Tiếp tục hoàn thiện quy định về thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ tái định cư
Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đã được hoàn thiện một bước các quy định về thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, song, nhiều chuyên gia tham dự Hội thảo do Viện Nghiên cứu lập pháp tổ chức sáng nay, 28.4, đề nghị, cần tiếp tục chỉnh lý, hoàn thiện một số điều khoản về nội dung này.
Hội thảo “Góp ý hoàn thiện dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi)” do Viện Nghiên cứu lập pháp thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội phối hợp với Ủy ban Kinh tế tổ chức tại Hà Nội. Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp, TS. Nguyễn Văn Hiển chủ trì hội thảo.
Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp, TS. Nguyễn Văn Hiển phát biểu
Tham dự có các chuyên gia, nhà khoa học đến từ: Trường Đại học Luật Hà Nội, Hiệp hội Bất động sản TP. Hồ Chí Minh; Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và Môi trường; Hội khoa học Kinh tế Nông nghiệp và Phát triển...
Phát biểu khai mạc hội thảo, Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp Nguyễn Văn Hiển cho biết, hội thảo nằm trong chuỗi hoạt động Viện đã tích cực triển khai thời gian qua nhằm ghi nhận, tổng hợp ý kiến góp ý của các chuyên gia, nhà khoa học đối với các vấn đề trọng tâm của dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). Kết quả góp ý tại các hội thảo được nghiên cứu, tổng hợp, là nguồn thông tin quý báu hỗ trợ quá trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan cho ý kiến về dự án Luật.
Thạc sỹ Nguyễn Văn Đỉnh cho ý kiến về giao đất, cho thuê đất, chuyển đổi mục đích sử dụng đất
Nhấn mạnh đây là dự án Luật có vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng trong hệ thống pháp luật, tạo động lực phát triển mới, Viện trưởng Nguyễn Văn Hiển nêu rõ, tới đây tại Kỳ họp thứ Năm (dự kiến khai mạc ngày 22.5) sẽ được Quốc hội xem xét, cho ý kiến lần hai và dự kiến thông qua tại Kỳ họp thứ Sáu. Để hội thảo đạt được hiệu quả cao, hoàn thành mục tiêu đề ra, các chuyên gia, nhà khoa học phát biểu trực diện, khách quan, đa chiều về các nội dung trọng tâm, được dư luận quan tâm liên quan đến: Vấn đề tài chính về giá đất; bồi thường, hỗ trợ, tái định cư...
Thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư là nội dung quan trọng trong quản lý nhà nước về đất đai. Chế định này có tác động và ảnh hưởng tới sự phân bổ, điều chỉnh đất đai của Nhà nước, cũng như tới quyền, lợi ích hợp pháp của người có đất bị thu hồi. Các chuyên gia tham dự Hội thảo ghi nhận, tại dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đã dành nhiều sự quan tâm tới sửa đổi, bổ sung và quy định mới về vấn đề này, đặc biệt tại dự thảo Luật sau khi lấy ý kiến Nhân dân đã có bước tiếp thu, chỉnh lý mới.
Chủ tịch Hiệp hội bất động sản TP. Hồ Chí Minh Lê Hoàng Châu phát biểu
Tuy nhiên, dù tại dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) hiện đã không liệt kê thu hồi đẩt cho dự án nhà ở thương mại, khu đô thị tại Điều 75, nhưng với quy định tại điểm e, khoản 3, Điều 108 vẫn cho phép Nhà nước thu hồi đất với các dự án nêu trên. Do vậy, một số ý kiến lưu ý, quy định như tại Điều 108 của dự thảo Luật không phù hợp với tinh thần của Nghị quyết số 18-NQ/TW của Hội nghị Trung ương 5 khóa XIII về tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao (tiếp tục thực hiện cơ chế tự thỏa thuận giữa người dân và doanh nghiệp trong chuyển nhượng quyền sử dụng đất để thực hiện dự án đô thị, nhà ở thương mại).
Tán thành với 9 trường hợp được quy định tại Điều 77 của dự thảo Luật về thu hồi đất do vi phạm pháp luật đất đai, song một số ý kiến lưu ý, cần rà soát một số trường hợp, nhất là trường hợp không nộp tiền sử dụng đất, tiền thuê đất quá thời hạn 90 ngày kể từ ngày có thông báo nộp loại tiền này. Bởi, trong điều kiện khó khăn hiện nay, thời gian để doanh nghiệp thu xếp lượng tiền lớn thực hiện nghĩa vụ này không dễ dàng, trong khi đó, dự kiến Luật Đất đai (sửa đổi) sau khi thông qua sẽ có hiệu lực thực hiện trong năm 2024.
Ngoài ra, để phục vụ tốt hơn xây dựng công trình, dự án, bảo vệ quyền lợi chính đáng của người bị thu hồi đất, một số ý kiến đề nghị, cơ quan chủ trì soạn thảo cần nghiên cứu rút ngắn thời gian thông báo thu hồi đất để người dân nhanh chóng ổn định cuộc sống, trong khi nhà đầu tư có điều kiện tiếp cận đất đai nhanh hơn.
Về cơ chế thỏa thuận, chuyển mục đích sử dụng đất thực hiện dự án, một số ý kiến cho rằng, việc tách bạch giữa cơ chế chuyển mục đích sử dụng đất và cơ chế thỏa thuận về quyền sử dụng đất để thực hiện dự án là không cần thiết. Bởi, hai cơ chế này đều có chung bản chất là việc nhà đầu tư chủ động tạo lập quỹ đất thông qua các giao dịch dân sự thay vì nhận quyền sử dụng đất thông qua việc Nhà nước giao đất, cho thuê đất. Cũng có ý kiến đề nghị, dự thảo Luật cần quy định rõ điều kiện chuyển mục đích sử dụng đất thực hiện dự án nhà ở thương mại; bãi bỏ quy định tại khoản 5 Điều 118 dự thảo Luật; cho phép mở rộng việc nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất với các loại đất khác (gồm cả đất nông nghiệp) để thực hiện dự án nhà ở thương mại theo đúng tinh thần Nghị quyết số 18-NQ/TW…
Ghi nhận ý kiến của các chuyên gia, Viện trưởng Nguyễn Văn Hiển đề nghị, các chuyên gia, đại diện hiệp hội hoàn thiện báo cáo, gửi lại Viện để có cơ sở hoàn thiện báo cáo tổng thuật góp ý cho dự thảo Luật, gửi cơ quan có thẩm quyền. Bên cạnh đó, ông Nguyễn Văn Hiển cũng gợi mở, các chuyên gia tiếp tục nghiên cứu kinh nghiệm quản lý đất đai trên thế giới, trong đó chú ý đến kinh nghiệm xử lý với một số vấn đề còn có ý kiến khác nhau tại dự thảo Luật.
Danh sách bình luận