Đại biểu Đoàn Thị Thanh Mai, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội phát biểu tham gia ý kiến vào dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi)
ĐBQH Đoàn Thị Thanh Mai phát biểu tham gia ý kiến tại Hội trường
Sáng ngày 23/11, Quốc hội tiến hành thảo luận ở Hội trường về dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) và Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội phát biểu giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu; đại biểu Đoàn Thị Thanh Mai, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, đại biểu Quốc hội tỉnh Hưng Yên khóa XV đã tham gia ý kiến vào dự án Luật.
Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) đã mở rộng 5 đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc (chủ hộ kinh doanh của hộ kinh doanh thuộc diện phải đăng ký kinh doanh; người hoạt động không chuyên trách ở tổ, thôn, dân phố; người quản lý doanh nghiệp, kiểm soát viên, người đại diện phần vốn nhà nước, người đại diện phần vốn của doanh nghiệp tại công ty và công ty mẹ, người quản lý điều hành Hợp tác xã, Liên hiệp Hợp tác xã và không hưởng tiền lương; người lao động làm việc không trọn thời gian, có mức tiền lương tháng bằng hoặc cao hơn tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc thấp nhất; trường hợp không giao kết hợp đồng lao động hoặc thỏa thuận bằng tên gọi khác nhưng có nội dung thể hiện về việc làm, có trả công, tiền lương và sự quản lý, điều hành, giám sát của một bên); việc bổ sung các đối tượng trên thể hiện sự định hướng từng bước mở rộng diện bao phủ đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, nhưng sẽ làm phát sinh thêm chi phí của cả người lao động và người sử dụng lao động. Do đó cần nghiên cứu, đánh giá kỹ tác động và làm rõ các lợi ích chi phí khi tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc của các nhóm đối tượng này, tránh phát sinh các phản ứng tiêu cực.
Bên cạnh đó, theo báo cáo đánh giá tác động chính sách trong dự án Luật, có gần 2 triệu hộ đăng ký kinh doanh, khoảng 270.000 người hoạt động không chuyên trách ở thôn, tổ, dân phố và chưa kể ba nhóm đối tượng còn lại chưa có thống kê cụ thể. Thực tiễn vừa qua, tình trạng trốn, nợ đóng bảo hiểm xã hội đối với các đối tượng dễ quản lý, dễ xử lý vẫn chưa được giải quyết triệt để. Do đó nếu mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc như dự thảo Luật cần phải có chế tài, quy định kiểm soát và thực hiện nghiêm xử lý, xử phạt nghiêm minh, để đảm bảo tính hiệu lực, hiệu quả của các quy định.
Dự thảo Luật cũng quy định việc tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc đối với các đối tượng khác có việc làm, thu nhập ổn định, thường xuyên thì do Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định, phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của từng thời kỳ quy định tại khoản 6 Điều 3. Việc tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc góp phần đảm bảo an sinh xã hội cho người lao động, tuy nhiên với chính sách như hiện nay thì người lao động không khỏi so sánh giữa việc tham gia bảo hiểm xã hội với các hình thức tích lũy khác. Bên cạnh đó, việc tham gia bảo hiểm xã hội cũng trừ trực tiếp vào thu nhập của người lao động nên vẫn có một số bộ phận người lao động do có thu nhập quá thấp nên không muốn tham gia. Do đó, điều quan trọng là cần có chế độ, chính sách phù hợp, đa dạng để người lao động nhận thấy quyền lợi của họ được đảm bảo; chính sách hấp dẫn thì người lao động sẽ tự nguyện tham gia bảo hiểm xã hội chứ không phải bắt buộc.
Về bảo hiểm xã hội một lần quy định tại Điều 70, đại biểu nhấn mạnh bảo hiểm xã hội một lần là quyền lợi chính đáng của người lao động tham gia bảo hiểm xã hội. Tuy nhiên, người lao động hưởng bảo hiểm xã hội một lần có xu hướng gia tăng trong thời gian qua là một thực tế đáng lo ngại đối với việc thực hiện mục tiêu an sinh xã hội cho toàn dân. Đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo đánh giá, làm rõ nguyên nhân dẫn tới xu hướng gia tăng của tình trạng rút bảo hiểm xã hội một lần để có biện pháp xử lý gốc rễ vấn đề này; đồng thời, xem xét điều kiện rút bảo hiểm xã hội một lần thật thận trọng để đảm bảo an sinh xã hội cho người lao động.
Đại biểu cũng phân tích về ưu, nhược điểm của 2 phương án do cơ quan soạn thảo trình và đề nghị nên nghiên cứu phương án người lao động được lựa chọn rút bảo hiểm xã hội một lần hoặc rút 50% thời gian đã đóng; thời gian còn lại được bảo lưu để hưởng chế độ bảo hiểm xã hội khi đủ tuổi nghỉ hưu và không nên chỉ giải quyết tối đa 50% tổng thời gian đã đóng./.
Thanh Thư, phòng CTQH (lược ghi)
Danh sách bình luận