Thảo luận Tổ 12: Giữ đà, giữ nhịp, tăng tốc, bứt phá để đạt và vượt các mục tiêu kinh tế - xã hội
Sáng 26/10, tiếp tục Kỳ họp thứ 8, Quốc hội thảo luận tại tổ, cho ý kiến đối với 05 nội dung, về tình hình kinh tế - xã hội; tình hình thi hành Hiến pháp; thi hành luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của UBTVQH; tình hình thực hiện ngân sách nhà nước; chủ trương điều chỉnh Quy hoạch sử dụng đất quốc gia; chủ trương đầu tư bổ sung vốn nhà nước tại Ngân hàng Thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam. Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh tham dự thảo luận Tổ.
Tổng thuật trực tiếp sáng 21/10: Khai mạc Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV
Toàn cảnh thảo luận Tổ 12
Nhiều kết quả quan trọng, toàn diện trên tất cả các lĩnh vực
Thảo luận tại Tổ 12, gồm các Đoàn ĐBQH: Quảng Bình, Ninh Bình, Bắc Kạn, Hưng Yên, các đại biểu đánh giá cao vai trò lãnh đạo của Đảng, trực tiếp, thường xuyên là Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Đồng chí Tổng Bí thư; sự đồng hành, giám sát hiệu quả của Quốc hội, sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt, sát thực tế của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các Bộ, ngành; sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và sự ủng hộ của Nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp.
Năm 2024, tình hình thế giới, khu vực tiếp tục diễn biến nhanh, mạnh, phức tạp, không thuận lợi. Vượt qua khó khăn, thách thức, kinh tế - xã hội nước ta tiếp tục xu hướng phục hồi và phát triển, đạt được nhiều kết quả quan trọng, toàn diện trên tất cả các lĩnh vực; dự kiến đạt và vượt 14/15 chỉ tiêu chủ yếu đề ra tại Nghị quyết số 103/2023/QH15.
Đại biểu khẳng định, có nhiều con số sinh động, không phải do chúng ta đánh giá mà do các tổ chức quốc tế đánh giá, cho thấy kết quả đạt được rất lớn. Tăng trưởng kinh tế phục hồi tích cực, cả năm ước đạt khoảng 6,8-7%, vượt mục tiêu Quốc hội đề ra (6-6,5%); Xuất nhập khẩu và đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt mức tăng trưởng cao, là điểm sáng của kinh tế Việt Nam năm 2024; Công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế, thi hành pháp luật được đặc biệt quan tâm; Kết cấu hạ tầng giao thông, hạ tầng điện có bước đột phá mới; Tập trung làm tốt công tác bảo đảm an sinh xã hội, lao động, việc làm, cải thiện đời sống người dân; Quốc phòng an ninh, trật tự an toàn xã hội cơ bản được bảo đảm…
Đại biểu Nguyễn Thị Thủy – Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Kạn phát biểu
Đại biểu Nguyễn Thị Thủy – Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Kạn đồng tình với đánh giá về kết quả đạt được đã nêu trong Báo cáo của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội; đồng thời nhấn mạnh thêm 07 điểm sáng trong bức tranh kinh tế - xã hội thời gian qua.
Thứ nhất, ước đạt 14/15 chỉ tiêu Quốc hội giao, dự kiến từ nay đến cuối năm nếu đạt chỉ tiêu GDP sẽ đạt 15/15 chỉ tiêu Quốc hội giao. Thứ hai, sau nhiều lần lỡ hẹn, đã thực hiện tăng lương cơ sở, điều chỉnh lương hưu, trợ cấp xã hội, ưu đãi người có công theo Nghị quyết 27 của Trung ương về cải cách chính sách tiền lương. Thứ ba, kết cấu hạ tầng giao thông, hạ tầng điện có bước đột phá, đưa vào khai thác sử dụng mới 109 km đường cao tốc; khánh thành dự án 500kV mạch 3 Quảng Trạch - Phố Nối chỉ sau hơn 6 tháng thi công. Thứ tư, an sinh xã hội tiếp tục được quan tâm. Thứ năm, chuyển đổi số, Chính phủ số, kinh tế số được coi là điểm nhấn tích cực, tăng 15 bậc theo xếp hạng thế giới. Thứ sáu, thành tựu đối ngoại, nổi bật là các chuyến thăm của Tổng Bí thư Tô Lâm; việc nâng cấp quan hệ đối tác chiến lược toàn diện với Pháp; đến nay Việt Nam đã thiết lập mối quan hệ cao nhất với 8 quốc gia lớn trên thế giới. Thứ bảy, tinh thần đại đoàn kết dân tộc nhất là qua cơn bão Yagi vừa rồi cho thấy tình dân tộc, nghĩa đồng bào ngày càng tỏa sáng.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh tham dự thảo luận Tổ
Bên cạnh kết quả đạt được, các đại biểu cũng chỉ ra nhiều tồn tại, bất cập, điểm nghẽn cản trở sự phát triển kinh tế - xã hội đất nước. Đó là vướng mắc về thể chế, pháp luật vẫn khiến việc thực thi trong thực tiễn còn khó khăn, bất cập; cơ chế phân cấp, ủy quyền chưa rõ ràng, chưa mạch lạc trong các nghị định, thông tư của các bộ, ngành khiến các địa phương khó thực hiện; công tác xây dựng pháp luật vẫn còn một số hạn chế, bất cập; tình trạng lãng phí còn diễn ra khá phổ biến, dưới nhiều dạng thức khác nhau, đã và đang gây ra nhiều hệ lụy cho phát triển; giải ngân vốn đầu tư công chậm, chưa đạt mục tiêu đề ra; hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp còn nhiều khó khăn; 9 tháng đầu năm 2024, bình quân 01 tháng có 18,2 nghìn doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường; lãng phí trong thực hiện đổi mới giáo dục; vướng mắc trong công tác đấu thầu dẫn tới tình trạng thiếu thuốc, thiếu vật tư y tế phục vụ khám bệnh, chữa bệnh; giá bất động sản, nhà đất, chung cư tăng đột biến khiến giấc mơ mua nhà của người lao động, người có thu nhập thấp càng xa vời…
Giữ đà, giữ nhịp, tăng tốc, bứt phá để đạt được các mục tiêu kinh tế - xã hội
Để tiếp tục thực hiện đạt và vượt các chỉ tiêu trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025, các đại biểu tại Tổ 12 cũng gợi mở, đề xuất nhiều giải pháp đề nghị Chính phủ nghiên cứu triển khai trong thời gian tới.
Đại biểu cho biết, qua theo dõi chỉ đạo tại Hội nghị Trung ương 10, Nhân dân, doanh nghiệp bày tỏ vững tin, vững lòng về kỷ nguyên mới của dân tộc – kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam. Để đạt mục tiêu đến năm 2045 nước ta có mức thu nhập trung bình cao, cần tiếp tục đổi mới tư duy trong xây dựng pháp luật, từ bỏ tư duy không quản được thì cấm; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền. Công tác xây dựng pháp luật không nóng vội, nhưng cũng không cầu toàn dẫn đến bỏ lỡ thời cơ. Đại biểu đề nghị, trong công tác chỉ đạo, điều hành, Chính phủ cần triển ngay ngay Nghị quyết tại Hội nghị Trung ương 10 khóa XIII và chỉ đạo của Tổng Bí thư, tiến hành rà soát hệ thống pháp luật về phát triển kinh tế, vấn đề nào là rào cản trong công tác quản lý nhà nước tại địa phương, gây khó khăn cho hoạt động của doanh nghiệp và người dân để kịp thời tháo gỡ những vướng mắc này.
Đại biểu Đinh Việt Dũng – Đoàn ĐBQH tỉnh Ninh Bình
Quốc hội và các cơ quan của Quốc hội cần có các văn bản đề nghị Chính phủ đưa vào chương trình xây dựng luật những vướng mắc trong thực tiễn; chọn đúng chuyên đề, nội dung giám sát để chỉ ra những tồn tại, bất cập, kịp thời kiến nghị tháo gỡ về cơ chế, chính sách.
Với những vướng mắc trong cơ chế đấu thầu, đại biểu đề nghị có giải pháp đột phá cho tình trạng thiếu thuốc, thiếu vật tư y tế phục vụ khám bệnh, chữa bệnh. Đại biểu Đinh Việt Dũng – Đoàn ĐBQH tỉnh Ninh Bình đề nghị Chính phủ quan tâm đến những lo ngại của hệ thống y tế cơ sở khi tiến hành sửa đổi quy định thông tuyến khám chữa bệnh trong dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế có dẫn đến tình trạng quá tải ở bệnh viện tuyến trên, còn bệnh viện tuyến dưới thiếu vắng bệnh nhân?
Đại biểu tham dự thảo luận Tổ
Về việc khắc phục hậu quả sau cơn bão Yagi, mặc dù Chính phủ đã ban hành nghị quyết với hàng loạt giải pháp trọng tâm, thể hiện sự quyết liệt trong chỉ đạo, điều hành nhưng cần tiếp tục có giải pháp căn cơ trong dự báo từ sớm từ xa, phòng ngừa nguy cơ lũ ống, lũ quét, sạt lở đất; có cơ chế đặc thù, đặc cách mạnh mẽ hơn trong thực hiện các dự án di dân, tái định cư cho các hộ dân bị mất nhà, mất đất sản xuất.
Các đại biểu đề nghị Chính phủ, Quốc hội xem xét tiếp tục miễn giảm một số loại thuế phí, như giảm 2% thuế giá trị gia tăng; có thể chấp nhận thâm hụt ngân sách nhà nước cao hơn trong giai đoạn này để hỗ trợ tổng cầu của nền kinh tế; nghiên cứu kéo dài thời gian miễn giảm thuế đến hết năm 2025. Quan tâm chỉ đạo triển khai thực hiện quyết liệt các Chương trình mục tiêu quốc gia. Quyết liệt đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công ngay từ đầu năm; nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu trong việc quyết định chủ trương đầu tư, quyết định đầu tư dự án, bảo đảm có trọng tâm, trọng điểm.
Đại biểu Đỗ Tiến Sỹ - Đoàn ĐBQH tỉnh Hưng Yên
Đại biểu Đỗ Tiến Sỹ - Đoàn ĐBQH tỉnh Hưng Yên nhấn mạnh, cần tiếp tục giữ đà, giữ nhịp, tăng tốc, bứt phá, đi cùng, tiến kịp, vượt lên để đạt được các chỉ tiêu kinh tế - xã hội. Trong đó, tiếp tục làm tốt công tác dự báo, phân tích, phản ứng chính sách để không bị động; phối hợp chặt chẽ, hài hòa các chính sách kinh tế và xã hội. Cập nhật, tháo gỡ, giải quyết cùng một lúc những vướng mắc về các vấn đề liên quan đến đất đai, xây dựng, tín dụng, nhà ở.
Cũng tại phiên thảo luận tổ, đại biểu cũng đề nghị Chính phủ quan tâm hơn đến tình trọng nợ đọng thuế; số doanh nghiệp ngừng hoạt động tăng; số chi chuyển nguồn lớn; lộ trình giảm chi ngân sách đối với đơn vị sự nghiệp công; xác định nguồn tăng lương; dự báo những nhân tố ảnh hưởng đến Kế hoạch tài chính - ngân sách nhà nước 03 năm 2025-2027...
Một số hình ảnh tại Tổ 12:
Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Kạn Hoàng Duy Chinh điều hành thảo luận Tổ
Đại biểu tham dự thảo luận Tổ
Đại biểu Phạm Đình Toản - Đoàn ĐBQH tỉnh Hưng Yên phát biểu
Đại biểu Nguyễn Đại Thắng - Đoàn ĐBQH tỉnh Hưng Yên phát biểu
Đại biểu tham dự thảo luận Tổ
Đại biểu Trần Quang Minh - Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Bình phát biểu
Đại biểu Hà Sỹ Huân - Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Kạn phát biểu
Danh sách bình luận