Tổ giám sát số 2, Đoàn giám sát của Thường trực HĐND tỉnh giám sát kết quả triển khai thực hiện Chương trình phát triển đô thị tỉnh giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030 tại Sở Xây dựng
Chiều ngày 04/3/2024, Tổ giám sát số 2 thuộc Đoàn giám sát của Thường trực HĐND tỉnh do bà Trần Thị Tuyết Hương, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh làm Tổ trưởng đã tiến hành giám sát kết quả triển khai thực hiện Chương trình phát triển đô thị tỉnh giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030 tại Sở Xây dựng.
Bà Trần Thị Tuyết Hương, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh điều hành buổi giám sát
Giai đoạn 2021-2023, triển khai thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TU ngày 05/7/2022 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về Chương trình phát triển đô thị tỉnh Hưng Yên giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn đến năm 2030; Sở Xây dựng đã tham mưu UBND tỉnh ban hành Quyết định phê duyệt và Kế hoạch triển khai thực hiện Chương trình phát triển đô thị tỉnh giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030. Đến hết năm 2023, Chương trình phát triển đô thị trên địa bàn tỉnh đã đạt được một số kết quả tích cực.
Cụ thể, tỷ lệ đô thị hóa trên toàn tỉnh đạt 45%; hệ thống đô thị toàn tỉnh gồm 23 đô thị và khu vực được công nhận đạt tiêu chuẩn đô thị: 01 đô thị loại III, 01 đô thị loại IV, 07 đô thị loại V, 1 khu vực đạt tiêu chuẩn đô thị loại IV và 13 xã được công nhận đạt tiêu chuẩn đô thị loại V. Một số chỉ tiêu về chất lượng đô thị ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng đời sống, sinh hoạt của người dân được quan tâm ưu tiên thực hiện như: nâng cao diện tích sàn nhà ở đô thị; tỷ lệ nhà kiên cố và bán kiên cố; tỷ lệ dân cư được cấp nước sạch…Diện tích nhà ở bình quân toàn tỉnh đạt 28,4m2/người; diện tích sàn nhà ở khu vực đô thị đạt 32,8 m2/người; diện tích nhà ở tối thiểu đạt 8m2/người; diện tích đất xây dựng đô thị toàn tỉnh là 207,08 km2, chiếm 22,26% diện tích đất tự nhiên toàn tỉnh; công tác quản lý nhà nước về xây dựng, đô thị được tăng cường; nhiều công trình, dự án trọng điểm, có ý nghĩa động lực phát triển đô thị được triển khai đầu tư, từng bước hoàn thiện đồng bộ hạ tầng đô thị, nâng cao chất lượng đô thị và phát triển đô thị bền vững.
Tỉnh Hưng Yên phấn đấu đến năm 2025, tỷ lệ đô thị hóa đạt trên 48%, toàn tỉnh có 16 đô thị, trong đó thành phố Hưng Yên đạt đô thị loại II; thị xã Mỹ Hào đạt đô thị loại III, cơ bản đạt tiêu chuẩn thành phố; huyện Văn Lâm, huyện Văn Giang đạt đô thị loại IV (khu vực trung tâm huyện cơ bản đạt tiêu chí đô thị loại III); huyện Khoái Châu và huyện Yên Mỹ cơ bản đạt tiêu chí đô thị loại IV và 10 đô thị loại V. Diện tích nhà ở bình quân toàn tỉnh đạt 29m2/người; diện tích sàn nhà ở khu vực đô thị đạt 33 m2/người. Tỷ lệ đất giao thông trên đất xây dựng đô thị đạt 20-26%; tỷ lệ vận tải hành khách công cộng đạt khoảng 20%; tỷ lệ nước thải đô thị được xử lý đạt 25-30%; tỷ lệ chiếu sáng đường phố chính đạt trên 90%, ngõ hẻm đạt trên 80%; diện tích cây xanh bình quân trên mỗi người dân đô thị đạt trên 10 m².
Tại buổi làm việc, các thành viên Tổ giám sát đã cùng Sở Xây dựng thảo luận, đánh giá, nhìn nhận những khó khăn, vướng mắc và đưa ra các giải pháp cụ thể trong quá trình triển khai thực hiện Chương trình phát triển đô thị tỉnh giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn đến năm 2030.
Ông Cao Quang Hưng, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Xây dựng phát biểu giải trình tại buổi làm việc
Phát biểu kết luận buổi giám sát, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Trần Thị Tuyết Hương yêu cầu Sở Xây dựng căn cứ chức năng, nhiệm vụ của Sở để hoàn thiện báo cáo tình hình phát triển đô thị trên địa bàn tỉnh đến hết năm 2023. Chủ động tham mưu UBND tỉnh ban hành quy chế quản lý kiến trúc để quản lý chặt chẽ kiến trúc đô thị; rà soát, điều chỉnh Chương trình phát triển đô thị tỉnh giai đoạn 2021-2025 và định hướng đến năm 2030 bảo đảm tuân thủ các quy định, định hướng của Trung ương, gắn với đặc thù thực tế định hướng phát triển đô thị và tính khả thi trong lộ trình nâng hạng từng đô thị của tỉnh; đáp ứng các tiêu chuẩn được quy định tại Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc và phù hợp với các quy hoạch lớn trên địa bàn tỉnh đã và sẽ được phê duyệt. Có cơ chế chính sách phù hợp để thu hút đầu tư phục vụ phát triển đô thị và hạ tầng kỹ thuật đô thị. Đẩy nhanh tiến độ công tác giải phóng mặt bằng để thực hiện các dự án đầu tư, nhất là các dự án trọng điểm của tỉnh, của huyện và tiến độ lập, triển khai các quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết phù hợp với Quy hoạch chung của tỉnh khi được phê duyệt. Nghiêm túc kiểm điểm, rút kinh nghiệm sâu sắc đối với các hạn chế, thiếu sót thuộc trách nhiệm của Sở Xây dựng trong quá trình thực hiện Chương trình phát triển đô thị tỉnh.
Vũ Thị Anh - phòng Công tác HĐND