PHIÊN HỌP CỦA BAN CHỈ ĐẠO VỀ XÂY DỰNG ĐỀ ÁN “ĐỔI MỚI CƠ CHẾ BẦU CỬ ĐBQH VÀ ĐẠI BIỂU HĐND CÁC CẤP”
Sáng 20/2, tại Nhà Quốc hội, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Thường trực Đảng đoàn Quốc hội, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn - Trưởng Ban Chỉ đạo Đề án Đổi mới công tác bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng Nhân dân đã chủ trì phiên họp đầu tiên của Ban Chỉ đạo đề án.
Toàn cảnh phiên họp
Tham dự phiên họp có: Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Đảng đoàn Quốc hội, Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh - Phó Trưởng Ban chỉ đạo; Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Trương Thị Ngọc Ánh - Phó Trưởng Ban chỉ đạo cùng các thành viên Ban Chỉ đạo, Tổ soạn thảo, tổ giúp việc.
Phát biểu mở đầu phiên họp, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho biết, để chuẩn bị cho cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội Khóa XVI và đại biểu Hội đồng Nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2026 - 2031, Ban Chấp hành Trung ương đã ban hành Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 9/11/2022 về tiếp tục hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới và Bộ Chính trị đã ban hành Kế hoạch số 11-KH/TW ngày 28/11/2022 về thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ Sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng Khóa XIII về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới. Theo đó, Đảng đoàn Quốc hội đã thành lập Ban Chỉ đạo và Ban Chỉ đạo đã thành lập Tổ soạn thảo xây dựng Đề án Đổi mới công tác bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp.
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn - Trưởng Ban Chỉ đạo Đề án
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội nêu rõ, Đảng đoàn Quốc hội xác định đổi mới công tác bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng Nhân dân nhằm tiếp tục thể chế hóa các quan điểm của Đảng về hoàn thiện Nhà nước pháp quyền, mở rộng và phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa, đồng thời là giải pháp quan trọng để lựa chọn được những đại biểu thực sự xứng đáng đại diện cho Nhân dân, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các cơ quan dân cử. Quá trình triển khai xây dựng Đề án, Ban Chỉ đạo đã chỉ đạo Tổ soạn thảo xây dựng đề cương, gửi xin ý kiến Lãnh đạo Quốc hội, các thành viên Ban Chỉ đạo, Tổ soạn thảo; xây dựng Kế hoạch chi tiết triển khai xây dựng Đề án; xây dựng kế hoạch chi tiết triển khai xây dựng Đề án; xây dựng kế hoạch tổng kết Luật Bầu cử và gửi công văn đến các bộ, ban, ngành, các cơ quan hữu quan và các địa phương đề nghị tổng kết thi hành Luật Bầu cử; triển khai nghiên cứu các chuyên đề và xây dựng dự thảo Đề án; tổ chức cuộc họp với các chuyên gia nhằm xin ý kiến góp ý cho Đề án; gửi xin ý kiến các cơ quan của Quốc hội, các cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Nhằm tiếp tục hoàn thiện Đề án bảo đảm chất lượng và tiến độ, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội đề nghị, các đại biểu góp ý kiến về nội dung của Đề án; trong đó, tập trung vào các giải pháp chính nhằm đổi mới công tác bầu cử, hướng tới nâng cao hơn nữa chất lượng đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân, bảo đảm Quốc hội thực sự là cơ quan đại diện, cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất và Hội đồng Nhân dân là cơ quan quyền lực Nhà nước ở địa phương, đóng góp xứng đáng vào công cuộc đổi mới toàn diện đất nước.
Các đại biểu tham gia phát biểu ý kiến
Tại cuộc họp, các thành viên Ban chỉ đạo và Tổ soạn thảo đã tập trung thảo luận, góp ý kiến dự thảo Đề án về các nội dung: thực trạng cơ chế bầu cử đại biểu Quốc hội và bầu cử đại biểu Hội đồng Nhân dân các cấp từ năm 2013 đến nay; về quan điểm, mục tiêu đổi mới công tác bầu cử và các giải pháp nhằm đổi mới cơ chế bầu cử.
Phát biểu kết luận phiên họp, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội cho rằng, cơ bản ý kiến của các thành viên Ban Chỉ đạo xây dựng Đề án đều thống nhất với nội dung dự thảo Đề án. Các đại biểu đã nêu nhiều vấn đề, nhiều ý kiến xác đáng. Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội cũng cho biết, theo kế hoạch triển khai xây dựng Đề án, dự kiến tháng 3 tới sẽ báo cáo Đảng đoàn Quốc hội về Đề án, tháng 6 tới sẽ trình Đảng đoàn Quốc hội báo cáo Bộ Chính trị thông qua và ban hành Kết luận về Đề án. Thời gian không còn nhiều, do đó, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội đề nghị, Thường trực Ban Chỉ đạo bám sát kế hoạch, tiến độ triển khai xây dựng Đề án.
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu kết luận
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội cũng đề nghị, Thường trực Ban Chỉ đạo tiếp thu tối đa ý kiến góp ý của các thành viên Ban Chỉ đạo xây dựng Đề án phát biểu tại phiên họp cũng như các ý kiến của Thường trực Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội và Ban Dân nguyện gửi về nhằm tiếp tục hoàn thiện dự thảo Đề án. Tổ soạn thảo khẩn trương hoàn thiện ngay Báo cáo tổng kết thi hành Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng Nhân dân; nghiên cứu, chắt lọc đưa các nội dung cần thiết vào dự thảo Đề án, trong đó, cần bám sát Hiến pháp và các quy định của Đảng, nhất là Nghị quyết số 27-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ươngvà Nghị quyết 28-NQ/TW Hội nghị lần thứ Sáu của Ban Chấp hành Trung ương. Những vấn đề đã chín, đã rõ, được thực tế kiểm nghiệm, chứng minh thì đưa vào Đề án. Tổ soạn thảo nghiên cứu kỹ và đề xuất các giải pháp mới bảo đảm tính khả thi, phù hợp Hiến pháp và phù hợp với hệ thống pháp luật.
Trân trọng giới thiệu một số hình ảnh:
Quang cảnh phiên họp
Các đại biểu tại phiên họp
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội nêu rõ, Đảng đoàn Quốc hội xác định đổi mới công tác bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng Nhân dân nhằm tiếp tục thể chế hóa các quan điểm của Đảng về hoàn thiện Nhà nước pháp quyền
Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo Đề án phát biểu
Các thành viên Ban chỉ đạo và Tổ soạn thảo tập trung thảo luận, góp ý kiến dự thảo Đề án về các nội dung: thực trạng cơ chế bầu cử đại biểu Quốc hội và bầu cử đại biểu Hội đồng Nhân dân các cấp từ năm 2013 đến nay; về quan điểm, mục tiêu đổi mới công tác bầu cử và các giải pháp nhằm đổi mới cơ chế bầu cử.
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho biết, theo kế hoạch triển khai xây dựng Đề án, dự kiến tháng 3 tới sẽ báo cáo Đảng đoàn Quốc hội về Đề án, tháng 6 tới sẽ trình Đảng đoàn Quốc hội báo cáo Bộ Chính trị thông qua và ban hành Kết luận về Đề án.
Thời gian không còn nhiều, do đó, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội đề nghị, Thường trực Ban Chỉ đạo bám sát kế hoạch, tiến độ triển khai xây dựng Đề án.