Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hưng Yên thảo luận tại Tổ
Sáng ngày 16/01, các đại biểu Quốc hội đã tiến hành thảo luận tại Tổ về dự thảo Nghị quyết một số cơ chế, chính sách đặc thù thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia; việc bổ sung kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách Trung ương giai đoạn 2021-2025 từ nguồn dự phòng chung tương ứng với nguồn tăng thu ngân sách Trung ương năm 2022 cho các nhiệm vụ, dự án đầu tư công và bổ sung Kế hoạch đầu tư công trung hạn cho Tập đoàn điện lực Việt Nam từ nguồn dự phòng của Kế hoạch đầu tư công trung hạn.
Thảo luận về một số cơ chế, chính sách đặc thù thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia, đại biểu Quốc hội Đoàn Thị Thanh Mai phát biểu cho rằng đây là nội dung mà Quốc hội đã dành nhiều thời gian để Chính phủ chuẩn bị kỹ lưỡng và nhanh chóng, khẩn trương để xây dựng một bộ hồ sơ đầy đủ theo thể thức rút gọn trình tại kỳ họp bất thường này. Liên quan đến nguyên tắc thực hiện điều chỉnh dự toán ngân sách nhà nước và điều chỉnh kế hoạch vốn đầu tư hàng năm quy định tại điểm c, khoản 2, Điều 4 nếu quy định tỷ lệ giải ngân thấp thì phải quy định tỷ lệ giải ngân thấp đó là bao nhiêu và cơ sở để xác định trong một thời hạn là bao lâu. khoản 3, Điều 4 về việc ban hành trình tự, thủ tục, tiêu chí, mẫu hồ sơ lựa chọn dự án phát triển sản xuất, Chính phủ đã sửa lại là thống nhất giao cho UBND cấp tỉnh ban hành.
Về nội dung liên quan đến quản lý, sử dụng tài sản hình thành từ dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, theo đại biểu tại khoản 5, Điều 4 tài sản sẽ do cộng đồng quản lý. Nhiều địa phương có những dự án dưới năm trăm triệu đồng và muốn áp dụng thì cũng cần theo cả quy mô dự án. Khoản 7, Điều 4 về cơ chế thí điểm phân cấp cho cấp huyện trong quản lý, tổ chức thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia chỉ nên có một phương án đề nghị cho thí điểm ngay trong giai đoạn 2024-2025. Tiêu chí để lựa chọn huyện thực hiện thí điểm là ưu tiên những huyện đã hoàn thành nhiệm vụ, mục tiêu kế hoạch thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia cần phải cân nhắc thí điểm cho đối tượng nào phải làm rõ; cũng phải có những tiêu chí lựa rõ ràng hơn để có cơ chế để thí điểm và cân nhắc thêm về thời điểm ban hành chính sách này.
Đại biểu Quốc hội Đoàn Thị Thanh Mai phát biểu thảo luận tại Tổ
Tham gia thảo luận tại Tổ, đại biểu Quốc hội Phạm Đình Toản phát biểu: về bổ sung kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách Trung ương trên cơ sở nguồn tăng thu của năm 2022, nội dung này hằng năm đều có tăng thu ngân sách so với dự toán. Do vậy, cần bổ sung thêm những nội dung cho giai đoạn sắp tới, cần quy định nội dung bổ sung khi tăng thu theo tiêu thức cụ thể. Về chế độ chính sách, cơ chế đặc thù thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia, bản chất là việc tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đây chỉ là cụ thể hóa chính sách. Chúng ta nên thí điểm ngay, thực tế khó khăn, vướng mắc thì phải giải quyết ngay và luôn, nếu không sẽ mất nhiều chi phí cơ hội.
Về sử dụng tài sản hình thành từ việc hỗ trợ phát triển, theo đại biểu, không phải chỉ quy định về giá trị, làm sao có sự thiết thực, hiệu quả. Hỗ trợ những việc ngoài sức của người dân và cần có sự dẫn dắt, hỗ trợ từ các cơ quan quản lý. Những tài sản hỗ trợ mang tính chất có thể sử dụng dài lâu thì cần có bàn giao, cũng như đánh giá để theo dõi. Nên có một sự thống nhất khi giám sát, quyết định những việc thay đổi đó không nên đưa những nội dung ngắn hạn, nhỏ lẻ vào Nghị quyết, cần có thời hạn mang tính lâu dài, bền vững. /.
Cộng tác viên