Ban Kinh tế xã hội HĐND huyện Văn Lâm: Giám sát việc thực hiện Nghị quyết của HĐND huyện về việc chuyển nguồn vốn ngân sách huyện cho Quỹ hỗ trợ nông dân huyện và phòng giao dịch Ngân hàng CSXH huyện để cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác
Thực hiện Quyết định số 75/QĐ-KTXH ngày 29/02/2024 về việc thành lập Đoàn giám sát; ngày 27/03/2024, Đoàn giám sát của Ban Kinh tế Xã hội HĐND huyện Văn Lâm do ông Tôn Ngọc Chuẩn, Ủy viên Ban Thường vụ Huyện ủy, Trưởng Ban Kinh tế Xã hội HĐND huyện làm Trưởng đoàn đã tiến hành giám sát việc thực hiện Nghị quyết của HĐND huyện về việc chuyển nguồn vốn ngân sách huyện cho Quỹ hỗ trợ nông dân huyện và phòng giao dịch Ngân hàng chính sách xã hội huyện để cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác tại Ngân hàng chính sách xã hội huyện và Hội nông dân huyện. Dự và tham gia Đoàn giám sát có Thường trực HĐND huyện, lãnh đạo UBND huyện, đại diện Ban Thường trực UBMMTQ Việt Nam huyện, lãnh đạo Ban Pháp chế HĐND huyện và các thành viên Ban Kinh tế - Xã hội của HĐND huyện.
Theo Báo cáo của Ban điều hành Quỹ Hỗ trợ Nông dân huyện Văn Lâm, thời gian qua, hoạt động trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp và có thời điểm Cơ quan Hội Nông dân huyện chưa kiện toàn đủ theo biên chế được giao, song Ban điều hành Quỹ Hỗ trợ Nông dân huyện Văn Lâm đã tích cực, chủ động quản lý tốt nguồn quỹ ngân sách huyện chuyển; quy trình cho vay, hồ sơ cho vay, sổ sách theo dõi, quản lý, việc sử dụng lãi vay, công tác kiểm tra đảm bảo theo quy định; không có nợ quá hạn, không để xảy ra thất thoát vốn, Quỹ được bảo tồn và tăng trưởng hằng năm. Hiện nay Ban đang quản lý Quỹ hỗ trợ nông dân huyện với số dư nợ là 8.395.400.000 đồng/tổng số vốn là 8.428.367.000 đồng, còn 32.967.000 đồng từ nguồn vận động của các xã (các dự án chưa đến hạn quay vòng) chưa giải ngân. Từ nguồn quỹ đã hỗ trợ cho 153 hộ nông dân vay, trong đó đã hoàn thành việc giải ngân 2.100.000.000 đồng từ nguồn ngân sách huyện cho 34 hộ nông dân ở 5 xã Minh Hải, Lương Tài, Đình Dù, Việt Hưng, Đại Đồng vay để thực hiện 05 dự án cải tạo vườn bưởi và nuôi cá thương phẩm. Lãi thu từ việc cho vay hằng năm được trích sử dụng vào các nội dung như trích quỹ dự phòng rủi ro; chi phụ cấp cho Ban điều hành quỹ; chi công tác kiểm tra; chi tập huấn nghiệp vụ vốn vay và chuyển giao khoa học kỹ thuật và Văn phòng phẩm. Từ nguồn vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân, các hộ nông dân có điều kiện đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh, nhân rộng mô hình kinh tế, nâng cao thu nhập, góp phần hình thành tổ, nhóm liên kết trong sản xuất, kinh doanh. Nguồn vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân cũng là cầu nối hiệu quả gắn kết hội viên nông dân với tổ chức Hội, tạo điều kiện để các cấp Hội thực hiện tốt việc vận động nông dân chuyển đổi cơ cấu kinh tế, ứng dụng khoa học kỹ thuật, hình thành các vùng sản xuất chuyên canh cơ cấu tập trung. Qua đó tạo điều kiện thúc đẩy công tác Hội và phong trào nông dân, đặc biệt là phong trào nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững và tham gia phát triển các hình thức kinh tế tập thể, hợp tác xã, tham gia xây dựng nông thôn mới; góp phần xây dựng Hội Nông dân vững mạnh tích cực chuyển tải chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước về nông nghiệp, nông dân, nông thôn.
Đoàn giám sát làm việc với Ban điều hành Quỹ Hỗ trợ Nông dân huyện Văn Lâm
Đối với Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện, việc quản lý và sử dụng quỹ từ nguồn ngân sách huyện chuyển cho Phòng để cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác vay đảm bảo đúng mục đích, đối tượng, không có nợ quá hạn, không để xảy ra thất thoát vốn. Quỹ được bảo tồn, duy trì và tăng trưởng hằng năm, từ năm 2016 đến năm 2024 nguồn ngân sách huyện chuyển cho Phòng Giao dịch NHCSXH huyện là 9.900.000.000 đồng, số vốn được chuyển hằng năm ngày một tăng (năm 2016 chuyển 600.000.000 đồng/năm, năm 2024 chuyển 3.500.000.000 đồng/năm). Tính đến nay nguồn ủy thác địa phương cấp huyện là 10.370.000.000 đồng (9.900.000.000 đồng huyện chuyển + nhập lãi 490.000.000 đồng), đến nay đã giải ngân 100% số vốn cho 168 hộ vay. Lãi thu từ việc cho vay hằng năm được trích sử dụng vào các nội dung như trích lập dự phòng rủi ro; trích quỹ quản lý nguồn vốn uỷ thác; chi công tác kiểm tra, giám sát, khen thưởng; phần còn lại bổ sung vào nguồn vốn vay.
Đoàn giám sát làm việc với Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội
Trao đổi tại cuộc giám sát, các thành viên Đoàn giám sát ghi nhận việc chuyển nguồn vốn ngân sách huyện cho Quỹ hỗ trợ nông dân huyện và phòng giao dịch Ngân hàng chính sách xã hội huyện đã giúp cho các hộ nghèo và các đối tượng chính khác được tiếp cận nguồn tín dụng ưu đãi, có vốn tổ chức sản xuất kinh doanh, tạo việc làm, tăng thu nhập và từng bước ổn định cuộc sống vươn lên thoát nghèo và làm giàu, hạn chế tín dụng đen ở nông thôn. Các hộ nghèo vay vốn đã dần thay đổi cách nghĩ cách làm, áp dụng tiến bộ kỹ thuật như chuyển đổi giống cây trồng, vật nuôi, dồn điền đổi thửa, lập trang trại làm ăn theo hướng công nghiệp hóa nhằm phát huy hiệu quả, tạo thêm việc làm và có nguồn thu nhập ổn định, góp phần vào mục tiêu giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội tại địa phương. Đoàn giám sát cũng chỉ ra và đề nghị các đơn vị được giám sát kịp thời khắc phục những hạn chế, tồn tại trong công tác quản lý và sử dụng quỹ từ nguồn ngân sách huyện, tiếp tục giúp nông dân có nguồn vốn đầu tư phát triển các mô hình kinh tế hiệu quả, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội huyện Văn Lâm./.
Ngô Khuyên - Văn phòng HĐND và UBND huyện Văn Lâm
Danh sách bình luận