Lãnh đạo HĐND tỉnh dự Hội nghị gặp mặt đoàn đại biểu trẻ em và tiếp xúc cử tri trước Phiên họp giả định “Quốc hội trẻ em” lần thứ II, năm 2024
Chiều ngày 5/9, Ban Thường vụ Tỉnh đoàn, Hội đồng Đội tỉnh Hưng Yên tổ chức Hội nghị gặp mặt Đoàn đại biểu Quốc hội trẻ em và tiếp xúc cử tri trẻ em tỉnh Hưng Yên trước phiên họp giả định "Quốc hội trẻ em" lần thứ II năm 2024 tại Trường THCS Phạm Huy Thông, thị trấn Ân Thi, huyện Ân Thi. Dự hội nghị có bà Trần Thị Tuyết Hương, Tỉnh ủy viên - Phó Chủ tịch HĐND tỉnh; bà Vũ Hồng Luyến, Tỉnh ủy viên, Bí thư Tỉnh đoàn, đại biểu Quốc hội khóa XV; bà Đặng Thị Gấm, Trưởng Ban Văn hóa-Xã hội HĐND tỉnh; các đồng chí Thường trực Tỉnh đoàn, Hội đồng Đội tỉnh; lãnh đạo HĐND huyện Ân Thi; 2 trẻ em là đại biểu tham dự phiên họp giả định "Quốc hội trẻ em”; 50 học sinh trường THCS Phạm Huy Thông.
Các đại biểu dự Hội nghị
Phiên họp giả định “Quốc hội trẻ em” là phiên họp Quốc hội do chính trẻ em điều hành như một phiên họp Quốc hội chính thức, trong đó, các em sẽ vào vai là những “đại biểu Quốc hội” đại diện cho trẻ em để bàn về các nội dung, quan điểm, kiến nghị về các vấn đề của trẻ em. Đây là hoạt động do Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Hội đồng Đội Trung ương chủ trì, phối hợp với Văn phòng Quốc hội, Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục của Quốc hội tổ chức phiên họp giả định này, nhằm thực hiện hiệu quả Luật trẻ em 2016 và nhiệm vụ đại diện tiếng nói, nguyện vọng của trẻ em, triển khai hiệu quả Đề án Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ XII “Đoàn TNCS Hồ Chí Minh thúc đẩy quyền tham gia của trẻ em vào các vấn đề về trẻ em giai đoạn 2022 - 2027”. Phiên họp giả định chính là kết quả của việc thực hiện tốt các mô hình thúc đẩy quyền tham gia của trẻ em do Trung ương Đoàn, Hội đồng Đội Trung ương và các cấp bộ Đoàn, Đội thực hiện như “Hội đồng trẻ em”, câu lạc bộ “Quyền trẻ em”, hộp thư “Điều em muốn nói”…Đây là môi trường, điều kiện rất tốt để trẻ em thể hiện tiếng nói, tâm tư, nguyện vọng của mình; hình thành cho các em niềm đam mê với nghề nghiệp cũng như thúc đẩy sự tham gia sớm của trẻ em, định hướng trẻ em trở thành những công dân có trách nhiệm với đất nước, với xã hội và khả năng trở thành những nhà lãnh đạo trong tương lai.
Phiên họp giả định “Quốc hội trẻ em” lần thứ nhất được tổ chức năm 2023, đã được tiến hành theo đúng quy trình, cách thức tổ chức như một phiên họp chính thức của Quốc hội. Lần đầu tiên các em thiếu nhi được trải nghiệm, tìm hiểu bộ máy cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất là Quốc hội, cũng như khẳng định sự quan tâm của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quốc hội đối với công tác bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em, phát huy vai trò của tổ chức Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh là tổ chức đại diện tiếng nói, nguyện vọng của trẻ em.
Tiếp nối kết quả đạt được của phiên họp giả định “Quốc hội trẻ em” lần thứ nhất, phiên họp giả định “Quốc hội trẻ em” lần thứ II năm 2024 do Ban Bí thư Trung ương Đoàn chủ trì, phối hợp với Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, Văn phòng Quốc hội tổ chức từ ngày 27 - 29/9 tại thành phố Hà Nội dự kiến sẽ có nhiều điểm đổi mới so với phiên họp năm 2023, trong đó phiên họp chính thức sẽ mô phỏng một phiên chất vấn, một trong những hoạt động giám sát quan trọng của Quốc hội. Công tác tuyển chọn đại biểu trẻ em dự phiên họp giả định được chuẩn bị kỹ lưỡng, chặt chẽ, sàng lọc từ cơ sở đến Trung ương, nhằm đảm bảo chất lượng đồng đều, lựa chọn những đại biểu tiêu biểu, xuất sắc tham gia phiên họp. Tham dự phiên họp lần này, tỉnh Hưng Yên có 02 đại biểu chính thức do Hội đồng Đội Trung ương phê duyệt là em Đỗ Thị Phương Loan, học sinh lớp 9A2, trường THCS Chất lượng cao Dương Phúc Tư, huyện Văn Lâm và em Vũ Kim Anh, học sinh lớp 9C, Trường THCS Phạm Huy Thông, huyện Ân Thi. Các em đều là những học sinh chăm ngoan, học giỏi, có kết quả học tập, rèn luyện tốt, tích cực tham gia công tác Đội và có kỹ năng hoạt động xã hội.
Tại Hội nghị gặp mặt đại biểu Quốc hội trẻ em và tiếp xúc cử tri trẻ em tỉnh Hưng Yên trước khi tham gia phiên họp giả định "Quốc hội trẻ em" lần thứ II năm 2024, Đoàn đại biểu trẻ em tỉnh đã thông tin đến Hội nghị những nội dung kiến thức, kỹ năng đã được tập huấn trước khi tham gia phiên họp giả định; việc chuẩn bị nội dung thảo luận tại phiên họp giả định... Đồng thời, lắng nghe đại biểu trẻ em và các em học sinh trường THCS Phạm Huy Thông chia sẻ góc nhìn về các nội dung “Phòng, chống bạo lực học đường, tạo môi trường an toàn cho trẻ em”, “Phòng, chống tác hại của thuốc lá, chất kích thích trong môi trường học đường”.
Em Đỗ Thị Phương Loan, học sinh lớp 9A2, trường THCS Chất lượng cao Dương Phúc Tư, huyện Văn Lâm và em Vũ Kim Anh, học sinh lớp 9C, Trường THCS Phạm Huy Thông, huyện Ân Thi phát biểu tại Hội nghị
Phát biểu tại Hội nghị, bà Trần Thị Tuyết Hương, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh ghi nhận, đánh giá cao Báo cáo của Đoàn đại biểu trẻ em tỉnh Hưng Yên về những nội dung Đoàn đại biểu đã được tập huấn; đồng thời bày tỏ kỳ vọng các đại biểu trẻ em tỉnh Hưng Yên sẽ nêu cao tinh thần trách nhiệm, phát huy tài năng, trí tuệ, tích cực tham gia hiệu quả các hoạt động của Chương trình, gửi gắm những tâm tư, nguyện vọng và để lại dấu ấn tốt đẹp của thiếu nhi Hưng Yên tại phiên họp giả định “Quốc hội trẻ em”. Phó Chủ tịch HĐND tỉnh đề nghị Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh tỉnh, Hội đồng Đội tỉnh tiếp tục phát huy vai trò là tổ chức đại diện cho tiếng nói, nguyện vọng của trẻ em; luôn thể hiện tinh thần chủ động, sáng tạo trong tham mưu, triển khai các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật Nhà nước một cách sinh động, hiệu quả đến với các đối tượng trẻ em; chú trọng triển khai tốt các mô hình thúc đẩy quyền tham gia của trẻ em vào các vấn đề về trẻ em.
Bà Trần Thị Tuyết Hương, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh phát biểu tại Hội nghị
Nhân dịp này, HĐND tỉnh và Tỉnh đoàn, Hội đồng Đội tỉnh tặng quà động viên 2 đại biểu trẻ em.
Thường trực HĐND tỉnh tặng quà các đại biểu trẻ em tại Hội nghị
Dự kiến thời gian tới Ban Thường vụ Tỉnh đoàn, Hội đồng đội tỉnh tích cực tham mưu, thành lập Hội đồng trẻ em cấp tỉnh. Sau phiên họp giả định, các em sẽ có thêm hành trang, kinh nghiệm thực hiện mô hình “Hội đồng trẻ em” cấp tỉnh để các em phát huy khả năng trình bày, phản biện, nói lên tâm tư nguyện vọng của mình. Qua đó, Tỉnh đoàn cũng như các cấp, ngành hiểu hơn về nhu cầu, mong muốn của các em, từ đó có những biện pháp cụ thể, giải quyết kịp thời những vấn nạn trong học đường, môi trường giáo dục, giúp trẻ được quyền lên tiếng, được quyền nói và được lắng nghe, quan tâm./.
Lưu Thùy Linh, Phòng TTDN