Ban Pháp chế HĐND tỉnh giám sát công tác phòng, chống tham nhũng tại Thanh tra tỉnh
Ngày 25/6, Đoàn giám sát của Ban Pháp chế HĐND tỉnh do ông Nguyễn Trung Thành, Ủy viên Thường trực HĐND tỉnh, Trưởng Ban Pháp chế HĐND tỉnh làm Trưởng đoàn đã có buổi làm việc tại Thanh tra tỉnh để giám sát việc thực hiện chính sách pháp luật về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực giai đoạn 2021-2023 và thẩm tra 02 nội dung trình Kỳ họp thường lệ HĐND tỉnh, gồm: Báo cáo kết quả phòng, chống tham nhũng, tiêu cực 6 tháng đầu năm; nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2024 và Báo cáo kết quả tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân 6 tháng đầu năm; nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2024. Tham dự buổi giám sát có bà Trần Thị Tuyết Hương, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh.
Ông Nguyễn Trung Thành, Ủy viên Thường trực HĐND tỉnh, Trưởng Ban Pháp chế HĐND tỉnh chủ trì buổi làm việc tại Thanh tra tỉnh
Tại buổi làm việc, Đoàn giám sát đã nghe Thanh tra tỉnh Báo cáo việc thực hiện các quy định về công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của cơ quan trong giai đoạn 2021-2023 và kết quả phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trên địa bàn tỉnh 06 tháng đầu năm 2024; Báo cáo công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân 06 tháng đầu năm; nhiệm vụ, giải pháp 06 tháng cuối năm 2024.
- Về công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân: trong 06 tháng đầu năm 2024 toàn tỉnh đã tổ chức 970 lượt tiếp công dân (tăng 5,5% so với cùng kỳ năm 2023); tiếp nhận 1.229 đơn (giảm 4,2% so với cùng kỳ năm 2023); trong đó, có 536 đơn đủ điểu kiện xử lý, gồm: 214 đơn thuộc thẩm quyền giải quyết, 322 đơn hướng dẫn và chuyển cơ quan có thẩm quyền; 693 đơn lưu do không đủ điều kiện xử lý. Việc giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh cơ bản đúng trình tự, thủ tục, chất lượng được nâng lên; ngăn ngừa các vụ việc phức tạp, vượt cấp, đông người và không để phát sinh điểm nóng. Kết quả giải quyết khiếu nại, tố cáo đã góp phần ổn định tình hình an ninh, chính trị, trật tự an toàn xã hội, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
- Về công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực: theo các Báo cáo, việc thực hiện các biện pháp phòng ngừa tham nhũng tiếp tục được quan tâm triển khai thực hiện nghiêm túc, như công khai, minh bạch trong hoạt động của bộ máy nhà nước trên các phương tiện thông tin đại chúng, trên Website của các cơ quan; trong xây dựng chế độ, tiêu chuẩn, định mức; chuyển đổi vị trí công tác; thanh toán không dùng tiền mặt; kê khai tài sản, thu nhập được thực hiện đồng bộ tạo điều kiện thuận lợi cho cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân theo dõi, giám sát; nâng cao nhận thức về vai trò, trách nhiệm của cán bộ, công chức, người lao động và Nhân dân đối với công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
Tuy nhiên, công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và tiếp công dân, giải quyết đơn còn gặp một số khó khăn, hạn chế; việc phát hiện các vụ, việc có dấu hiệu tham nhũng thông qua công tác thanh tra, kiểm tra và tự kiểm tra trong nội bộ cơ quan, đơn vị, địa phương chưa nhiều; công tác phòng ngừa ở một số lĩnh vực nhạy cảm, dễ phát sinh tham nhũng có lúc, có nơi thực hiện chưa tốt. Số lượt công dân đến trụ sở tiếp công dân tăng so với cùng kỳ năm 2023; sự phối hợp trong việc giải quyết đơn khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh giữa các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương có vụ, việc chưa chặt chẽ; một số vụ việc kéo dài nhiều năm chưa được giải quyết dứt điểm…Hệ thống văn bản và quy định pháp luật về công tác phòng, chống tham nhũng và giải quyết đơn chưa được hoàn thiện, đồng bộ, cần được tiếp tục sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện…
Tại buổi làm việc các thành viên Đoàn giám sát đề nghị Thanh tra tỉnh làm rõ thêm về việc tiếp công dân của thủ trưởng các sở, ngành và địa phương các cấp; việc thanh tra, kiểm tra các lĩnh vực nhạy cảm; việc thực hiện và hiệu quả của các giải pháp phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực; giải pháp khắc phục một số hạn chế, tồn tại trong nhiều năm; về ứng dụng KHCN trong quản lý, thực hiện nhiệm vụ; các chế độ, định mức, tiêu chuẩn đảm bảo cho công tác tiếp công dân, giải quyết đơn và phòng, chống tham nhũng. Lãnh đạo các Thanh tra tỉnh đã báo cáo giải trình làm rõ các vấn đề Đoàn giám sát yêu cầu.
Bà Trần Thị Tuyết Hương, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh phát biểu tại buổi giám sát
Phát biểu tại buổi làm việc, bà Trần Thị Tuyết Hương, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh đề nghị Thanh tra tỉnh nêu rõ cơ quan có thẩm quyền giải quyết các nội dung kiến nghị, các kiến nghị của ngành; làm rõ các văn bản, quy định còn khó, còn vướng mắc và các điểm không thống nhất chồng chéo cần sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện; đánh giá cơ chế chính sách, chế độ đãi ngộ đối với đội ngũ cán bộ công chức nhằm phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực.
Kết luận buổi làm việc, ông Nguyễn Trung Thành, Trưởng Ban Pháp chế HĐND tỉnh ghi nhận, đánh giá cao những kết quả của Thanh tra tỉnh trong việc tham mưu UBND tỉnh về công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng và giải quyết đơn khiếu nại, tố cáo của công dân và thực hiện chức năng, nhiệm vụ thanh tra; ghi nhận những kiến nghị, đề xuất của Thanh tra tỉnh. Đồng thời, đề nghị lãnh đạo cơ quan trong thời gian tới sâu sát, quyết liệt hơn nữa trong công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành để nâng cao hiệu quả công tác phòng chống tham nhũng và giải quyết đơn của công dân; phát huy vai trò tham mưu giúp UBND tỉnh thực hiện tốt vai trò chỉ đạo, để tháo gỡ khó khăn, giải quyết dứt điểm các vụ việc phức tạp, kéo dài; tiếp tục tăng cường công tác phối hợp với các cơ quan, tổ chức hữu quan trong thực thi nhiệm vụ; tăng cường công tác tuyên truyền, vận động để nâng cao nhận thức của cá nhân, tổ chức về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và giải quyết đơn khiếu nại, tố cáo của công dân./.
Phạm Thu Trang – phòng TTDN
Danh sách bình luận