Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng: Tập trung chăm lo phát triển văn hóa vùng đồng bào dân tộc thiểu số
Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ Bảy, chiều nay, 5.6, dưới sự điều hành của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Quốc hội tiến hành Phiên chất vấn và trả lời chất vấn với nhóm vấn đề thứ tư thuộc lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch.
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn điều hành phiên chất vấn và trả lời chất vấn với nhóm vấn đề thứ tư thuộc lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch. Ảnh: Hồ Long
Nội dung chất vấn tập trung vào: công tác tuyển chọn, đào tạo và chế độ chính sách đối với vận động viên thể thao, nghệ sĩ trong các lĩnh vực nghệ thuật và giải quyết việc làm cho vận động viên, nghệ sĩ sau thời kỳ thi đấu, biểu diễn đỉnh cao; việc triển khai các nhiệm vụ, giải pháp kích cầu, phục hồi du lịch trong năm 2024 và những năm tiếp theo, giải pháp phát triển sản phẩm du lịch đêm; chính sách đặc thù, thu hút đầu tư cho các hoạt động văn hóa, thể thao, du lịch vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng trả lời các chất vấn của đại biểu Quốc hội.
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn điều hành phiên chất vấn và trả lời chất vấn với nhóm vấn đề thứ tư thuộc lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch. Ảnh: Hồ Long
Theo chương trình, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà, Bộ trưởng các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Giao thông Vận tải, Giáo dục và Đào tạo, Lao động, Thương binh và Xã hội, Nội vụ; Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc cùng tham gia trả lời chất vấn, giải trình về những vấn đề có liên quan.
Thiết chế văn hóa cơ sở là điều kiện cần và đủ để hình thành môi trường văn hóa
Nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm chất vấn về phát triển văn hóa vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
Dẫn Báo cáo số 136 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, ĐBQH Trần Thị Thanh Hương (An Giang) nêu vấn đề, việc tổ chức các hoạt động văn hóa, thể thao, du lịch vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi chưa được thường xuyên, hiệu quả do thiếu thiết chế văn hóa, thể thao tại cơ sở. Bên cạnh việc thiếu các thiết chế văn hóa ở cơ sở, việc chưa khai thác nâng cao hiệu quả hoạt động đối với một số thiết chế văn hóa đã có ở cơ sở cũng là vấn đề cần quan tâm, phát huy hơn nữa trong thời gian tới.
ĐBQH Trần Thị Thanh Hương (An Giang) chất vấn. Ảnh: Hồ Long
Đại biểu Trần Thị Thanh Hương đề nghị Bộ trưởng cho biết, Bộ có những giải pháp đột phá gì nhằm thu hút nguồn lực đầu tư, bên cạnh nâng cao số lượng đồng thời cũng cần nâng cao hơn nữa chất lượng của các thiết chế văn hóa cơ sở nhất là vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi?
Đồng tình với phản ánh của đại biểu, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng thừa nhận, các thiết chế văn hóa được đầu tư, xây dựng ở vùng đồng bào dân tộc dường như “không xây thì đang thiếu, nhưng xây thì sử dụng thế nào cho hiệu quả”.
Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng trả lời các chất vấn của đại biểu Quốc hội. Ảnh: Hồ Long
Bộ trưởng cũng nhận thấy được những bất cập này và đề xuất cần có giải pháp mang tính chất căn cơ, đó là nhận thức rõ những bất cập thuộc về thể chế.
Chẳng hạn, nếu xác định thiết chế văn hóa thuộc về tài sản công thì trong Luật Quản lý tài sản công được thể hiện, khai thác ra sao, liên kết như thế nào để triển khai hoạt động? Cũng chính vì vậy, Bộ đã tham mưu, phối hợp với Ủy ban Văn hóa, Giáo dục tổ thức Hội thảo khoa học với chủ đề "Chính sách và nguồn lực cho phát triển thiết chế văn hóa, thể thao".
Các đại biểu Quốc hội tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn. Ảnh: Lâm Hiển
Tại hội thảo, các ý kiến đã bàn định kỹ lưỡng đâu là thiết chế văn hóa cấp quốc gia, cấp huyện, cấp tỉnh; những loại hình nào, thiết chế cơ sở ở đâu cần tập trung quan tâm đầu tư những gì...? Từ đó, đề xuất thêm nhiều vấn đề trong việc rà soát, ban hành văn bản quy phạm pháp luật, nhất là phát huy hiệu quả của đầu tư công từ các chương trình.
“Thiết chế văn hóa ở các cơ sở là điều kiện cần và đủ để hình thành môi trường văn hóa. Nếu không có thiết chế văn hóa sẽ rất khó khăn”, Bộ trưởng khẳng định.
Đối với thiết chế văn hóa vùng đồng bào dân tộc, theo Bộ trưởng, là sử dụng "đa mục tiêu, đa chức năng". Bộ trưởng mong muốn các cấp ủy, chính quyền địa phương vận dụng linh hoạt, sáng tạo, tập trung thêm nguồn lực khác ngoài nguồn lực Nhà nước, trong đó có nguồn lực của Nhân dân đóng góp để xây dựng, trở thành tài sản của Nhân dân, có như vậy mới phát huy được tác dụng.
Quan trọng là nhận diện, kiểm điểm và đầu tư để bảo tồn
Tại Đề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc miền núi giai đoạn 2021 - 2030, trong đó giai đoạn 1 là 2021 - 2025, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch được giao triển khai Dự án 06 về bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch.
ĐBQH Bố Thị Xuân Linh (Bình Thuận) đề nghị Bộ trưởng cho biết những kết quả đã được triển khai cũng như những định hướng, giải pháp để thực hiện hiệu quả Dự án 06, nhất là phát triển du lịch cộng đồng tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
ĐBQH Bố Thị Xuân Linh (Bình Thuận) chất vấn. Ảnh: Lâm Hiển
Trả lời chất vấn của đại biểu, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho biết, trong Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số có một dự án “nhấn” là Dự án 06. Giai đoạn 2021 - 2023, ngành văn hóa của cả nước được phân bổ 1.258 tỷ đồng để thực hiện các nhiệm vụ, trong đó cấp cho các địa phương là toàn bộ, còn Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch là 104 tỷ đồng nguồn vốn sự nghiệp trong 3 năm để tổ chức tập huấn, đào tạo, tổ chức trình diễn.
Theo đó, Bộ đã tập trung khảo sát, nhận diện, đánh giá và công nhận các di tích, di sản, loại hình văn hóa cơ sở. Đây là điều quan trọng để bảo tồn các giá trị văn hóa. Đồng thời, Bộ cũng tổ chức định kỳ Ngày văn hóa các dân tộc Việt Nam để tôn vinh các giá trị văn hóa; tổ chức liên hoan văn hóa đồng bào dân tộc để giao lưu, gặp gỡ, trao đổi văn hóa, đặc biệt là chú trọng quan tâm các dân tộc có dưới 100.000 dân. Bên cạnh đó, hỗ trợ thiết bị cho các nhà văn hóa, xây dựng tủ sách, tập huấn về công tác dân tộc cho đội ngũ cán bộ.
Các nhạc sĩ dự thính phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ Bảy, Quốc hội Khóa XV. Ảnh: Hồ Long
Thời gian tới, nếu Quốc hội đồng ý phê chuẩn và điều chuyển nội dung này từ Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số sang Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa, thì Bộ sẽ tiếp tục duy trì và thực hiện phân cấp để tập trung chăm lo cho phát triển văn hóa vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
“Có 3 việc quan trọng phải làm là nhận diện, kiểm điểm và đầu tư để bảo tồn, trong đó cần chú ý phát hiện nét riêng đặc sắc của các đồng bào dân tộc thiểu số để phát huy, không bị mai một”, Bộ trưởng nhấn mạnh.
Danh sách bình luận