ĐBQH NGUYỄN ĐẠI THẮNG: CẦN QUAN TÂM THỰC HIỆN TỐT CÔNG TÁC CHUẨN BỊ GIÁM SÁT
Thảo luận ở hội trường về dự kiến Chương trình giám sát của Quốc hội năm 2024, đại biểu Nguyễn Đại Thắng – Đoàn ĐBQH tỉnh Hưng Yên cho rằng, để triển khai thực hiện có hiệu quả hoạt động giám sát chuyên đề của Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội cần quan tâm làm tốt công tác chuẩn bị giám sát; đề cương xây dựng báo cáo giám sát cần chi tiết, yêu cầu báo cáo cụ thể những vấn đề thuộc nội dung giám sát.
PHÁT BIỂU ẤN TƯỢNG TẠI PHIÊN CHẤT VẤN BỘ TRƯỞNG BỘ LAO ĐỘNG, THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI
Thảo luận ở hội trường về dự kiến Chương trình giám sát của Quốc hội năm 2024, đại biểu Nguyễn Đại Thắng – Đoàn ĐBQH tỉnh Hưng Yên bày tỏ sự thống nhất cao với Tờ trình dự thảo Nghị quyết Ủy ban Thường vụ Quốc hội về dự kiến Chương trình giám sát năm 2024. Hoạt động giám sát tối cao là một trong những chức năng quan trọng của Quốc hội nhằm đảm bảo việc thi hành Hiến pháp, luật, pháp lệnh, nghị quyết của Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội nên việc nâng cao hiệu quả hoạt động giám sát của Quốc hội sẽ góp phần quan trọng vào việc nâng cao hoạt động của Quốc hội.
Với mục tiêu không ngừng đổi mới, nâng cao hoạt động của Quốc hội nên việc đẩy mạnh công tác giám sát của Quốc hội là khâu trọng tâm, then chốt để nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Quốc hội. Quốc hội khóa XV ngay từ đầu nhiệm kỳ đã chú trọng công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế, góp phần tạo cơ sở pháp lý và định hướng hoạt động giám sát cho cả nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV, đã xây dựng Đề án tiếp tục đổi mới hoạt động giám sát và Đảng đoàn Quốc hội đã ban hành kết luận về tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động giám sát, ban hành Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về hướng dẫn hoạt động giám sát của các cơ quan của Quốc hội và Nghị quyết hướng dẫn hoạt động giám sát của Hội đồng nhân dân các cấp.
Đại biểu Nguyễn Đại Thắng – Đoàn ĐBQH tỉnh Hưng Yên
Thời gian qua, hoạt động giám sát đã có nhiều đổi mới trong cách thức triển khai, chú trọng lựa chọn vấn đề giám sát, vừa đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động chất vấn tại kỳ họp Quốc hội. Các phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội có nhiều đổi mới và đạt được nhiều kết quả tích cực trong hoạt động giám sát chuyên đề. Chương trình giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội năm 2022 và năm 2023 đã triển khai thực hiện có hiệu quả với nhiều đổi mới và đạt được nhiều kết quả quan trọng, đóng góp tích cực vào hoạt động lập pháp và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước, góp phần giám sát và kiểm soát chặt chẽ quyền lực Nhà nước, được Nhân dân và cử tri cả nước đánh giá cao, góp phần đưa hoạt động của Quốc hội ngày càng sát với thực tiễn cuộc sống.
Tuy nhiên, đại biểu cho rằng, việc triển khai một số hoạt động giám sát có thời điểm, có nội dung chưa hiệu quả, chưa đi đến cùng vấn đề, tính phản biện chưa cao; phương pháp, cách thức thực hiện giám sát còn chưa thống nhất; việc triển khai công tác giúp việc của một số đoàn giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thực hiện chưa thống nhất, một số kết luận, kiến nghị sau giám sát còn chung chung, thiếu cụ thể, tính khả thi thấp. Để triển khai thực hiện có hiệu quả Chương trình giám sát của Quốc hội năm 2024, đại biểu đề xuất một số giải pháp như sau.
Thứ nhất, để triển khai thực hiện có hiệu quả hoạt động giám sát chuyên đề của Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội cần quan tâm làm tốt công tác chuẩn bị giám sát; đề cương xây dựng báo cáo giám sát cần chi tiết, yêu cầu báo cáo cụ thể những vấn đề thuộc nội dung giám sát; cần thành lập tổ công tác giúp việc của Đoàn giám sát là những cán bộ, chuyên gia, các vị đại biểu Quốc hội có chuyên môn, có kinh nghiệm sâu về lĩnh vực giám sát; cần thu thập các kết luận thanh tra, kiểm tra, kiểm toán về nội dung giám sát, tổ công tác của Đoàn giám sát cần làm việc trước các cơ quan, đơn vị liên quan xác minh, làm rõ những vấn đề cần thiết trước khi đoàn giám sát làm việc chính thức với đơn vị chịu sự giám sát.
Sau giám sát phải ban hành kết luận, nghị quyết của cuộc giám sát, kết luận giám sát phải nêu cụ thể những kết quả đạt được, những tồn tại, hạn chế, đặc biệt phải chỉ rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân có liên quan đối với những vi phạm tồn tại và có kiến nghị yêu cầu cụ thể. Trong quá trình giám sát, nếu phát hiện hành vi vi phạm pháp luật hoặc vụ việc có dấu hiệu tội phạm, Đoàn giám sát cần báo cáo kịp thời với Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Chủ tịch Quốc hội để chuyển vụ việc sang cơ quan thanh tra, kiểm tra, cơ quan điều tra có thẩm quyền để xử lý theo đúng quy định pháp luật, không đợi đến khi kết thúc cuộc giám sát.
Thứ hai, đại biểu nhất trí với ý kiến của đại biểu Phạm Đình Thanh, đoàn Kon Tum, đề nghị Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc Hội có quy định cụ thể về hoạt động giải trình để bảo đảm việc triển khai đồng bộ, thống nhất và cần nghiên cứu để sửa đổi khoản 1 Điều 52 của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân, vì quy định tối thiểu phải có 3 đại biểu Quốc hội để thành lập Đoàn giám sát của Đoàn đại biểu Quốc hội là bất cập, không phù hợp với thực tiễn. Vì thực tế số lượng đại biểu Quốc hội công tác tại tỉnh là rất ít, các đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách hoặc kiêm nhiệm ở Trung ương do bận công việc nên ít có điều kiện để tham gia hoạt động giám sát của Đoàn đại biểu Quốc hội, nên khi đồng thời triển khai nhiều nội dung giám sát, Đoàn đại biểu Quốc hội sẽ gặp khó khăn trong việc thành lập đoàn cũng như rất khó khăn để bảo đảm chất lượng giám sát theo yêu cầu đề ra.
Trong quá trình triển khai chương trình giám sát của Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội cần phân bổ thời gian triển khai phù hợp trong năm giữa các cuộc giám sát, tránh tập trung các cuộc giám sát vào những tháng đầu năm, tạo điều kiện để các cơ quan của Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân các địa phương có thời gian để chuẩn bị triển khai giám sát bảo đảm chất lượng.
Thứ ba, đối với Đoàn đại biểu Quốc hội các địa phương khi triển khai thực hiện kế hoạch giám sát của Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội cần chủ trì, phối hợp với Thường trực Hội đồng nhân dân, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp tỉnh để triển khai hoạt động giám sát. Hoạt động giám sát cần phải lập hồ sơ đảm bảo chặt chẽ, hồ sơ phải thể hiện đầy đủ các hoạt động của Đoàn giám sát, từ quyết định thành lập Đoàn giám sát, báo cáo của đơn vị giám sát, các tài liệu có liên quan, các tài liệu kết thúc cuộc giám sát, báo cáo kết quả thực hiện kết luận, kiến nghị, yêu cầu của cuộc giám sát.
Thứ tư, để nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động giám sát của Quốc hội cần tiếp tục quan tâm thực hiện hiệu quả hoạt động giám sát lại với mục đích đánh giá toàn diện việc thực hiện một số nghị quyết của Quốc hội về chất vấn và giám sát chuyên đề của Chính phủ và các cơ quan liên quan, từ đó nâng cao chất lượng, hiệu quả thực hiện các nghị quyết của các cơ quan và người đứng đầu chịu sự giám sát.
Ngoài ra, đại biểu cho rằng cần quan tâm giám sát thực hiện lời hứa chất vấn, thể hiện trách nhiệm của Quốc hội trong việc theo dõi, giám sát đến cùng những nội dung đã được giám sát, những vấn đề cử tri và Nhân dân quan tâm.