Thảo luận Tổ 12: Đảm bảo nguồn lực để thực hiên tốt chính sách đối với nghệ nhân
Đóng góp ý kiến vào dự án Luật Di sản văn hóa (sửa đổi), nhiều ĐBQH tại Tổ 12 cho rằng, Cơ quan chủ trì soạn thảo dự án Luật nên bổ sung đánh giá tác động, điều kiện bảo đảm về nguồn lực tài chính để thực hiện chính sách đối với nghệ nhân, chủ thể của di sản văn hóa phi vật thể...
THẢO LUẬN TỔ 12: YÊU CẦU CAO NHẤT KHI SỬA LUẬT CÔNG CHỨNG LÀ PHỤC VỤ NHÂN DÂN
Tiếp tục chương trình của Kỳ họp thứ 7, chiều 18/6, Quốc hội thảo luận ở Tổ về dự án Luật Di sản văn hóa (sửa đổi). Thảo luận tại Tổ 12 gồm các Đoàn ĐBQH tỉnh Hưng Yên, Ninh Bình, Quảng Bình, Ninh Thuận. Đa số các ĐBQH đều thống nhất về việc sửa đổi Luật Di sản văn hóa nhằm thể chế hóa văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và các Nghị quyết, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước liên quan đến văn hóa và xây dựng pháp luật.
Toàn cảnh Phiên thảo luận tại Tổ 12
Việc sửa đổi Luật Di sản văn hóa cũng sẽ khắc phục những bất cập, hạn chế sau 23 năm thực hiện Luật Di sản văn hoá 2001 và 15 năm thực hiện luật di sản văn hoá sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Di sản văn hoá 2009 như: Một số quy định của Luật còn mang tính nguyên tắc chung, hoặc không còn phù hợp với thực tiễn; Một số vấn đề phát sinh trong thực tiễn chưa được quy định trong luật; Một số luật có sự đan xen với Luật Di sản văn hóa như Luật Đất đai, Luật Quy hoạch, Luật Xây dựng, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư công, Luật Bảo vệ môi trường, Luật Lâm nghiệp… đã được sửa đổi, bổ sung có quy định liên quan đến di sản văn hóa cần được quy định trong Luật Di sản văn hóa đảm bảo tính thống nhất và đồng bộ trong hệ thống pháp luật; các Công ước quốc tế, Chương trình có liên quan đến di sản văn hóa mà Việt Nam là thành viên cần nội luật hóa.
Ngoài ra, việc sửa đổi Luật Di sản văn hoá cũng là nhằm thể chế chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về văn hóa và di sản văn hóa phù hợp với thực tiễn công tác quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hoá hiện nay, đẩy mạnh thu hút nguồn lực xã hội hóa, hợp tác công tư, ứng dụng khoa học công nghệ thông tin, chuyển đổi số đáp ứng yêu cầu bảo tồn và phát triển bền vững, toàn diện và hội nhập quốc tế.
Các ĐBQH thuộc Đoàn ĐBQH tỉnh Ninh Thuận
Đề cập về nguồn ngân lực quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa, đại biểu Nguyễn Đại Thắng – Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Hưng Yên cho rằng, tại khoản 4 Điều 82 dự án Luật quy định: “Nguồn nhân lực trực tiếp trông nom, bảo vệ di tích và nguồn nhân lực không thuộc các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này phải được đào tạo, bồi dưỡng về chuyên môn, nghiệp vụ và kiến thức cần thiết khác phù hợp với công việc; được hưởng chế độ, quyền lợi của người lao động làm việc trong tổ chức đó theo quy định của pháp luật”.
Trên thực tế hiện nay, tại một số di tích, nguồn nhân lực trực tiếp trông nom, bảo vệ là người cao tuổi, già yếu được cấp ủy, chính quyền và người dân giới thiệu ra trông nom, bảo vệ. Nguồn lực này chưa được đào tạo, tập huấn chuyên môn, nghiệp vụ. Tuy nhiên việc đào tạo về chuyên môn, nghiệp vụ và các kiến thức cho những người cao tuổi nêu trên sẽ gặp khó khăn. Vì vậy, đại biểu Nguyễn Đại Thắng đề nghị cơ quan chủ trì soạn thể nghiên cứu, bổ sung quy định về độ tuổi đối với nguồn nhân lực trực tiếp trông coi tại các di tích để đảm bảo tính đồng bộ, phát huy được giá trị lịch sử văn hóa và tinh thần trách nhiệm, hiệu quả công việc; đồng thời nên quy định cụ thể chế độ, quyền lợi đối với người trông nom tại các di tích xếp hạng.
Trong dự án Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) có nội dung về chính sách đối với nghệ nhân, chủ thể của di sản văn hóa phi vật thể quy định tại Điều 13. Đại biểu Nguyễn Đại Thắng thống nhất cao với ý kiến của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội trong Báo cáo thẩm tra về nội dung này. Hiện nay, việc xét tặng danh hiệu, hỗ trợ nghệ nhân Nhân dân, nghệ nhân ưu tú trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể được quy định tại 02 Nghị định của Chính phủ (Nghị định số 62 năm 2014 và Nghị định số 43 năm 2024) và giao 02 Bộ phụ trách (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xét tặng danh hiệu trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể; Bộ Công thương xét tặng danh hiệu trong lĩnh vực nghề thủ công mỹ nghệ). Tuy nhiên, cùng là một danh hiệu nhưng các quy định về tiêu chuẩn xét tặng danh hiệu tại 02 Nghị định này có những nội dung chưa được đồng nhất với nhau.
Đại biểu Nguyễn Đại Thắng - Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Hưng Yên đóng góp ý kiến
Để đảm bảo thống nhất, công bằng khi triển khai thực hiện việc công nhận danh hiệu nghệ nhân Nhân dân và nghệ nhân ưu tú trong tất cả các lĩnh vực, đại biểu Nguyễn Đại Thắng đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo nghiên cứu để có những quy định khắc phục được những bất cập nêu trên. Đồng thời tại điểm d khoản 1 Điều 13 dự thảo Luật quy định: “Nghệ nhân Nhân dân, nghệ nhân ưu tú được nhà nước phong tặng được hưởng trợ cấp sinh hoạt hàng tháng, hỗ trợ tiền đóng bảo hiểm y tế, được hỗ trợ chi phí mai táng phí khi chết”. Đại biểu Nguyễn Đại Thắng đề nghị Cơ quan chủ trì soạn thảo đánh giá tác động cũng như nguồn lực tài chính có để đảm bảo thực hiện quy định này hay không?
Liên quan đến nội dung trên, đại biểu Đàng Thị Mỹ Hương – Đoàn ĐBQH tỉnh Ninh Thuận nhấn mạnh: Chính sách đối với nghệ nhân, chủ thể của di sản văn hóa phi vật thể được quy định chi tiết tại khoản 1 Điều 13. Tuy nhiên, ngoài các chính sách quy định tại khoản 1 Điều này, căn cứ theo tình hình thực tiễn, Hội đồng Nhân dân cấp tỉnh có thể ban hành chế độ đãi ngộ riêng của địa phương. Theo đó, đại biểu Đàng Thị Mỹ Hương đề nghị Cơ quan chủ trì soạn thảo nên bổ sung đánh giá tác động, điều kiện bảo đảm về nguồn lực tài chính khi thực hiện quy định này. Việc làm này cũng là để các quy định tại Điều 13 của dự án Luật được đảm bảo khả thi, tránh việc có quy định nhưng không có tài chính để thực hiện
Ngoài ra, đại biểu Đàng Thị Mỹ Hương đề nghị Cơ quan soạn thảo dự án Luật nghiên cứu quy định bổ sung việc tôn vinh, tuyên truyền, giáo dục về các danh nhân văn hóa thế giới.
Đại biểu Đàng Thị Mỹ Hương - Đoàn ĐBQH tỉnh Ninh Thuận
Mặt khác, trong dự án Luật cũng sửa đổi, bổ sung một số chính sách về quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa, đặt ra yêu cầu cao hơn về nguồn nhân lực, tài chính. Do vậy, đại biểu Đàng Thị Mỹ Hương đề nghị Cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp tục rà soát, đánh giá kỹ để bảo đảm thi hành luật hiệu quả
Đề cập về khu vực bảo vệ của di tích; việc phân cấp trong việc cho phép đầu tư, xây dựng công trình trong khu vực bảo vệ di tích, đại biểu Nguyễn Thị Tuyết Nga - Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Bình khẳng định: Quan điểm xuyên suốt và nhất quán của Đảng ta luôn cho rằng di sản văn hóa là tài sản vô giá của dân tộc, là nguồn lực nội sinh quan trọng cho phát triển bền vững đất nước, cần được bảo tồn một cách nghiêm ngặt.
Luật hiện hành và dự án Luật thống nhất về nguyên tắc, khu vực bảo vệ I của di tích là vùng có các yếu tố gốc cấu thành di tích, phải được bảo vệ nghiêm ngặt. Điều 26, Điều 27 dự thảo Luật quy định khu vực bảo vệ I của di tích được bảo vệ nguyên trạng về mặt bằng và không gian đối với những yếu tố gốc cấu thành di tích.
Tuy nhiên, dự án Luật lại quy định cho phép đầu tư, xây dựng công trình, nhà ở riêng lẻ ở trong và ngoài khu vực bảo vệ di tích; đồng thời phân cấp phân quyền cho địa phương (Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch) quyết định đối với dự án này ở các di tích được xếp hạng các cấp độ.
Với nội dung trên, đại biểu Nguyễn Thị Tuyết Nga đề nghị phải có phương án để bảo vệ di tích nghiêm ngặt, nhưng đồng thời, tạo điều kiện thuận lợi đối với người dân đã sinh sống trong khu vực di tích.
Đại biểu Nguyễn Thị Tuyết Nga - Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Bình
Để bảo đảm yêu cầu bảo vệ nguyên trạng về mặt bằng và không gian đối với những yếu tố gốc cấu thành di tích, theo đại biểu Nguyễn Thị Tuyết Nga, chỉ nên cho phép xây dựng, cải tạo nhà ở riêng lẻ đối với trường hợp di sản đã có cư dân sinh sống (như làng cổ Đường Lâm, đô thị cổ Hội An, khu vực bảo vệ I của Quần thể di tích Cố đô Huế...); phải bảo đảm nguyên tắc quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa, giữ nguyên “yếu tố gốc cấu thành di tích”.
Về phân cấp cho Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (khoản 2, Điều 27), điều 24 dự thảo Luật quy định về thẩm quyền xếp hạng di tích rất chặt chẽ: Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xếp hạng di tích cấp tỉnh; Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quyết định xếp hạng di tích quốc gia; Thủ tướng Chính phủ quyết định xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt. Do đó, đại biểu Nguyễn Thị Tuyết Nga cho rằng, cần phải cân nhắc them việc quy định phân cấp cho Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho phép đầu tư, xây dựng công trình trong khu vực bảo vệ di tích, bảo đảm thống nhất, chặt chẽ hơn.
Trong khuôn khổ Phiên thảo luận, các ĐBQH tại Tổ 12 còn cho ý kiến vào dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược. Theo đó, các ĐBQH tập trung vào việc sửa đổi quy định liên quan đến quản lý giá thuốc nhằm bảo đảm thống nhất với Luật Giá năm 2023, song quy định trách nhiệm của cơ sở sản xuất thuốc và cơ sở nhập khẩu thuốc trong việc kê khai lần đầu giá bán buôn thuốc dự kiến trước khi đưa thuốc ra lưu hành trên thị trường, kê khai lại khi thay đổi giá bán buôn thuốc dự kiến đã kê khai để phù hợp với Luật Giá.
Nhiều ĐBQH cho rằng, thuốc là mặt hàng đặc thù ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của người dân, trong nhiều quan hệ mua bán thuốc có sự bất cân xứng về thông tin, hiểu biết về thuốc và giá thuốc giữa người tiêu dùng và người bán. Do đó, cần bảo đảm vai trò quản lý và tham gia điều tiết của Nhà nước; giá thuốc cần được kiểm soát để hạn chế việc tăng giá thuốc qua mỗi khâu trung gian, từ cơ sở sản xuất đến cơ sở kinh doanh dược và đến tay người tiêu dùng.
Một số hình ảnh tại Phiên thảo luận:
Các ĐBQH tại Tổ 12 tham gia Phiên thảo luận về dự án Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) và dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh cùng Đoàn ĐBQH tỉnh Ninh Bình tham dự Phiên thảo luận tại Tổ 12
Đại biểu Trần Thị Hồng Thanh - Đoàn ĐBQH tỉnh Ninh Bình đóng góp ý kiến
Đại biểu Phan Xuân Dũng - Đoàn ĐBQH tỉnh Ninh Thuận nêu quan điểm
Đại biểu Vũ Đại Thắng - Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Bình phát biểu kết luận Phiên họp Tổ./.
Danh sách bình luận