Nâng cao tính bền vững của nguồn thu ngân sách
6 tháng đầu năm, tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh Hưng Yên đạt 6,81%; chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 11,13% - mức tăng cao nhất kể từ năm 2011 đến nay; tổng thu NSNN ước đạt trên 22.029 tỷ đồng, tăng 43,6% so với cùng kỳ năm trước. Với kết quả đạt được, toàn tỉnh tin tưởng sẽ đạt được mục tiêu tăng trưởng cả năm và tạo tiền đề vững chắc cho những năm tiếp theo.
Các trụ cột kinh tế đều khởi sắc
Vượt qua những khó khăn thách thức, 6 tháng đầu năm, tỉnh Hưng Yên đạt được những kết quả phát triển tích cực trên các lĩnh vực. Những kết quả nổi bật này được thể hiện rất rõ qua báo cáo do Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Lê Huy trình bày tại kỳ họp. Theo đó, tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) 6 tháng đầu năm tăng 6,81% (xếp thứ 8/11 tỉnh, thành phố thuộc khu vực đồng bằng sông Hồng). Các trụ cột kinh tế đều khởi sắc.
Sản xuất công nghiệp từng bước phục hồi. Chỉ số sản xuất công nghiệp 6 tháng đầu năm của tỉnh tăng 11,13% so với cùng kỳ năm trước. Đây là mức tăng cao nhất kể từ năm 2011 đến nay. Trong đó, công nghiệp chế biến, chế tạo được đánh giá là nền tảng và là động lực dẫn dắt tăng trưởng của toàn ngành công nghiệp của tỉnh. Các sản phẩm của ngành này đã đáp ứng nhu cầu của thị trường nội địa và xuất khẩu sang thị trường nhiều nước có yêu cầu chất lượng sản phẩm nghiêm ngặt, điển hình như: sợi bông cotton, vải dệt từ sợi tổng hợp, màn hình ti vi...
Cùng với đó, công tác quản lý quy hoạch, xây dựng, phát triển đô thị được quan tâm. Quy hoạch tỉnh Hưng Yên thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Hoàn thành phê duyệt 16 đồ án quy hoạch, 9 nhiệm vụ quy hoạch. Trong đó có một số quy hoạch trọng tâm như: điều chỉnh Quy hoạch chung thị xã Mỹ Hào đến năm 2040, định hướng đến năm 2050; Điều chỉnh Quy hoạch chung thành phố Hưng Yên đến năm 2035; 4 nhiệm vụ và 2 đồ án quy hoạch (điều chỉnh quy hoạch) khu, cụm công nghiệp; Thẩm định và phê duyệt điều chỉnh quy hoạch nông thôn cho 20 xã trong toàn tỉnh.
Toàn cảnh phiên khai mạc kỳ họp. Ảnh: An Nhiên
Đặc biệt, điểm nhấn trong bức tranh kinh tế - xã hội của tỉnh là kết quả thu ngân sách nhà nước trên địa bàn tỉnh trong 6 tháng đầu năm ước đạt trên 22.029 tỷ đồng (tăng 43,6% so với cùng kỳ năm trước và đạt 67,12% dự toán HĐND tỉnh giao cả năm). Trong đó, thu nội địa đạt 19.898 tỷ đồng, đạt 68,3% dự toán HĐND giao.
Công tác quản lý nhà nước về tài nguyên và môi trường tiếp tục được tăng cường. Hạ tầng giao thông vận tải được quan tâm đầu tư, các công trình giao thông trọng điểm được tập trung đẩy nhanh tiến độ thực hiện. Lĩnh vực giáo dục y tế, văn hóa đạt nhiều kết quả tích cực. Công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo, phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí được chú trọng. Tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững, đời sống Nhân dân được nâng lên…
Đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công
Đánh giá tổng thể bức tranh kinh tế - xã hội của tỉnh những tháng đầu năm 2024, Báo cáo thẩm tra của các Ban HĐND tỉnh đều khẳng định, những kết quả nổi bật trong 6 tháng đầu năm sẽ là động lực quan trọng để tỉnh hoàn thành nhiệm vụ trong năm 2024 và tạo sức bật cho cả nhiệm kỳ.
Tuy nhiên, các Ban HĐND tỉnh cũng thẳng thắn chỉ rõ những tồn tại, hạn chế cần sớm nhận diện, tháo gỡ kịp thời, như: tiến độ triển khai của một số dự án công nghiệp còn chậm; thương mại, dịch vụ gặp nhiều khó khăn, tốc độ tăng trưởng đạt thấp so với cùng kỳ; tiến độ thực hiện và giải ngân vốn kế hoạch đầu tư công đạt thấp so với kế hoạch giao; công tác chuẩn bị đầu tư, thi công một số dự án lớn còn chậm... Bên cạnh đó, tiến độ thi công một số dự án xây dựng công trình giao thông những tháng đầu năm chưa đạt. Chất lượng đào tạo, công tác giải quyết việc làm sau đào tạo tại một số cơ sở giáo dục nghề nghiệp còn chưa cao, chưa đáp ứng yêu cầu thị trường lao động...
Phát huy những kết quả đạt được, khắc phục những hạn chế tồn tại, UBND tỉnh đã đề ra 13 nhóm nhiệm vụ giải pháp trọng tâm. Trong đó, tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư. Tập trung xúc tiến thu hút các dự án FDI, kịp thời nắm bắt xử lý khó khăn vướng mắc của doanh nghiệp, nhất là thủ tục hành chính để đẩy nhanh tiến độ các dự án. Phấn đấu có thêm 5 khu công nghiệp hoàn thành lập hồ sơ chủ trương đầu tư. Chủ động đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng và đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật khu công nghiệp. Đẩy mạnh hoạt động xúc tiến đầu tư tại chỗ và nâng cao chất lượng thẩm định dự án đầu tư. Tăng cường công tác hậu kiểm, kiên quyết thu hồi các dự án “treo”, các dự án chậm triển khai. Tiếp tục thực hiện Đề án thương mại điện tử quốc gia và địa phương, phát huy hiệu quả Sàn giao dịch thương mại điện tử tỉnh Hưng Yên. Tập trung xây dựng và triển khai Đề án "Phát triển chăn nuôi tuân thủ Luật Chăn nuôi; phát triển theo hướng chăn nuôi tập trung, kinh tế tuần hoàn, hướng hữu cơ và quy hoạch giết mổ gia súc gia cầm tập trung giai đoạn 2023 - 2030, định hướng đến năm 2040".
Cùng với đó, tổ chức phổ biến nội dung Quy hoạch tỉnh và kế hoạch thực hiện; xây dựng các nhiệm vụ giải pháp đã được xác định trong Kế hoạch thực hiện Quy hoạch tỉnh, chủ động cụ thể hóa Quy hoạch tỉnh thông qua xây dựng cơ chế, chính sách quản lý, chương trình, đề án phát triển kinh tế - xã hội, huy động nguồn lực phát triển; rà soát quy hoạch tỉnh đảm bảo thống nhất với Quy hoạch quốc gia, quy hoạch vùng đã được cấp thẩm quyền phê duyệt. Rà soát điều chỉnh Chương trình phát triển đô thị tỉnh Hưng Yên sau khi Quy hoạch tỉnh Hưng Yên giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Xem xét phê duyệt Chương trình phát triển đô thị của các địa phương làm cơ sở quyết định đề án nâng loại đô thị, nâng cấp đơn vị hành chính cấp xã, đặc biệt với các xã thuộc diện sắp xếp giai đoạn 2023 - 2030… Đồng thời, tập trung khai thác tốt các nguồn thu, bảo đảm thu đúng, đủ, kịp thời ngân sách nhà nước năm 2024. Phấn đấu tăng tỷ trọng thu nội địa, các khoản thuế trực thu trong tổng thu ngân sách để nâng cao tính bền vững của nguồn thu ngân sách…
Cùng với các giải pháp trên, sẽ tiếp tục chỉ đạo quán triệt và thực hiện nghiêm các nhiệm vụ, giải pháp thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công. Khẩn trương phê duyệt Kế hoạch sử dụng đất tỉnh thời kỳ 2021 - 2025 và điều chỉnh, bổ sung kế hoạch sử dụng đất hàng năm cấp huyện. Tăng cường các hoạt động y tế dự phòng, chủ động giám sát dịch tễ, phát huy hiệu quả công tác phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm, thích ứng linh hoạt trong tình hình mới. Tiếp tục rà soát, sắp xếp mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp theo hướng linh hoạt, hiện đại; tăng cường tự chủ cho cơ sở giáo dục nghề nghiệp tư thục; gắn kết giáo dục nghề nghiệp với doanh nghiệp và thị trường lao động. Đẩy mạnh cải cách hành chính, tập trung triển khai các nhiệm vụ thực hiện chuyển đổi số tạo sự chuyển biến thực chất…
Danh sách bình luận