Khắc phục nhanh những tồn tại trong phát triển kinh tế - xã hội
Tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ Bảy, sáng nay, 29.5, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Quốc hội thảo luận ở hội trường về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2023; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2024...
- Quốc hội thảo luận về tình hình kinh tế- xã hội và ngân sách Nhà nước
- Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn tham dự Phiên thảo luận Tổ về đánh giá tình hình kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước
- Nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia và phát triển kinh tế - xã hội
- Đẩy nhanh tiến độ, hoàn thành Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành phiên họp. Ảnh: Quang Khánh
Có chính sách tạo đột phá phát triển công nghiệp chế biến, chế tạo
ĐBQH Nguyễn Đại Thắng (Hưng Yên) cơ bản đồng tình với báo cáo của Chính phủ và báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế. Theo đó, kinh tế - xã hội của nước ta tiếp tục duy trì đà tăng trưởng phục hồi, nằm trong nhóm các nước có mức tăng trưởng cao nhất thế giới. Bên cạnh những kết quả đạt được, đại biểu cũng cho rằng, tình hình năm 2023 và 4 tháng 2024 còn một số tồn tại như: tổng cầu trong nước còn yếu, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo giảm tốc mạnh, logistics trong nông nghiệp, tiêu thụ xuất khẩu nông sản còn nhiều khó khăn…
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Đại Thắng (Hưng Yên) phát biểu. Ảnh: Quang Khánh
Nhằm thực hiện hiệu quả kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024, đại biểu đề xuất, cần có cơ chế chính sách nhằm tạo sự phát triển đột phá trong ngành chế biến, chế tạo. Bởi lẽ, công nghiệp chế biến, chế tạo là ngành quyết định chủ yếu đến sự phát triển của toàn ngành công nghiệp, tạo ra giá trị gia tăng lớn cho khu vực công nghiệp và là một động lực chính để tăng trưởng kinh tế của đất nước ta trong nhiều năm qua.
"Đây là ngành thu hút nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài lớn nhất trong số 18 ngành kinh tế có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài. Đảng, Nhà nước cần tiếp tục có cơ chế, chính sách, pháp luật nhằm thúc đẩy phát triển nhanh, tạo sự đột phá trong sự phát triển công nghiệp chế biến, chế tạo để ngành công nghiệp này trở thành trụ đỡ của nền kinh tế, là nền tảng, động lực dẫn dắt tăng trưởng cho toàn ngành công nghiệp và nền kinh tế", đại biểu Nguyễn Đại Thắng đề nghị.
Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Binh Thuận tại phiên thảo luận về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội. Ảnh: Quang Khánh
Cùng với đó, đại biểu cũng đề nghị, nên nghiên cứu thí điểm một số cơ chế, chính sách có tính đột phá để thúc đẩy phát triển các ngành, lĩnh vực mới nổi và các mô hình kinh doanh mới hiệu quả, tạo động lực tăng trưởng mới cho tăng trưởng kinh tế của đất nước; chú trọng phát triển các ngành công nghiệp quan trọng, có tính nền tảng và công nghiệp phụ trợ; ưu tiên phát triển một số ngành công nghiệp mũi nhọn, công nghệ mới, công nghệ cao như: sản xuất chip, chất bán dẫn, khai thác, chế biến khoáng sản…
Tăng cường tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp
ĐBQH Nguyễn Văn Thi (Bắc Giang) nêu thực tế, hoạt động của doanh nghiệp và thu hút vốn đầu tư khu vực tư nhân vào nền kinh tế còn hạn chế. Cụ thể, theo Báo cáo của Chính phủ, vốn đầu tư khu vực ngoài Nhà nước năm 2023 chỉ bằng 1/5 mức tăng giai đoạn 2015 - 2019; số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh và số doanh nghiệp giải thể đều tăng cao so với năm 2022. Lần đầu tiên trong 5 năm qua, số doanh nghiệp gia nhập thị trường trong 4 tháng đầu năm thấp hơn số lượng doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường.
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Văn Thi (Bắc Giang) phát biểu. Ảnh: Quang Khánh
Cho rằng, đây là những yếu tố tác động hết sức tiêu cực đến nền kinh tế, đại biểu Nguyễn Văn Thi đề nghị Chính phủ bổ sung đánh giá đầy đủ hơn vấn đề “sức khỏe” của doanh nghiệp, nhất là khối doanh nghiệp tư nhân và có giải pháp hiệu quả hỗ trợ phát triển doanh nghiệp trong thời gian tới.
Bên cạnh đó, đại biểu cũng phản ánh tình trạng tín dụng tăng trưởng thấp, mặc dù lãi suất vốn vay của các ngân hàng thương mại đã giảm nhưng doanh nghiệp và nền kinh tế vẫn không hấp thụ được vốn tín dụng. Từ đó, đề nghị Chính phủ cần đánh giá đầy đủ và có các giải pháp đồng bộ để khơi thông nguồn vốn tín dụng, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, thúc đẩy tăng trưởng.
"Một đất nước có cường thịnh hay không thì nhìn vào sự lớn mạnh của các doanh nghiệp nước đó". Nhấn mạnh điều này, ĐBQH Nguyễn Hữu Thông (Bình Thuận) cũng phân tích nguyên nhân dẫn đến tình trạng số lượng doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường tăng cao là do tình hình thế giới có những bất ổn ảnh hưởng đến đơn hàng của doanh nghiệp, khả năng hấp thụ vốn, sức chống chịu của doanh nghiệp bị bào mòn sau đại dịch, các chính sách, quy định pháp luật còn thiếu đồng bộ chưa nhất quán, thủ tục hành chính còn rườm rà, nhiều tầng nấc…
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Hữu Thông (Bình Thuận) phát biểu. Ảnh: Quang Khánh
Từ đó, đại biểu Nguyễn Hữu Thông kiến nghị Chính phủ tăng cường công tác xúc tiến thương mại, đa dạng hóa thị trường xuất khẩu; hỗ trợ doanh nghiệp giải quyết tình trạng thiếu lao động, nghiên cứu xây dựng chính sách hỗ trợ, tăng khả năng tiếp cận và hấp thụ vốn của doanh nghiệp, nhất là những doanh nghiệp mới thành lập; chủ động, kịp thời thực hiện các giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh, cắt giảm thủ tục hành chính, giảm chi phí, giải rủi ro cho doanh nghiệp; tháo gỡ vướng mắc về đất đai…
Danh sách bình luận