Phòng, chống lãng phí trong thực thi chính sách, pháp luật
Cần có giải pháp chống lãng phí trong thực thi chính sách, pháp luật -đây là vấn đề được nhiều đại biểu Quốc hội đề cập trong phiên thảo luận về kinh tế - xã hội tại Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV. Đại biểu cũng phân tích nguyên nhân, gợi mở một số giải pháp, đề nghị Chính phủ quyết liệt trong công tác chỉ đạo, điều hành trong thời gian tới.
Tổng thuật chiều 4/11: Quốc hội thảo luận phiên toàn thể về tình hình kinh tế - xã hội
Lãng phí đã và đang gây ra nhiều hệ lụy nghiêm trọng cho phát triển
Nêu vấn đề chống lãng phí trong bộ máy công quyền, đại biểu Mai Thị Phương Hoa – Đoàn ĐBQH tỉnh Nam Định cho biết, thời gian qua, Đảng và Nhà nước đã rất quan tâm đến công tác chống lãng phí. Bộ Chính trị ban hành Chỉ thị số 27-CT/TW ngày 25/12/2023 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, Quốc hội thực hiện giám sát tối cao và ban hành Nghị quyết số 74/2022/QH15 của Quốc hội: Đẩy mạnh việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.
Đại biểu Mai Thị Phương Hoa – Đoàn ĐBQH tỉnh Nam Định
Gần đây nhất, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực mới được bổ sung nhiệm vụ mới về phòng, chống lãng phí. Đặc biệt, bài viết của đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm về chống lãng phí đã đánh giá đúng thực trạng, chỉ ra nguyên nhân và đưa ra nhiều giải pháp rất trúng. Có thể nói đây là một thông điệp mạnh mẽ, sâu sắc, khuyến khích mọi người dân, đặc biệt là cán bộ trong bộ máy công quyền cần xem xét lại cách thức sử dụng và quản lý các nguồn lực trong xã hội. Bài viết của Tổng Bí thư đã đánh giá, lãng phí còn diễn ra khá phổ biến dưới nhiều dạng thức khác nhau đã và đang gây ra nhiều hệ lụy nghiêm trọng cho phát triển.
Một trong những nội dung có tính thời sự, là lực cản sự phát triển của đất nước, đại biểu Nguyễn Hữu Thông – Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Thuận đề cập đến vấn đề lãng phí nguồn lực xã hội, nguồn lực của đất nước trong các “dự án trùm mền”, “công trình đắp chiếu” hiện nay.
Đại biểu cho rằng, chưa có số liệu thống kê thật sự đầy đủ về sự lãng phí trên cả nước nhưng con số này không dưới hàng trăm nghìn tỷ đồng, đó không là con số về mặt tài chính, mà những lãng phí và hệ lụy xoay quanh nó, như lãng phí về nguồn lực đất đai, lãng phí về cơ hội phát triển của doanh nghiệp, của đất nước… thì không đo đếm hết, đặc biệt là lãng phí niềm tin của Nhân dân.
Đại biểu Nguyễn Hữu Thông – Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Thuận
Đại biểu lấy ví dụ các dự án điện gió, điện mặt trời đã đầu tư xây dựng nhưng chưa đưa vào vận hành; hàng nghìn, hàng trăm nghìn căn hộ xây dựng rồi bỏ trống hoặc xây dựng dở dang; hay các công trình dự án xây dựng hàng chục năm nhưng vẫn chưa xong.
Còn tâm lý coi nhẹ chống lãng phí
Phân tích nguyên nhân của tình trạng lãng phí trong bộ máy công quyền, đại biểu Mai Thị Phương Hoa – Đoàn ĐBQH tỉnh Nam Định cho rằng, có một bộ phận cán bộ có tâm lý coi nhẹ việc chống lãng phí ngay trong hoạt động quản lý. Lâu nay họ chỉ coi lãng phí là hành vi cần khắc phục nhưng chưa đến mức nghiêm trọng, chưa coi lãng phí là hành vi nguy hiểm cho xã hội. Có một số cán bộ còn quan niệm lãng phí chỉ là việc quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước không hiệu quả nhưng trên thực tế còn có lãng phí về cơ hội và thời gian. Bệnh thành tích, tư duy nhiệm kỳ, tư duy chủ quan của một số cán bộ muốn thực hiện những dự án ở địa phương, bộ, ngành mình và trong nhiệm kỳ mình làm lãnh đạo để chứng tỏ năng lực, sự năng động nhưng do cách làm nóng vội, sự tính toán chủ quan, sự không tuân thủ đầy đủ các quy trình, thủ tục nên một số dự án đã đem lại hiệu quả không mong muốn.
Bên cạnh đó, chế tài xử lý lãng phí đã ban hành nhưng tính răn đe chưa cao. Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí đã quy định trách nhiệm của cá nhân, trách nhiệm người đứng đầu, việc xử lý hành vi vi phạm trong việc để xảy ra tình trạng lãng phí. Tuy nhiên, các quy định này chủ yếu có tính chất cảnh báo, nhắc nhở; có 2 điều đề cập đến các hành vi phạm tội dẫn đến hậu quả lãng phí, nhưng trên thực tế, các điều luật này ít khi được sử dụng để xử lý hành vi lãng phí mà thường được xử lý bằng các tội danh khác. Với cách xử lý này, mặc dù tội phạm vẫn bị trừng trị nhưng tính răn đe, giáo dục về chống lãng phí chưa cao.
Đại biểu Nguyễn Hữu Thông – Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Thuận cho rằng, có nhiều nguyên nhân, nhưng dù xuất phát từ nhà đầu tư, doanh nghiệp hay cơ quan nhà nước, đại biểu cho rằng đây là của cải, là nguồn lực của xã hội, của đất nước, cần phải tháo gỡ. Việc Quốc hội, Chính phủ xem xét, đưa ra các cơ chế chính sách tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn cuộc sống đó là đồng hành, là kiến tạo để cho sự phát triển của đất nước chứ không phải là hợp thức hóa các sai phạm.
Sử dụng tiết kiệm nguồn lực đất đai để phát triển kinh tế - xã hội
Khẳng định sự cần thiết phải sử dụng tiết kiệm nguồn lực đất đai để phát triển kinh tế - xã hội, đại biểu Nguyễn Thành Nam - Đoàn ĐBQH tỉnh Phú Thọ cho biết, hiện nay, việc khai thác và sử dụng nguồn lực đất đai vẫn chưa theo kịp nhu cầu, tiềm năng và cơ hội của đời sống kinh tế - xã hội, đặt ra vấn đề lớn trong việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Trong đó có sự chuyển biến chậm ở một số ngành, lĩnh vực trong việc sắp xếp, đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của các công ty nông, lâm nghiệp; sắp xếp lại, xử lý cơ sở nhà, đất, tài sản công của các cơ quan trung ương đóng trên địa bàn của các địa phương.
Đại biểu Nguyễn Thành Nam - Đoàn ĐBQH tỉnh Phú Thọ
Đại biểu cho biết, lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quốc hội đã có những chỉ đạo, yêu cầu cụ thể trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân, nhất là trách nhiệm giải trình của những người đứng đầu đối với diện tích đất bỏ hoang, sử dụng sai mục đích, đất nông, lâm nghiệp được thu hồi nhưng chưa có phương án sử dụng, đặt đấu tranh phòng chống lãng phí có vị trí tương đương với phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Song, có thực tế đáng buồn là có địa phương rất tích cực, chủ động đề xuất, triển khai các dự án để phát triển kinh tế - xã hội theo quy hoạch, kế hoạch đã được phê duyệt với các quỹ đất này nhưng lại gặp rất nhiều rào cản, trở lực dẫn đến chưa thể khai thác tối ưu hiệu quả nguồn lực đất đai. Để "đất khóc, người than" có nhiều nguyên nhân, trong đó có sự lùng nhùng, vướng mắc trong việc phân định phạm vi, trình tự giữa việc sắp xếp, xử lý tài sản công với việc thu hồi đất.
Trên cơ sở những quy định của pháp luật mới, với quan điểm phát triển bám sát thực tiễn, tránh tư duy pháp lý thuần túy trong điều kiện hệ thống pháp luật còn chưa đồng bộ, đại biểu Nguyễn Thành Nam đề nghị các bộ, ngành tiếp tục xem xét giải quyết, tạo điều kiện nhanh nhất cho các địa phương thuận lợi khai thác các quỹ đất trong phạm vi chỉ tiêu đã được phân bổ; sớm chuyển giao các cơ sở nhà đất do bộ, ngành đang quản lý nhưng không có nhu cầu sử dụng về địa phương để phát triển kinh tế - xã hội, nhất là những vị trí đã hoang hóa hàng chục năm.
Đại biều Đào Hồng Vận – Đoàn ĐBQH tỉnh Hưng Yên
Cùng với công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, tiếp tục đẩy mạnh việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí theo tinh thần chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm, đại biều Đào Hồng Vận – Đoàn ĐBQH tỉnh Hưng Yên nêu quan điểm, chúng ta không chỉ quan tâm đến việc chống lãng phí ở lĩnh vực công, mà cần quan tâm đến chống lãng phí ở những dự án, những công trình đầu tư công - đây là lãng phí của xã hội, đặc biệt là lãng phí trong lĩnh vực tư. Theo đại biểu, nhiều dự án nhà đầu tư triển khai trong nhiều năm nhưng không đưa vào khai thác và sừ dụng, gây lãng phí lớn đối với nguồn lực của xã hội.
Tại Kỳ họp thứ 8, Chính phủ đã trình rất nhiều nội dung nhằm tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, bất cập, chồng chéo trong các văn bản quy phạm pháp luật như Luật Đầu tư, Luật Đầu tư công, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư hay xem xét cho ý kiến về dự thảo Nghị quyết về chính sách đặc thù để tháo gỡ các vướng mắc của các dự án đất đai trong các kết luận thanh tra, kiểm tra, bản án ở Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng và Khánh Hòa… Điều này thể hiện tinh thần kiến tạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ để giải quyết những vướng mắc đang gây lãng phí nguồn lực đất nước.
Đại biểu Nguyễn Hữu Thông – Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Thuận đề nghị Chính phủ tiếp tục chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương tiếp tục rà soát, đánh giá những dự án, những công trình có vướng mắc về mặt thể chế hiện nay (những dự án qua thanh tra, kiểm tra, điều tra, các bản án, các dự án chậm do triển khai các văn bản quy phạm pháp luật chưa đồng bộ) để tháo gỡ, có thể ban hành các cơ chế đặc thù thí điểm đối với một số dự án cụ thể hay ở số một số địa phương cụ thể, đánh giá và nhân rộng, nhằm phát huy nguồn lực phát triển của đất nước.
Danh sách bình luận