử tri, đạt 84,8%.
Trưởng Ban Dân nguyện cho biết, nhìn chung, Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương đã có nhiều cố gắng, nỗ lực tập trung giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri, thể hiện sự nghiêm túc, cầu thị và trách nhiệm.
Nhiều kiến nghị đã được trả lời trước thời hạn, số kiến nghị của cử tri được tiếp thu, giải quyết xong ngay giữa hai kỳ họp đã tăng so với kỳ họp trước. Chất lượng trả lời các kiến nghị ngày càng được nâng lên.
Tình hình công dân khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh có chiều hướng giảm
Về tình hình khiếu nại, tố cáo; kết quả tiếp công dân, xử lý đơn thư và giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo, theo báo cáo của Thanh tra Chính phủ và Bộ Công an, trong kỳ báo cáo, tình hình công dân khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh có chiều hướng giảm so với kỳ trước.
Tuy nhiên, tình trạng các công dân khiếu kiện đơn lẻ, kéo dài tại Hà Nội hàng ngày vẫn tập trung đông người. Các đoàn đông người khiếu kiện liên quan đến hoạt động đầu tư tài chính ở nhiều tỉnh, thành phố vẫn thường xuyên tập trung đông người tại TP. Hà Nội để căng băng rôn, biểu ngữ, tuần hành, di chuyển đến trụ sở các cơ quan ở Trung ương gây phức tạp về an ninh trật tự.
Trưởng ban Dân nguyện Dương Thanh Bình phát biểu tại phiên họp. Ảnh: Hồ Long
Về công tác tiếp công dân, xử lý đơn thư của Quốc hội, trong kỳ báo cáo năm 2024, các cơ quan của Quốc hội, Đoàn ĐBQH đã tiếp 4.703 lượt người đến khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh về 4.337 vụ việc và có 233 lượt đoàn đông người; đã nhận được tổng số 31.934 đơn thư của công dân gửi đến.
Qua nghiên cứu 9.493 đơn đủ điều kiện xử lý, các cơ quan đã chuyển 4.136 đơn đến các cơ quan có thẩm quyền giải quyết; ban hành văn bản hướng dẫn, trả lời công dân đối với 1.328 đơn; thực hiện các hoạt động giám sát việc giải quyết đối với 252 vụ việc…
Ban Dân nguyện kiến nghị, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các Bộ: Giáo dục và Đào tạo; Giao thông Vận tải; Nội vụ; Lao động - Thương binh và Xã hội; Y tế có giải pháp khắc phục các tồn tại, hạn chế đã nêu. Sớm nghiên cứu, ban hành quy định về việc giải quyết kiến nghị, phản ánh để bảo đảm đồng bộ, thống nhất với các quy định của pháp luật có liên quan; tăng cường công tác quản lý nhà nước về tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo…
Sớm dành nguồn lực hỗ trợ Nhân dân vùng bị thiệt hại do bão số 3
Trong Báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân gửi đến Kỳ họp thứ Tám, Quốc hội Khóa XV, do Tổng Thư ký - Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Thị Thu Hà trình bày nêu rõ, cử tri và Nhân dân bày tỏ sự tiếc thương vô hạn về sự ra đi của cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng - nhà lãnh đạo xuất sắc tiêu biểu của Đảng và Nhà nước, Nhân dân ta.
Cử tri và Nhân dân cả nước đau xót trước sự tàn phá nặng nề của cơn bão số 3 (Yagi) và hoàn lưu sau bão gây ra cho 26 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khu vực Bắc Bộ. Cử tri và Nhân dân cho rằng, nhờ có sự lãnh đạo sát sao, quyết liệt của Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị…, các tổ chức, doanh nghiệp và người dân được cảnh báo và tuyên truyền, vận động thực hiện các biện pháp phòng ngừa, được hỗ trợ kịp thời trước và trong, sau bão, do đó đã hạn chế mức độ thiệt hại do bão lũ.
Cử tri và Nhân dân bày tỏ vui mừng về tốc độ tăng tổng sản phẩm trong nước quý III.2024, đặc biệt nước ta đã được xếp vào nhóm nước công nghiệp mới nổi, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp. Đồng thời, đánh giá cao Đảng, Nhà nước ban hành các chính sách để đổi mới và phát triển lĩnh vực giáo dục và đào tạo; tình hình và kết quả công tác bảo đảm an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội thời gian qua được quan tâm và đạt hiệu quả cao…
Tổng Thư ký - Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Thị Thu Hà trình bày Báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân gửi đến Kỳ họp thứ Tám, Quốc hội Khóa XV. Ảnh: Hồ Long
Việc xem xét giải quyết các kiến nghị, phản ánh của cử tri và Nhân dân gửi tới các kỳ họp từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội Khóa XV đến nay đã được các bộ, ngành, cơ quan tổ chức, cá nhân có thẩm quyền xem xét, giải quyết. Quốc hội, Chính phủ đã có các văn bản chỉ đạo và các bộ, ngành, địa phương đã chú trọng tới việc xem xét giải quyết các kiến nghị, phản ánh của cử tri và Nhân dân gửi tới các kỳ họp Quốc hội.
Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam kiến nghị, Đảng, Nhà nước cần sớm dành nguồn lực gói hỗ trợ lương thực, cây con giống, vật tư thiết yếu để Nhân dân vùng bị thiệt hại do cơn bão số 3 có điều kiện tái thiết lại cuộc sống.
Nêu rõ cử tri và Nhân dân rất quan tâm đến đại hội đảng bộ các cấp, đặc biệt là Đại hội XIV của Đảng, Đoàn Chủ tịch đề nghị các cấp ủy Đảng từ tỉnh đến cơ sở xác định cụ thể những nội dung cần xin ý kiến góp ý của Nhân dân, sớm gửi văn bản (ít nhất là 30 ngày) để tổ chức xin ý kiến rộng rãi, thực chất, chất lượng…
Phải đưa công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo vào nề nếp
Tán thành và đánh giá cao nội dung các Báo cáo trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn lưu ý, các báo cáo cần ngắn gọn, rõ ràng, có trọng tâm, trọng điểm, nhất là về việc tổng hợp ý kiến của cử tri và Nhân dân.
Đối với Báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân gửi đến Kỳ họp thứ Tám, Chủ tịch Quốc hội đề nghị, cần thể hiện những vấn đề gần gũi, liên quan đến đời sống để tạo sức lan tỏa hơn trong các tầng lớp Nhân dân. “Báo cáo tổng hợp phải thực sự mang tiếng nói của cử tri và Nhân dân”, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.
Về tiếp công dân, xử lý đơn thư khiếu nại, tố cáo công dân gửi đến Quốc hội năm 2024, Chủ tịch Quốc hội cho rằng, những kiến nghị của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại Nghị quyết số 623/NQ-UBTVQH15 ngày 7.10.2022 về tiếp tục tăng cường hiệu lực, hiệu quả thực hiện chính sách, pháp luật về tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo cùng với các Thông báo kết luận về công tác dân nguyện hàng tháng được Chính phủ, các bộ, ngành, Tòa án Nhân dân tối cao, Viện kiểm sát Nhân dân tối cao tiếp thu và triển khai thực hiện có hiệu quả.
Tuy nhiên, theo Chủ tịch Quốc hội, dù tổng thể tình hình công dân đến nơi tiếp công dân, gửi đơn thư khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh đến các cơ quan Quốc hội, Đoàn ĐBQH năm 2024 có giảm so với năm 2023 nhưng không thể chủ quan, bởi tình hình khiếu nại, tố cáo vẫn tiềm ẩn hết sức phức tạp, khó lường.
Do đó, các ngành chức năng, công an, thanh tra, nội chính, tòa án, viện kiểm sát… cần tăng cường thực hiện nhiệm vụ, hạn chế tối đa tình trạng khiếu nại, tố cáo đông người và phải đưa công tác này vào nề nếp, bảo đảm có nơi tiếp, chỗ tiếp để cử tri và Nhân dân phản ánh tiếng nói của mình.
Với những vụ việc kéo dài, Chủ tịch Quốc hội đề nghị, cần giải quyết thấu tình, đạt lý, tới nơi, tới chốn và phải làm một cách bài bản hơn nữa trong giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân.
Phát biểu kết luận Phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương nêu rõ, các báo cáo đã phản ánh tương đối toàn diện, có số liệu dẫn chứng rõ ràng, đưa ra kiến nghị cụ thể, phù hợp, có căn cứ thực tiễn. Ủy ban Thường vụ Quốc hội ghi nhận sự cố gắng của Chính phủ, các bộ, ngành trong giải quyết các kiến nghị của cử tri và Nhân dân; giải quyết các đơn thư khiếu nại, tố cáo; nhiều vấn đề đã được giải quyết và đã được sửa đổi bằng nhiều văn bản quy phạm pháp luật để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trên thực tế.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị, Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành báo cáo giải trình rõ thêm các nội dung nổi lên trong 3 báo cáo của Ban Dân nguyện, 10 vấn đề cử tri kiến nghị và đáp ứng các kiến nghị của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Đồng thời, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam tiếp tục nghiên cứu, đánh giá kỹ các nội dung theo báo cáo trên cơ sở ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng như ý kiến Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn để phối hợp với các cơ quan tổng hợp đầy đủ trước ngày khai mạc Kỳ họp thứ Tám, và tiếp tục bổ sung, gửi tham gia ý kiến bằng văn bản trước khi trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ Tám tới đây.
Danh sách bình luận