Đại biểu Nguyễn Đại Thắng, Tỉnh ủy viên, Phó Trưởng Đoàn chuyên trách, phụ trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hưng Yên khóa XV phát biểu tham gia ý kiến vào dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) tại kỳ họp bất thường lần 5, Quốc hội khóa XV
ĐBQH Nguyễn Đại Thắng, Đoàn ĐBQH tỉnh Hưng Yên
Theo chương trình kỳ họp bất thường lần thứ 5, Quốc hội khóa XV; sáng ngày 15/01/2024, Quốc hội khai mạc kỳ họp và tiến hành thảo luận ở Hội trường về một số nội dung mới hoặc còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) và cơ quan chủ trì thẩm tra, cơ quan trình phối hợp giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu; đại biểu Nguyễn Đại Thắng, Tỉnh ủy viên, Phó Trưởng Đoàn chuyên trách, phụ trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh đã tham gia ý kiến vào dự án Luật.
Đại biểu đánh giá rất cao sự nỗ lực, cố gắng và quyết tâm của cơ quan chủ trì soạn thảo, cơ quan thẩm tra và các cơ quan, tổ chức có liên quan trong quá trình tham gia soạn thảo dự án Luật Đất đai (sửa đổi). Hồ sơ dự án Luật sửa đổi trình Quốc hội lần này được chuẩn bị rất công phu, kỹ lưỡng, đã lắng nghe, tiếp thu đầy đủ, thận trọng các ý kiến tham gia hợp lý của các vị đại biểu Quốc hội, của các chuyên gia, các nhà khoa học và các cơ quan tổ chức có liên quan, ý kiến của cử tri và Nhân dân cả nước, thận trọng đối với những vấn đề lớn, vấn đề khó và còn có ý kiến khác nhau, vì dự án Luật Đất đai (sửa đổi) có vai trò rất quan trọng, có sự ảnh hưởng và tác động sâu rộng đến mọi tổ chức, cá nhân, đến sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trong những năm tới.
Bên cạnh đó, trên cơ sở thực tiễn, đại biểu Nguyễn Đại Thắng, Tỉnh ủy viên, Phó Trưởng Đoàn chuyên trách, phụ trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh góp ý một số nội dung để tiếp tục hoàn thiện dự thảo Luật, cụ thể:
Về quyền và nghĩa vụ của tổ chức kinh tế, đơn vị sự nghiệp công lập, tổ chức tôn giáo trực thuộc sử dụng đất do Nhà nước cho thuê đất thu tiền hằng năm quy định tại khoản 2 Điều 34 dự thảo Luật; đại biểu đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo nghiên cứu, có thể xem xét cho đơn vị sự nghiệp công lập được quyền góp vốn bằng tài sản gắn liền với đất thuê theo hướng quy định chi tiết điều kiện góp vốn, để tạo điều kiện và giảm áp lực về tài chính cho các đơn vị sự nghiệp công lập, nhất là các đơn vị sự nghiệp công lập tự chủ.
Tiếp theo, về thông báo thu hồi đất và chấp hành quyết định thu hồi đất vì mục đích quốc phòng, an ninh; phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng quy định tại khoản 1 Điều 85 dự thảo Luật: “Trước khi ban hành quyết định thu hồi đất, cơ quan nhà nước có thẩm quyền phải gửi văn bản thông báo thu hồi đất cho người có đất thu hồi, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất, người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan (nếu có) biết chậm nhất là 90 ngày đối với đất nông nghiệp và 180 ngày đối với đất phi nông nghiệp...”. Thực tế, một số trường hợp chủ sở hữu đất bị thu hồi không có mặt tại địa phương và không xác định được nơi ở, do đó sẽ gây khó khăn trong quá trình thực hiện, ảnh hưởng đến tiến độ giải phóng mặt bằng. Do vậy, đại biểu đề nghị bổ sung vào khoản 1 Điều 85 nội dung sau: “Trường hợp không liên lạc được với người có đất thu hồi thì thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng, niêm yết tại trụ sở UBND cấp xã”.
Tại Điều 91 của dự thảo Luật về nguyên tắc bồi thường, hỗ trợ tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất, đại biểu tiếp tục đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo cần nghiên cứu ghi rõ trong Luật nguyên tắc: “việc bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất phải bảo đảm người có đất bị thu hồi có chỗ ở, bảo đảm thu nhập và điều kiện sống bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ”. Đây là nguyên tắc được quy định rõ trong Nghị quyết 18 của Trung ương và cần thể chế hóa trong Luật Đất đai sửa đổi. Mặc dù các quy định trong dự thảo Luật đã thể hiện cụ thể hóa nguyên tắc này; tuy nhiên, đại biểu đề nghị cần quy định rõ trong Luật để bảo đảm triển khai thực hiện nghiêm túc, đầy đủ nguyên tắc này trong thực tiễn. Đồng thời, đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo nghiên cứu sửa đổi khoản 2 Điều 91 theo hướng chỉ bồi thường bằng đất khác mục đích sử dụng với loại đất thu hồi khi địa phương không có đất có cùng mục đích sử dụng. Quy định như trong dự thảo Luật sẽ gây khó khăn cho quá trình bồi thường đất và ảnh hưởng tới việc thu hồi đất do nhu cầu của mỗi người là khác nhau, và căn cứ vào đâu để được xem xét bồi thường bằng đất khác mục đích sử dụng như quy định tại khoản 2 Điều 91 dự thảo Luật sửa đổi./.
Thanh Thư, phòng CTQH (lược ghi)
Danh sách bình luận