Công bố 2 Nghị quyết của Quốc hội
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn vừa ký Nghị quyết số: 129/2024/QH15 của Quốc hội về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025, đhiều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024 và Nghị quyết số 130/2024/QH15 về Chương trình giám sát của Quốc hội năm 2025. Hai Nghị quyết đã được Quốc hội thông qua trong ngày làm việc cuối đợt 1 Kỳ họp thứ Bảy vừa qua (8.6.2024).
- NGHỊ QUYẾT Về Chương trình giám sát của Quốc hội năm 2025
- NGHỊ QUYẾT Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024
Theo Nghị quyết số 129, Quốc hội quyết nghị bổ sung vào Chương trình, trình Quốc hội cho ý kiến và thông qua tại Kỳ họp thứ Bảy (tháng 6.2024) theo quy trình tại một kỳ họp và theo trình tự, thủ tục rút gọn các dự án, dự thảo: Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai số 31/2024/QH15, Luật Nhà ở số 27/2023/QH15, Luật Kinh doanh bất động sản số 29/2023/QH15, Luật Các tổ chức tín dụng số 32/2024/QH15 (tên gọi chính thức của Luật sẽ được Quốc hội xem xét, quyết định khi xem xét, thông qua dự án Luật); Nghị quyết của Quốc hội quy định về việc giảm thuế giá trị gia tăng.
Cùng với đó, trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ Tám (tháng 10.2024) các dự án: Luật Công nghiệp công nghệ số; Luật Điện lực (sửa đổi); Luật Nhà giáo; Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp; Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi); Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo.
Trong năm 2024, trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, thông qua các dự án: Pháp lệnh Chi phí tố tụng (điều chỉnh về chi phí tố tụng hình sự, chi phí tố tụng dân sự, chi phí tố tụng hành chính và chi phí tố tụng cho Hội thẩm); Pháp lệnh Quản lý, bảo vệ Khu Di tích Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh (điều chỉnh về công tác quản lý, bảo vệ Khu Di tích Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh với tính chất là công trình đặc biệt quan trọng về an ninh quốc gia, đồng thời là di tích lịch sử - văn hóa đặc biệt quan trọng trong cụm di tích lịch sử - văn hoá Ba Đình).
Quốc hội cũng giao Ủy ban Thường vụ Quốc hội phối hợp với Chính phủ, các cơ quan có liên quan chỉ đạo rà soát các nhiệm vụ lập pháp, lập danh mục ưu tiên các dự án cần đưa vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh từ nay đến cuối nhiệm kỳ để tập trung chỉ đạo chuẩn bị, đề xuất bổ sung vào Chương trình; quyết định việc điều chỉnh, bổ sung Chương trình đáp ứng yêu cầu thực tiễn; nghiên cứu, đề xuất các nhiệm vụ lập pháp mới để xây dựng Đề án Định hướng Chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội Khóa XVI trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định. Trong trường hợp cần thiết, báo cáo Quốc hội tổ chức thêm kỳ họp hoặc kéo dài thời gian kỳ họp thường lệ, chia kỳ họp thành các đợt để xem xét, thông qua được nhiều luật, nghị quyết.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, các cơ quan, tổ chức, đại biểu Quốc hội tăng cường kỷ luật, kỷ cương, đề cao trách nhiệm, bảo đảm thực hiện nghiêm Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh; không trình Quốc hội dự án không bảo đảm đầy đủ hồ sơ, tài liệu, không bảo đảm chất lượng, tiến độ theo quy định; tăng cường kiểm soát quyền lực, chống tiêu cực, không để xảy ra tình trạng lồng ghép “lợi ích nhóm”, lợi ích cục bộ trong công tác xây dựng pháp luật.
Chính phủ có biện pháp chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra đối với cơ quan được giao chủ trì soạn thảo để bảo đảm chất lượng, tiến độ; dành thời gian thỏa đáng để thảo luận, cho ý kiến đối với dự án, dự thảo trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và những nội dung giải trình, tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội; khẩn trương xây dựng, ban hành văn bản quy định chi tiết để có hiệu lực cùng thời điểm có hiệu lực của luật, pháp lệnh, nghị quyết; khắc phục triệt để tình trạng gửi hồ sơ dự án, dự thảo không bảo đảm thời hạn quy định.
Tại Nghị quyết số 130, Quốc hội giao Ủy ban Thường vụ Quốc hội: chỉ đạo tổ chức giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường kể từ khi Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 có hiệu lực thi hành”, báo cáo Quốc hội tại Kỳ họp thứ Mười; trực tiếp tổ chức giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển và sử dụng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao”...
Căn cứ Chương trình giám sát của Quốc hội và điều kiện, tình hình thực tế, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội, đại biểu Quốc hội chủ động xây dựng, triển khai thực hiện Chương trình giám sát của mình, báo cáo kết quả thực hiện theo quy định của pháp luật; tiếp tục đổi mới, giám sát đúng và trúng, chỉ rõ địa điểm, quy rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân và đề xuất sửa đổi, bổ sung nhằm hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật của Nhà nước. Các đại biểu Quốc hội cần chủ động đổi mới hoạt động giám sát của mình theo hướng tăng cường tính độc lập, hạn chế phụ thuộc vào Chương trình giám sát của Đoàn đại biểu Quốc hội, của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội mà mình là thành viên.
Quốc hội giao Tổng Thư ký Quốc hội, Văn phòng Quốc hội, căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ của mình, nâng cao tính chuyên nghiệp trong tổ chức thực hiện, tăng cường các điều kiện bảo đảm để hoạt động giám sát được tiến hành thuận lợi, đạt chất lượng, hiệu quả cao.
Các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan có trách nhiệm báo cáo và cung cấp đầy đủ, kịp thời, chính xác thông tin, tài liệu cần thiết về nội dung giám sát theo yêu cầu; thực hiện đầy đủ, kịp thời, nghiêm túc kết luận, kiến nghị sau giám sát; xác định rõ nguyên nhân, trách nhiệm của từng cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc không thực hiện hoặc thực hiện chưa tốt các kết luận, kiến nghị và báo cáo kết quả thực hiện đến Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Danh sách bình luận