Hội nghị lấy ý kiến xây dựng Luật Công đoàn (sửa đổi) và Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn
Sáng ngày 15/5, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh tổ chức Hội nghị lấy ý kiến xây dựng Luật Công đoàn (sửa đổi) và Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn dự kiến trình tại Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khoá XV. Ông Nguyễn Đại Thắng (Tỉnh ủy viên, Phó Trưởng Đoàn chuyên trách, Ủy viên Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội, đại biểu Quốc hội khóa XV) chủ trì Hội nghị.
Dự Hội nghị có đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành: Xây dựng, Tư pháp, Tòa án, Tài nguyên và Môi trường, Tài chính, Thanh tra, Lao động, Thương binh và Xã hội, Công thương, Giáo dục và Đào tạo, Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Liên đoàn lao động, Y tế, Đoàn Luật sư tỉnh và đại diện lãnh đạo Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố (thị xã Mỹ Hào, Yên Mỹ, Kim Động, thành phố Hưng Yên, Ân Thi, Khoái Châu, Phù Cừ và Văn Giang).
Hội nghị lấy ý kiến xây dựng Luật
Sau hơn 10 năm triển khai thực hiện Luật Công đoàn năm 2012 đã có một số hạn chế, bất cập như: đối tượng, phạm vi điều chỉnh chưa phù hợp với sự phát triển nhanh, đa dạng của lực lượng lao động; hệ thống tổ chức, việc phân công, phân cấp giữa cấp ủy địa phương với tổ chức Công đoàn về tổ chức biên chế và cán bộ còn bất cập, chưa phù hợp với thực tiễn cần được sửa đổi, bổ sung. Dự án Luật Công đoàn (sửa đổi) sẽ trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XV gồm 06 Chương, 36 Điều (sửa đổi, bổ sung 32 Điều, thêm mới 04 Điều, bỏ 01 Điều so với Luật Công đoàn 2012).
Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn được xây dựng để thể chế hóa định hướng của Đảng, Nhà nước nhằm hoàn thiện chính sách, pháp luật về quy hoạch; kết hợp hài hòa giữa phát triển đô thị với xây dựng nông thông mới; nâng cao chất lượng quy hoạch đáp ứng yêu cầu phát triển. Đây là cơ sở pháp lý, công cụ quản lý đồng bộ, toàn diện, thống nhất để điều chỉnh hoạt động quy hoạch đô thị và nông thôn, khắc phục các tồn tại, hạn chế, bất cập và khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn, đáp ứng được yêu cầu đối với giai đoạn phát triển mới của đất nước; tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước; đảm bảo hài hòa lợi ích của Nhà nước, Nhân dân và xã hội. Luật Quy hoạch và đô thị nông thôn được xây dựng trên cơ sở kế thừa và hoàn thiện các quy định về quy hoạch đô thị tại Luật Quy hoạch năm 2017, Luật Quy hoạch đô thị năm 2009 và quy định về quy hoạch xây dựng nông thôn tại Luật Xây dựng để đảm bảo thống nhất, đồng bộ, làm cơ sở quy hoạch phát triển gắn kết đô thị và nông thôn theo định hướng của Đảng và Nhà nước. Dự thảo Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn được thiết kế với 05 Chương, bao gồm 61 Điều.
Đại biểu dự Hội nghị tham gia phát biểu góp ý vào một số quy định của dự thảo Luật Công đoàn (sửa đổi), cụ thể về quyền thành lập, gia nhập và hoạt động công đoàn; về giám sát công đoàn; về tổ chức biên chế; về tài chính công đoàn và quản lý, sử dụng tài chính công đoàn …
Đối với dự thảo Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn, các đại biểu thảo luận phát biểu ý kiến về các vấn đề liên quan đến quy hoạch đô thị và nông thôn; sử dụng kinh phí cho hoạt động quy hoạch đô thị và nông thôn; nguồn tài trợ hỗ trợ hoạt động quy hoạch đô thị và nông thôn; xem xét quy định về việc lấy ý kiến để thực hiện quy hoạch; nội dung quy định về niên hạn, đối tượng điều chỉnh; về việc lưu trữ, sử dụng hồ sơ quy hoạch; bổ sung, sửa đổi nội dung tại một số chương, điều, cụm từ của các Luật có liên quan đến hoạt động quy hoạch đô thị và nông thôn…
Đại biểu phát biểu ý kiến tại Hội nghị
Kết luận Hội nghị, ông Nguyễn Đại Thắng (Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh) đã tiếp thu, ghi nhận và đánh giá cao các ý kiến, có trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị và cá nhân đã tham gia đóng góp ý kiến. Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh sẽ tiếp tục nghiên cứu, tổng hợp đầy đủ nội dung để thảo luận tại Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XV./.
Thanh Thư, Phòng CTQH
Danh sách bình luận