Trả lời thấu đáo các vấn đề cử tri quan tâm
Theo dõi ngày thứ nhất phiên chất vấn và trả lời chất vấn về các nhóm vấn đề liên quan đến lĩnh vực tài nguyên, môi trường và công thương tại Kỳ họp thứ Bảy, Quốc hội Khóa XV, đại biểu dân cử địa phương, cử tri đánh giá cao tinh thần trách nhiệm của các ĐBQH, chất vấn đúng trọng tâm vấn đề đang tồn tại, cấp bách của thực tiễn cuộc sống được đông đảo cử tri, Nhân dân quan tâm.
Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Hưng Yên Trần Thị Tuyết Hương:
Mang đậm hơi thở cuộc sống
Có thể thấy, các nhóm vấn đề chất vấn được lựa chọn lần này đều rất sát sườn với đời sống dân sinh và ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển bền vững kinh tế - xã hội của đất nước. Với tinh thần thẳng thắn của đại biểu, bức tranh đa chiều, nhiều lát cắt của các ngành, cơ quan quản lý đã được khắc họa rõ nét. Các "tư lệnh" ngành cũng đã trả lời thấu đáo, làm sáng tỏ những vấn đề đông đảo cử tri, Nhân dân đang hết sức quan tâm.
Tôi đánh giá cao phần trả lời chất vấn của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh. Mặc dù lần đầu tiên “đăng đàn”, Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh đã tự tin, trả lời rành rẽ, cho thấy Bộ trưởng đã nắm tương đối bao quát vấn đề của ngành, bám sát các câu hỏi của đại biểu và đưa ra được nhiều giải pháp cụ thể như với vấn đề về an ninh nguồn nước, khai thác khoáng sản. Cùng với giải pháp cụ thể được nêu ra là việc giám sát thực hiện những “lời hứa” của các trưởng ngành, trong đó có Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường…
Bên cạnh lĩnh vực tài nguyên môi trường, những câu chuyện liên quan đến tình trạng hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng trên môi trường thương mại điện tử cũng đã được các đại biểu chất vấn. "Tư lệnh" ngành công thương cơ bản đã có câu trả lời thỏa đáng. Đây là những nội dung sát sườn đang hiện hữu ở các địa phương, trong đó có Hưng Yên luôn được cử tri, Nhân dân đặc biệt quan tâm và bày tỏ tâm tư, nguyện vọng nhiều nhất…
Tôi cũng đánh giá cao phần điều hành phiên chất vấn và trả lời chất vấn của chủ tọa. Lần đầu tiên trong vai trò “nhạc trưởng”, người đứng đầu Quốc hội điều hành rất linh hoạt, nhất là liên kết giữa câu hỏi của các đại biểu về lĩnh vực của ngành này với ngành khác để điều chuyển những nội dung yêu cầu Bộ trưởng khác trả lời bổ sung làm rõ hơn những vấn đề đại biểu đặt ra…
Phó Trưởng Ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh Bắc Ninh Nguyễn Huy Chiến:
Nắm chắc vấn đề của ngành quản lý
Có thể nói, các nhóm vấn đề chất vấn được lựa chọn lần này đều là những vấn đề "nóng", nhận được nhiều quan tâm của cử tri và Nhân dân trong thời gian vừa qua, nếu được giải quyết tốt sẽ không chỉ đem lại sự yên tâm cho cử tri mà còn tạo điều kiện mới cho sự phát triển đất nước trong giai đoạn sắp tới.
Dự thính phiên chất vấn và trả lời chất vấn của Quốc hội lần này, tôi đặc biệt quan tâm và ấn tượng với phần chất vấn và trả lời chất vấn nhóm vấn đề lĩnh vực tài nguyên và môi trường, rất sôi động với nhiều vấn đề "nóng" được đông đảo cử tri đặc biệt quan tâm như: vấn đề quản lý, khai thác, bảo vệ tài nguyên biển quốc gia; tình hình thực hiện chính sách, pháp luật về an ninh nguồn nước; giải pháp phòng, chống tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn, ô nhiễm nguồn nước. Đặc biệt, tại các tỉnh, thành đồng bằng sông Cửu Long do biến đổi khí hậu ảnh hưởng lớn đến nguồn nước và tình trạng xâm nhập mặn diễn ra ngày càng nghiêm trọng…
Đại biểu đặt câu hỏi ngắn gọn, có trọng tâm trọng điểm, thể hiện sự hiểu biết sâu rộng của vấn đề, đồng thời, có sự chuẩn bị nghiên cứu trước khi đưa ra chất vấn. Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường đã rất tự tin, đi thẳng vào vấn đề đại biểu và cử tri quan tâm, đề ra các giải pháp rất căn cơ, có căn cứ để giải quyết như: vấn đề hạn mặn ở đồng bằng sông Cửu Long; vấn đề rác thải nhựa; các hồ đập chứa nước; khai thác cát trái phép và khai thác quá hạn mức cho phép trên một số con sông… Điều đó chứng tỏ Bộ trưởng rất nắm chắc vấn đề của ngành mình quản lý. Tất nhiên, phần trả lời của Bộ trưởng đôi khi chưa bao quát được vấn đề ngay, thông qua các ý kiến tranh luận của các đại biểu đưa ra, Bộ trưởng đã có giải trình rất đầy đủ, cặn kẽ đến những nội dung đại biểu đặt ra.
Chủ tịch Hội Phụ nữ Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Quảng Trị Trần Thị Thu Hà:
Nêu bật giải pháp căn cơ, lộ trình thực hiện
Vấn đề được Quốc hội lựa chọn để chất vấn, trong đó có lĩnh vực tài nguyên và môi trường rất trúng và đúng, phù hợp với yêu cầu cấp thiết của thực tiễn đang đặt ra. Theo dõi phiên chất vấn và trả lời chất vấn có thể thấy, các câu hỏi của ĐBQH với Bộ trưởng ngắn gọn, rõ ý, bám sát những vấn đề đông đảo cử tri và Nhân dân quan tâm. Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường đã nắm chắc vấn đề và trả lời thẳng vào các nội dung được ĐBQH quan tâm, nhất là những vấn đề liên quan đến tình trạng ô nhiễm nguồn nước, hạn hán, xâm nhập mặn, thiếu nước sinh hoạt; việc quản lý, khai thác, bảo vệ tài nguyên biển; đấu giá quyền khai thác khoáng sản…
Phần trả lời của "tư lệnh" ngành tài nguyên và môi trường rất thẳng thắn, trách nhiệm, đặc biệt nêu khá đầy đủ bất cập, hạn chế và các giải pháp thực hiện như: rà soát lại các hồ đập để bảo đảm việc giữ nước, tích trữ nước, bảo đảm sản xuất bền vững, bảo đảm điều hòa và an ninh nguồn nước; tăng cường hệ thống quan trắc và phân tích môi trường trên lưu vực sông Nhuệ, sông Đáy; nghiên cứu quy hoạch, xây dựng đô thị đồng bộ và bài bản, nâng cấp hệ thống thoát nước ở các đô thị, đặc biệt là TP. Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh… Cùng với Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường chịu trách nhiệm trả lời chính, các thành viên Chính phủ (Bộ trưởng Bộ Xây dựng, Bộ trưởng Bộ NN và PTNT) và Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đã tham gia giải trình, nêu bật các giải pháp căn cơ và lộ trình thực hiện nhằm tạo chuyển biến thực chất trong thời gian tới…
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh những nội dung quan trọng đặt ra sau chất vấn và đề nghị Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, các Bộ trưởng, trưởng ngành liên quan thực hiện hiệu quả các giải pháp đã đề ra. Cụ thể, tập trung triển khai hiệu quả Luật Tài nguyên nước năm 2023, bảo đảm an ninh nguồn nước, an toàn hồ đập và ngăn chặn suy giảm tài nguyên nước; chủ động phòng, chống và có giải pháp ứng phó với tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn, thiếu nước phục vụ sinh hoạt và sản xuất… Chủ tọa kỳ họp đã điều hành linh hoạt, khoa học, phát huy tinh thần dân chủ trong từng nội dung chất vấn… Từ đó, tạo nên một diễn đàn thực sự dân chủ, công khai và tăng tính đối thoại, xây dựng.
Cử tri Trần Hoàng Đồng (thành phố Vinh, Nghệ An):
Tiếp tục xây dựng những giải pháp căn cơ bảo vệ môi trường biển
Theo dõi phiên chất vấn và trả lời chất vấn qua truyền hình trực tiếp, tôi đặc biệt quan tâm và ấn tượng đối với phần trả lời của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh về nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực tài nguyên môi trường. Dưới sự điều hành linh hoạt của Chủ tịch Quốc hội, phiên chất vấn đã diễn ra với tinh thần cởi mở, thẳng thắn, thể hiện rõ vai rõ trách nhiệm của người hỏi và người trả lời.
Những câu hỏi các ĐBQH đặt ra đều là những vấn đề bức thiết, liên quan trực tiếp đến cuộc sống của người dân cả nước. Trong đó có vấn đề bảo vệ nguồn nước, bảo vệ tài nguyên môi trường biển, tài nguyên nước; giải pháp khắc phục tình trạng xâm nhập mặn... Với tinh thần trách nhiệm, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường và các thành viên của Chính phủ đã rất cầu thị, trách nhiệm, nắm chắc thực trạng ngành, lĩnh vực mình phụ trách để làm rõ các vấn đề mà ĐBQH, cử tri, dư luận quan tâm. Đặc biệt là các vấn đề về an ninh nguồn nước, khai thác khoáng sản. Đối với vấn đề quản lý tài nguyên biển được nhiều đại biểu nêu, chúng ta cần nhìn nhận, nguồn tài nguyên này đang bị suy kiệt theo thời gian, do cả nguyên nhân khách quan và chủ quan, đặc biệt là do biến đổi khí hậu. Biển đang tiếp tục bị “đầu độc” bởi các nguồn ô nhiễm khác nhau, trong đó, có rác thải nhựa và đất đèn. Tôi mong muốn, Chính phủ và các bộ, ngành liên quan sẽ tiếp tục xây dựng những giải pháp căn cơ để bảo vệ môi trường biển.
Về vấn đề an ninh nguồn nước được các ĐBQH quan tâm chất vấn, tôi cho rằng, Bộ trưởng cần quan tâm đến 3 nội hàm căn bản: Bảo đảm số lượng nước cho tất cả các đối tượng, thành phần kinh tế; giảm thiểu rủi ro về nước và ô nhiễm nguồn nước; bảo đảm sử dụng công bằng, hiệu quả lượng nước. Để bảo đảm thực hiện hiệu quả 3 nội hàm trên, cần xem xét đến thể chế, thiết chế, phương pháp để vận hành toàn bộ hệ thống. Đây là vấn đề không chỉ làm xong trong một sớm một chiều, mà cần thời gian để đưa ra được chương trình mang tính bao trùm. Mong rằng, các giải pháp cụ thể được Bộ trưởng và các thành viên của Chính phủ nêu ra tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn sẽ sớm mang lại hiệu quả và khắc phục được những hạn chế, khó khăn, vướng mắc trong thực tế để mang đến lợi ích chính đáng cho người dân.
Danh sách bình luận