Ban Pháp chế HĐND tỉnh giám sát đợt 1 về việc chấp hành quy định về thời hạn chuẩn bị xét xử; việc xét xử phúc thẩm bản án, quyết định của Tòa án cấp sơ thẩm chưa có hiệu lực pháp luật bị kháng cáo, kháng nghị đối với các vụ án dân sự giai đoạn 2022-2024
Thực hiện Kế hoạch công tác của Ban Pháp chế HĐND tỉnh năm 2024, từ ngày 19/11 đến 22/11/2024, Đoàn giám sát của Ban Pháp chế, HĐND tỉnh do ông Nguyễn Trung Thành, Ủy viên Thường trực HĐND tỉnh, Trưởng Ban Pháp chế HĐND tỉnh làm Trưởng đoàn đã tiến hành giám sát đợt 1 về việc chấp hành quy định về thời hạn chuẩn bị xét xử; việc xét xử phúc thẩm bản án, quyết định của Tòa án cấp sơ thẩm chưa có hiệu lực pháp luật bị kháng cáo, kháng nghị đối với các vụ án dân sự giai đoạn 2022-2024 tại Tòa án nhân dân các huyện: Tiên Lữ, Kim Động, Ân Thi và thành phố Hưng Yên. Tham dự buổi giám sát còn ông Nguyễn Văn Công, Phó Trưởng Ban Pháp chế HĐND tỉnh, các Ủy viên Ban Pháp chế HĐND tỉnh, đại diện Lãnh đạo Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh, đại diện Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh.
Ông Nguyễn Trung Thành, Ủy viên Thường trực HĐND tỉnh, Trưởng Ban Pháp chế HĐND tỉnh chủ trì buổi làm việc tại Tòa án nhân dân huyện Kim Động
Tại các buổi làm việc, Tòa án nhân dân các huyện, thành phố đã báo cáo khái quát về tình hình kết quả thụ lý, giải quyết các vụ án dân sự của các đơn vị; qua đó, đánh giá kết quả giải quyết án dân sự, chất lượng xét xử và tổ chức hòa giải cho đương sự; đánh giá việc tuân thủ quy định pháp luật về thời hạn chuẩn bị xét xử; công tác phối hợp với cơ quan tư pháp trong thực hiện nhiệm vụ được giao; tiếp công dân và giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo trong việc giải quyết các vụ án dân sự đạt được kết quả tích cực, khả quan. Kết quả giải quyết, xét xử các vụ việc dân sự trong giai đoạn 2022-2024 tại Tòa án nhân dân các huyện, thành phố đều đạt và vượt chỉ tiêu giải quyết án dân sự theo yêu cầu Nghị quyết số 96/2019/QH14 ngày 27/11/2019 của Quốc hội đề ra, cụ thể: Tòa án nhân dân thành phố Hưng Yên tổng thụ lý là 941 vụ, đã giải quyết 842 vụ, đạt 89%; Tòa án nhân dân huyện Tiên Lữ tổng thụ lý là 356 vụ, đã giải quyết 295 vụ, đạt 82%; Tòa án nhân dân huyện Kim Động tổng thụ lý là 508 vụ, đã giải quyết 443 vụ, đạt 87%; Tòa án nhân dân huyện Ân Thi tổng thụ lý là 530 vụ, đã giải quyết 516 vụ, đạt 97%.
Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác giải quyết án dân sự của các đơn vị còn gặp một số hạn chế, khó khăn như: tỷ lệ giải quyết án của một số đơn vị chưa đạt so với chỉ tiêu của Tòa án nhân dân tối cao đề ra; vẫn còn án bị hủy, sửa do lỗi chủ quan của Hội đồng xét xử; số vụ, việc dân sự ngày càng tăng, phức tạp; việc xác minh, thu thập tài liệu nhất là các vụ án liên quan đến tranh chấp đất đai, tài sản, giao dịch gặp nhiều vướng mắc...; một số cơ quan hữu quan chưa phối hợp tốt trong việc cung cấp tài liệu, chứng cứ, định giá, cử người đại diện tham gia tố tụng… dẫn đến thời gian giải quyết, xét xử các vụ, việc dân sự bị kéo dài.
Tại buổi giám sát, các đại biểu trao đổi làm rõ kết quả đạt được và những vướng mắc, khó khăn trong quá trình giải quyết các vụ án dân sự, trong đó tập trung nguyên nhân vào các vụ việc tạm đình chỉ kéo dài; các bản án, quyết định bị sửa, hủy do có lỗi chủ quan của Hội đồng xét xử; tình hình tiếp nhận và xử lý đơn khởi kiện; giải pháp để nâng cao chất lượng và tỷ lệ giải quyết án dân sự…
Kết luận buổi làm việc, Trưởng Ban Pháp chế HĐND tỉnh Nguyễn Trung Thành ghi nhận, đánh giá cao những kết quả của Tòa án nhân dân các huyện, thành phố đã đạt được trong công tác giải quyết, xét xử án dân sự giai đoạn 2022-2024, chia sẻ những khó khăn trong công tác giải quyết các vụ việc dân sự tại các địa phương; ghi nhận những kiến nghị, đề xuất của Tòa án nhân dân các huyện, thành phố. Đồng thời, Trưởng Ban Pháp chế HĐND tỉnh đề nghị lãnh đạo các đơn vị tiếp tục sâu sát, quyết liệt hơn nữa trong công tác chỉ đạo và hướng dẫn chuyên môn thực hiện tốt công tác áp dụng pháp luật, bảo đảm thống nhất đúng quy định; kịp thời khắc phục những hạn chế, thiếu sót, khuyết điểm đã được chỉ ra; có giải pháp chủ động phòng ngừa các vi phạm có dấu hiệu tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động của Tòa án; hạn chế án bị hủy, sửa do lỗi chủ quan của Hội đồng xét xử; tăng cường trách nhiệm của người đứng đầu, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan tiến hành tố tụng và các cơ quan có liên trong quá trình giải quyết các vụ việc dân sự; nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ và thực hiện cải cách hành chính tư pháp; tăng cường công tác hòa giải và đối thoại tại Tòa án nhằm nâng cao hiệu quả giải quyết các vụ việc dân sự thông qua thỏa thuận của các bên./.
Một số hình ảnh Đoàn giám sát làm việc tại các đơn vị
Đoàn giám sát làm việc tại Tòa án nhân dân thành phố Hưng Yên
Đoàn giám sát làm việc tại Tòa án nhân dân huyện Ân Thi
Đoàn giám sát làm việc tại Tòa án nhân dân huyện Tiên Lữ
Phạm Thu Trang, phòng Thông tin-Dân nguyện