Thảo luận Tổ 12: Cần ưu tiên bố trí ngân sách hàng năm cho công tác phòng, chống mua bán người
Thảo luận về dự án Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi), đa số các ĐBQH Tổ 12 đồng thuận với việc cần bố trí ngân sách hàng năm cho công tác phòng chống mua bán người, ưu tiên vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng có điều kiện kinh tế-xã hội khó khăn. Đặc biệt, Ban soạn thảo dự án Luật cần nghiên cứu, chú ý bổ sung chính sách ưu tiên hỗ trợ đến đối tượng, nạn nhân bị mua bán là phụ nữ và trẻ em.
GÓP Ý DỰ THẢO LUẬT PHÒNG, CHỐNG MUA BÁN NGƯỜI (SỬA ĐỔI)
Các ĐBQH tại Tổ 12 tham gia Phiên thảo luận sáng 8/6
Tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 7, sáng 8/6, Quốc hội thảo luận ở Tổ về dự án Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi). Thảo luận tại Tổ 12 gồm các Đoàn ĐBQH tỉnh Hưng Yên, Ninh Bình, Quảng Bình, Ninh Thuận.
Dự thảo Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi) trình Quốc hội gồm 08 chương, 66 điều. So với Luật Phòng, chống mua bán người năm 2011, dự thảo Luật giữ nguyên số chương, sửa đổi, bổ sung nội dung 52/58 điều, xây dựng mới 09 điều, bỏ 01 điều.
Đa số các ĐBQH tại Tổ 12 đều thống nhất với việc sửa đổi, bổ sung Luật Phòng, chống mua bán người là yêu cầu cấp thiết, khách quan nhằm hoàn thiện pháp luật phòng, chống mua bán người, tạo nhận thức thống nhất và đầy đủ về công tác phòng, chống mua bán người trong thời gian tới; nâng cao trách nhiệm của cá nhân, gia đình, cơ quan, tổ chức và của toàn xã hội trong công tác phòng, chống mua bán người góp phần ổn định tình hình an ninh, trật tự, an toàn xã hội; nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về phòng, chống mua bán người…
Đại biểu Đào Hồng Vận - Đoàn ĐBQH tỉnh Hưng Yên
Đóng góp ý kiến vào dự án Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi), đại biểu Đào Hồng Vận - Đoàn ĐBQH tỉnh Hưng Yên cho rằng, thực tế cho thấy, tình trạng mua bán người xuyên biên giới diễn ra khá phức tạp nên cần phải sửa đổi toàn diện dự án Luật Phòng, chống mua bán người năm 2011. Vì vậy, cần làm rõ khái niệm mua, bán người khi sửa đổi Luật này để xác định rõ nạn nhân. Ngoài ra, Ban soạn thảo dự án Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi) cần chú trọng đến việc hàng năm, các cơ quan, địa phương phải bố trí ngân sách cho việc phòng chống mua bán người ở những vùng khó khăn.
Đồng thuận với quan điểm trên, đại biểu Trần Thị Hồng Thanh - Đoàn ĐBQH tỉnh Ninh Bình cho rằng, xuất phát từ đặc điểm tình hình mua bán người ở Việt Nam thì địa bàn, đối tượng thực hiện mua bán người chủ yếu diễn ra ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, vùng khó khăn về kinh tế-xã hội. Cho nên về địa bàn trong dự án Luật quy định tại khoản 4, Điều 5 dự án Luật đã thiết kế: “Hàng năm, nên bố trí ngân sách cho công tác phòng chống mua bán người, ưu tiên vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng có điều kiện kinh tế-xã hội đặc biệt khó khăn” là đúng đắn.
Đại biểu Trần Thị Hồng Thanh - Đoàn ĐBQH tỉnh Ninh Bình
Ngoài ra, theo đại biểu Trần Thị Hồng Thanh, hiện nay, đối tượng, nạn nhân bị mua bán khá đa dạng, song tập trung khá nhiều vào đối tượng yếu thế như phụ nữ và trẻ em. Tuy nhiên, trong dự án Luật chưa quyết định ưu tiên chính sách hỗ trợ cho đối tượng yếu thế này. Vì vậy, Ban soạn thảo dự án Luật cũng cần nghiên cứu, chú ý bổ sung chính sách ưu tiên hỗ trợ đến đối tượng, nạn nhân bị mua bán là phụ nữ và trẻ em.
Cho ý kiến đối với chính sách của Nhà nước về phòng, chống mua bán người, đại biểu Đàng Thị Mỹ Hương – Đoàn ĐBQH tỉnh Ninh Thuận cho biết, khoản 1 (Điều 5) quy định: Phòng, chống mua bán người là nội dung của chiến lược quốc gia phòng, chống tội phạm và được kết hợp với việc thực hiện các chương trình khác về phát triển kinh tế - xã hội. Nêu quan điểm về nội dung này, đại biểu đề nghị rà soát, viết rõ hơn, nêu rõ quy định chính sách của Nhà nước về việc này.
Còn tại khoản 4 Điều 5, quy định: Hằng năm, Nhà nước bố trí ngân sách cho công tác phòng, chống mua bán người, ưu tiên vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn. Về nội dung này, đại biểu Đàng Thị Mỹ Hương cho rằng, cần nghiên cứu bổ sung đối với các vùng trọng yếu, vùng biên giới.
Đại biểu Đàng Thị Mỹ Hương - Đoàn ĐBQH tỉnh Ninh Thuận
Trong khuôn khổ phiên thảo luận, các ĐBQH thuộc Tổ 12 còn cho ý kiến vào các nội dung của dự án Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi): Trách nhiệm của các cơ sở giáo dục trong việc tham gia phòng ngừa mua bán người; Tăng cường quy định cơ chế, chính sách đảm bảo thực hiện có hiệu quả về công tác tuyên truyền, nhất là ở các môi trường, nhà trường, gia đình, xã hội; Cơ sở trợ giúp xã hội, cơ sở hỗ trợ nạn nhân, người đang trong quá trình xác định là nạn nhân của việc mua bán người…
Một số hình ảnh của Phiên thảo luận tại Tổ 12:
Đoàn ĐBQH tỉnh Ninh Bình
Đoàn ĐBQH tỉnh Hưng Yên
Chủ tịch nước Tô Lâm tham dự Phiên thảo luận tại Tổ 12
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh tham dự Phiên thảo luận
Đại biểu Trần Thị Hồng Thanh - Đoàn ĐBQH tỉnh Ninh Bình đề nghị Ban soạn thảo dự án Luật cũng cần nghiên cứu, chú ý bổ sung chính sách ưu tiên hỗ trợ đến đối tượng, nạn nhân bị mua bán là phụ nữ và trẻ em
Đại biểu Nguyễn Thị Thu Hà - Đoàn ĐBQH tỉnh Ninh Bình
Đại biểu Nguyễn Mạnh Cường - Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Bình
Đại biểu Nguyễn Đình Khang - Đoàn ĐBQH tỉnh Ninh Thuận
Đại biểu Đàng Thị Mỹ Hương - Đoàn ĐBQH tỉnh Ninh Thuận cho ý kiến đối với chính sách của Nhà nước về phòng, chống mua bán người
Đại biểu Đoàn Thị Thanh Mai - Đoàn ĐBQH tỉnh Hưng Yên đóng góp ý kiến./.
Danh sách bình luận