Cần lộ trình đánh thuế tiêu thụ đặc biệt với nước giải khát có đường
Sáng 22.11, thảo luận tại Tổ 12 (gồm Đoàn ĐBQH các tỉnh Hưng Yên, Ninh Bình, Quảng Bình, Bắc Kạn), Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh nêu rõ, với nhiều nước trên thế giới, thuế tiêu thụ đặc biệt thường hướng tới các sản phẩm hàng hóa có hại cho sức khỏe, môi trường hoặc các mặt hàng xa xỉ. Việt Nam cũng đang theo xu hướng chung của thế giới. Tuy nhiên, cần làm rõ, đánh giá kỹ lưỡng hơn và có lộ trình phù hợp, bởi có những sản phẩm vừa đóng góp thu ngân sách vừa phục vụ nhu cầu chính đáng con người.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh phát biểu tại phiên họp Tổ 12
Nên giãn thời gian tăng thuế với lộ trình hợp lý với sản phẩm bia, rượu
Góp ý vào dự án Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi), ĐBQH Nguyễn Mạnh Cường (Quảng Bình) cho biết, Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật đã quy định, khi ban hành một chính sách, đều phải lấy ý kiến tác động của các đối tượng chịu sự tác động của chính sách, pháp luật và chính sách của Đảng.
Vấn đề quan trọng là, người làm chính sách phải chắt lọc các ý kiến và phải công tâm, sáng suốt trên cơ sở thực tiễn và đề ra được chính sách đúng đắn vì lợi ích chung của đất nước, của người dân.
ĐBQH Nguyễn Mạnh Cường (Quảng Bình) phát biểu
"Do đó, việc tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với bia rượu cần cân nhắc, tính toán kỹ lưỡng, không nên tăng sốc mà cần giãn ra với lộ trình thời gian hợp lý để các doanh nghiệp chuyển đổi cơ cấu ngành nghề thì mới bảo đảm hiệu quả, mục tiêu thuế, bảo đảm sức khỏe nhân dân. Nhất là trong thời điểm doanh nghiệp sau Covid-19, sau bão, các doanh nghiệp ở thời điểm này đang rất yếu, cần sự hỗ trợ, thì lại đột ngột tăng thuế mạnh là chưa hợp lý và cũng sẽ ảnh hưởng đến các doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào Việt Nam lĩnh vực này" - đại biểu Nguyễn Mạnh Cường nhấn mạnh.
Có nên áp thuế tiêu thụ đặc biệt với đồ uống có đường?
Trong dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi), một trong những nội dung đáng chú ý là đề xuất bổ sung nước giải khát có đường theo Tiêu chuẩn Việt Nam có hàm lượng đường trên 5g/100ml vào đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt với mức thuế suất 10%.
Mục tiêu của đề xuất này, theo Bộ Tài chính, là nhằm giảm tình trạng thừa cân, béo phì và các bệnh không lây nhiễm khác thông qua thay đổi hành vi của người tiêu dùng và khuyến khích nhà sản xuất giảm đường trong sản phẩm. Tuy nhiên, nhiều đại biểu vẫn còn băn khoăn về tính hiệu quả của đề xuất này. Liệu áp thuế đối với nước giải khát có đường có làm giảm thừa cân, béo phì hay không và giảm ở mức độ nào?
Bởi theo các đại biểu, qua các nghiên cứu khoa học của các cơ quan dinh dưỡng cũng như của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và Bộ Y tế đều chỉ ra rằng có nhiều nguyên nhân gây ra thừa cân, béo phì như thiếu cân bằng dinh dưỡng, tiêu thụ nhiều thực phẩm có hàm lượng calo cao, bệnh di truyền, và thiếu vận động thể chất. Trong đó, việc nạp nhiều năng lượng vào cơ thể qua đồ ăn, thức uống và thiếu vận động thể chất là những nguyên nhân chính.
Toàn cảnh phiên họp
Theo một nghiên cứu về thực trạng và thói quen ăn uống của trẻ em do Viện Dinh dưỡng quốc gia thực hiện năm 2017 cho thấy, tỷ lệ học sinh ở khu vực nông thôn tiêu thụ các loại thực phẩm có đường, bao gồm cả đồ uống có đường cao hơn so với trẻ em ở thành thị, nhưng trẻ em nông thôn lại có tỷ lệ thừa cân, béo phì thấp hơn trẻ em ở khu vực thành thị. Khảo sát cũng chỉ ra rằng, trẻ em khu vực nông thôn có tần suất vận động và hoạt động thể lực nhiều hơn so với trẻ em ở thành thị.
Ngoài ra, hiện nay có rất nhiều loại đồ uống có chứa đường mà không thể thu thuế như: các loại nước uống đường phố, chè, trà sữa và các đồ uống tự pha chế tại chỗ rất phổ biến trong các quán cà phê vỉa hè.
Vì vậy, việc áp dụng thuế tiêu thụ đặc biệt có thể làm giảm tiêu thụ đồ uống có đường, nhưng không nhất thiết dẫn đến hệ quả là giảm tỷ lệ thừa cân, béo phì và các bệnh không lây nhiễm khác. Nếu muốn đạt mục tiêu giảm lượng tiêu thụ đường, có thể nghiên cứu việc đánh thuế trực tiếp vào đường, đại biểu Nguyễn Mạnh Cường nói.
ĐBQH Trần Thị Hồng Thanh (Ninh Bình) phát biểu
Đồng tình với quan điểm cần tăng thuế đối với các sản phẩm đồ uống có đường, nhưng theo ĐBQH Trần Thị Hồng Thanh (Ninh Bình), cần đánh giá kỹ lưỡng và toàn diện về tính hiệu quả của việc bổ sung mặt hàng nước giải khát có đường theo tiêu chuẩn Việt Nam vào đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt để tránh vướng mắc khi thực hiện và bảo đảm chính sách thuế này sẽ đạt được mục đích bảo vệ sức khỏe cho người dân. Đồng thời, cần xác định lộ trình phù hợp và rõ ràng để các doanh nghiệp có thời gian điều chỉnh và thích nghi, tránh ảnh hưởng quá lớn đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.
Tiếp thu, ghi nhận thêm ý kiến các chuyên gia, nhà khoa học
Phát biểu tại phiên thảo luận tổ, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh nêu rõ, dự án Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt và dự án Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi) là luật chuyên ngành nên ngoài các ý kiến ĐBQH đóng góp thì ban soạn thảo cần tiếp thu, ghi nhận thêm ý kiến chuyên gia và nhà khoa học để hoàn thiện.
Đối với dự án Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi), cơ bản đồng tình với quan điểm và cách đặt vấn đề của cơ quan soạn thảo, Phó Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, thuế tiêu thụ đặc biệt nhiều nước trên thế giới thường hướng tới các sản phẩm hàng hóa có hại cho sức khỏe, môi trường hoặc các mặt hàng xa xỉ, qua đó điều tiết hành vi tiêu dùng và có đóng góp cho thu ngân sách nhà nước. Việt Nam cũng đang theo xu hướng chung của thế giới. Tuy nhiên, cần làm rõ và đánh giá kỹ lưỡng hơn vì có những sản phẩm vừa đóng góp thu ngân sách nhà nước vừa phục vụ nhu cầu con người.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh phát biểu tại phiên thảo luận Tổ 12
Tại Khoản 1, Điều 2 quy định, thuế tiêu thụ đặc biệt đối với thuốc lá cần rà soát các loại hình quy định là thuốc lá với quy định trong Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá làm sao cho tương đồng. Bởi đến nay xuất hiện thuốc lá mới nên cần rà soát để quy định cho phù hợp.
Về đề xuất bổ sung nước giải khát có đường theo Tiêu chuẩn Việt Nam có hàm lượng đường trên 5g/100ml vào đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt, Phó Chủ tịch Quốc hội đồng tình với nhiều ý kiến đại biểu cho rằng, đây không là nguyên nhân duy nhất gây ra thừa cân, béo phí, nhưng nếu lạm dụng thì cũng không tốt cho sức khỏe.
Thực tế, chưa có tài liệu khoa học nào chứng minh hay đưa ra tỷ lệ phần trăm mắc một số bệnh khi thường xuyên dùng nước giải khát có đường.
Do đó, việc đưa nước giải khát có đường vào đánh thuế tiêu thụ đặc biệt cần có lộ trình về thời gian và lộ trình đánh thuế phù hợp để doanh nghiệp, người dân có thời gian làm quen, chuẩn bị; đồng thời bảo đảm hài hòa hoạt động sản xuất trong nước.
Danh sách bình luận