Thực hiện tốt nhiệm vụ trong lĩnh vực tư pháp, tôn giáo
Tại hội nghị, các đại biểu đã được các báo cáo viên có kinh nghiệm nhiều năm nghiên cứu các vấn đề liên quan đến lĩnh vực tư pháp và tôn giáo giải đáp nhiều nội dung xoay quanh kỹ năng quyết định, giám sát và thực hiện chức năng, nhiệm vụ trong các lĩnh vực này theo quy định pháp luật.
Lựa chọn "đúng - trúng" nội dung giám sát
Với kinh nghiệm nhiều năm nghiên cứu, các vấn đề liên quan đến lĩnh vực tư pháp, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Khóa XIV, TS. Nguyễn Văn Pha đã trang bị cho các đại biểu nhiều vấn đề bổ ích liên quan đến "Kỹ năng quyết định và giám sát của HĐND tỉnh trong lĩnh vực tư pháp".
Báo cáo viên trình bày chuyên đề tại hội nghị
Thực tế cho thấy, hoạt động tư pháp là lĩnh vực có phạm vi tương đối rộng và phức tạp với sự tham gia của nhiều chủ thể. Cơ quan thực hiện hoạt động tư pháp là những cơ quan có đặc thù riêng. Do đó, cơ chế giám sát hoạt động tư pháp của HĐND là cơ chế giám sát đặc biệt, do cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương tiến hành, khác với hoạt động giám sát của tổ chức Đảng, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Nhân dân…
Theo báo cáo viên, bên cạnh hình thức giám sát quan trọng nhất tại kỳ họp HĐND đối với các hoạt động tư pháp là việc xem xét báo cáo công tác của TAND, Viện KSND và các báo cáo của UBND cùng cấp liên quan đến hoạt động tư pháp thì hoạt động chất vấn đối với thủ trưởng các cơ quan tư pháp cùng cấp về những vấn đề bức xúc, nổi lên trong lĩnh vực tư pháp, được dư luận đặc biệt quan tâm cũng là một hình thức giám sát rất hữu hiệu…
Về tiêu chí lựa chọn nhóm vấn đề chất vấn và người bị chất vấn tại kỳ họp HĐND, báo cáo viên cho rằng: nên lựa chọn các nhóm vấn đề bức xúc, nổi lên trong lĩnh vực tư pháp của địa phương, được nhiều đại biểu HĐND, cử tri quan tâm; những vấn đề có dấu hiệu vi phạm các quy định của pháp luật về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, phòng, chống tội phạm, việc giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị của cử tri và các quy định khác của pháp luật…
Đặc biệt, báo cáo viên đã giúp các đại biểu có thêm những kỹ năng để giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo trong lĩnh vực tư pháp. Theo đó, hoạt động giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo là một kênh quan trọng, vừa góp phần bảo đảm thực hiện tốt quyền khiếu nại, tố cáo của công dân, vừa là phương thức để HĐND, các cơ quan của HĐND, các đại biểu HĐND phát hiện những hạn chế trong hoạt động tư pháp để quyết định tiến hành giám sát chuyên đề, giám sát các vụ án cụ thể khi có khiếu nại gay gắt, bức xúc, kéo dài.
Tuy nhiên, báo cáo viên lưu ý, HĐND, Thường trực HĐND không chỉ đạo, can thiệp hoặc tác động vào quá trình giải quyết các vụ việc mà chỉ nêu ra các căn cứ pháp luật để xác định, chỉ ra đúng sai trong việc áp dụng pháp luật, giải quyết của các cơ quan tư pháp. Qua đó, làm rõ được trách nhiệm hiệu quả công tác, góp phần bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, tổ chức…
Đối với giám sát các vụ án, về nguyên tắc, việc phân định đúng, sai của một vụ án thuộc thẩm quyền của các cơ quan tố tụng và giám sát của HĐND không phải là việc làm thay chức năng điều tra của cơ quan điều tra, chức năng kiểm sát hoạt động tư pháp của Viện KSND, chức năng giám đốc xét xử của TAND. Vì thế, HĐND không có trách nhiệm (và cũng không có quyền) sửa chữa những sai sót, vi phạm trong các bản án, quyết định mà thông qua hoạt động giám sát, HĐND đưa ra những kết luận, kiến nghị để các cơ quan tư pháp có thẩm quyền xem xét, giải quyết theo đúng quy định của Hiến pháp và pháp luật.
Chú ý đến đặc trưng riêng khác của từng tôn giáo
Tại hội nghị, một trong những chuyên đề thu hút các đại biểu quan tâm đó chính là chuyên đề "HĐND với công tác tôn giáo". Đây là một vấn đề rất khó và nhạy cảm. Thông qua trao đổi, báo cáo viên đã giúp các đại biểu hiểu sâu về các tôn giáo ở Việt Nam; quan điểm, chủ trương của Đảng đối với tín ngưỡng, tôn giáo thời kỳ đổi mới; quy định pháp luật hiện hành đối với hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo qua Luật Tín ngưỡng, tôn giáo và các văn bản khác liên quan...
Theo đó, cần quán triệt quan điểm, nhận thức mới đối với tôn giáo của Đảng trong việc xác định tôn giáo là vấn đề tồn tại lâu dài; tín ngưỡng, tôn giáo là nhu cầu tinh thần của đông đảo Nhân dân; nhìn nhận và phát huy những giá trị tích cực đạo đức và văn hóa của tôn giáo. Khi xây dựng chính sách và giải quyết vấn đề tôn giáo hiện nay đặt trong bối cảnh toàn cầu hóa và cách mạng 4.0 (trong đó có việc bùng nổ về khoa học, công nghệ thông tin), cần chú ý đến sự tương thích với luật pháp quốc tế, nhất là những tổ chức quốc tế và những công ước quốc tế Việt Nam đã ký kết và gia nhập. Chú ý đến việc các thế lực thù địch lợi dụng sai sót thông qua công nghệ thông tin, truyền thông xuyên tạc về đời sống và chính sách tôn giáo ở Việt Nam.
Khi thực hiện chính sách tôn giáo, cũng như giải quyết các vấn đề tôn giáo có sự khác biệt, nhất là những “điểm nóng tôn giáo”, cần bình tĩnh, không để các phần tử cực đoan kích động tâm lý đám đông qua đức tin tôn giáo. Chú ý việc trao đổi, đối thoại theo phương châm “cầu đồng, tôn dị”, thượng tôn pháp luật nhưng chú ý đến đặc trưng riêng khác của từng tôn giáo, nhất là luật lệ, lễ nghi; chú ý chủ động giải quyết giảm nhẹ theo hướng “đại sự trở thành trung sự, trung sự trở thành tiểu sự”.
Báo cáo viên hội nghị nhấn mạnh, dựa vào tính chất và đặc thù của vấn đề tôn giáo; căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ hệ thống chính trị đối với công tác tôn giáo, HĐND các cấp cần chú trọng hiểu biết về vấn đề tôn giáo; đồng thời, quán triệt và tổ chức thực hiện chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước đối với tôn giáo thời kỳ đổi mới. HĐND các cấp cần đánh giá những thành tựu cùng những tồn tại; đồng thời, thấy được tâm tư, nguyện vọng của tín đồ, chức sắc để góp phần đề xuất những giải pháp đối với công tác tôn giáo phù hợp ở địa phương.
Từ những thông tin về tôn giáo, về chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đối với tôn giáo thời kỳ đổi mới, những thành tựu, vấn đề đặt ra và những điều cần quan tâm khi thực hiện chính sách tôn giáo. Đồng thời, dựa trên thực tế vấn đề tôn giáo và việc thực hiện chính sách tôn giáo ở địa phương, HĐND các cấp thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của công tác tôn giáo theo quy định.
Danh sách bình luận