Đại biểu Đoàn Thị Thanh Mai, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội chất vấn Bộ trưởng Bộ Tài chính
ĐBQH Đoàn Thị Thanh Mai, Đoàn ĐBQH tỉnh Hưng Yên
Theo chương trình kỳ họp, phiên chất vấn tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV được tiến hành trong thời gian 2,5 ngày, từ sáng hôm nay 06/11 đến hết sáng ngày 08/11/2023. Phiên chất vấn được phát thanh, truyền hình trực tiếp trên Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Truyền hình Quốc hội để cử tri và Nhân dân cả nước theo dõi, giám sát; phiên họp có sự tham gia dự thính của đại diện Thường trực một số Hội đồng nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Nội dung chất vấn tập trung về việc thực hiện một số nghị quyết của Quốc hội khóa XIV và từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV đến hết Kỳ họp thứ 4 về giám sát chuyên đề.
Sáng ngày 06/11, sau khi Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu khai mạc phiên chất vấn và trả lời chất vấn; Quốc hội nghe Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Báo cáo về việc thực hiện một số nghị quyết của Quốc hội khóa XIV về giám sát chuyên đề, chất vấn và nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề, chất vấn từ đầu nhiệm kỳ khóa XV đến hết Kỳ họp thứ 4; Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình trình bày Báo cáo về việc thực hiện một số nghị quyết của Quốc hội khóa XIV về giám sát chuyên đề, chất vấn và nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề, chất vấn từ đầu nhiệm kỳ khóa XV đến hết Kỳ họp thứ 4; Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao Lê Minh Trí trình bày Báo cáo về việc thực hiện một số nghị quyết của Quốc hội khóa XIV về giám sát chuyên đề, chất vấn và nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề, chất vấn từ đầu nhiệm kỳ khóa XV đến hết Kỳ họp thứ 4; Tổng Kiểm toán nhà nước Ngô Văn Tuấn trình bày Báo cáo về việc thực hiện một số nghị quyết của Quốc hội khóa XIV về giám sát chuyên đề, chất vấn và nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề, chất vấn từ đầu nhiệm kỳ khóa XV đến hết Kỳ họp thứ 4; Tổng Thư ký Quốc hội - Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường trình bày Báo cáo tổng hợp nội dung thẩm tra về việc thực hiện một số nghị quyết của Quốc hội khóa XIV về giám sát chuyên đề, chất vấn và nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề, chất vấn từ đầu nhiệm kỳ khóa XV đến hết Kỳ họp thứ 4; chất vấn các thành viên Chính phủ, Trưởng ngành về việc thực hiện một số nghị quyết của Quốc hội khóa XIV và từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV đến hết Kỳ họp thứ 4 về giám sát chuyên đề, chất vấn đối với các lĩnh vực: kế hoạch và đầu tư; tài chính; ngân hàng.
Đại biểu Đoàn Thị Thanh Mai, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, đại biểu Quốc hội tỉnh Hưng Yên khóa XV, chất vấn Bộ trưởng Bộ Tài chính về sắp xếp và xử lý trụ sở tài sản công của các đơn vị sau khi sắp xếp lại đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã cụ thể:
Thực hiện các nghị quyết Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã. Thời gian qua và sắp tới nhiều huyện, xã đã và sẽ được chia tách, sát nhập. Một trong những vấn đề được quan tâm khi thực hiện chủ trương trên là việc sắp xếp và xử lý đối với trụ sở, tài sản công của các đơn vị tại địa bàn sắp xếp đơn vị hành chính. Việc xử lý nhà đất khi sắp xếp lại đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã còn chậm, nhiều trụ sở còn bỏ trống gây lãng phí trong khi còn nhiều cơ quan từ Trung ương đến địa phương đang phải sử dụng chung nơi làm việc, nhiều trụ sở thì chật chội, xuống cấp, không đảm bảo điều kiện làm việc của công chức. Vì vậy, đại biểu xin Bộ trưởng cho biết thực trạng, nguyên nhân xảy ra tình trạng này, đồng thời Bộ Tài chính sẽ có giải pháp gì để giải quyết căn cơ về vấn đề này.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc trả lời câu hỏi chất vấn của đại biểu Đoàn Thị Thanh Mai như sau:
Việc quản lý tài sản công thuộc trách nhiệm, thẩm quyền của các cấp. Những tài sản công thuộc vào cơ quan Trung ương quản lý, ví dụ của các Bộ, ngành quản lý thì trách nhiệm Chính phủ, mà cơ quan tham mưu trực tiếp quản lý tài sản công là Bộ Tài chính và cơ quan trực tiếp quản lý tài sản công là các Bộ, ngành. Còn đa số tài sản công trực thuộc phạm vi quản lý của UBND tỉnh khi sắp xếp các huyện và xã thì thuộc quản lý của UBND cấp tỉnh, hiện nay theo chúng tôi nắm được xử lý được 90% tài sản công, còn 10% (gần 1.000 tài sản công) vẫn chưa được xử lý (trong đó khoảng 500 tài sản công đang bị bỏ không, lãng phí).
Nguyên nhân: khi chuyển tài sản công cho các cơ quan, đơn vị thì nhiều cơ quan, đơn vị ở địa bàn khác nhau không có nhu cầu; khi muốn định giá bán tài sản công thì khó khăn trong việc tìm cơ quan định giá, trong điều kiện trầm lắng cũng khó bán được tài sản công này; khi chuyển tài sản công này sang mục đích khác để tổ chức định giá thì trụ sở này được phê duyệt lại quy hoạch sử dụng đất, từ đất quản lý của nhà nước (UBND huyện, xã) sang đất sản xuất kinh doanh hoặc là đất phi nông nghiệp, cho thuê, bán và làm nhiều thủ tục phức tạp khác, vì vậy sẽ khó trong vấn đề này.
Tháng 09/2023, Bộ Tài chính đã ban hành hướng dẫn và văn bản đôn đốc. Sắp tới đây, Bộ sẽ làm việc với các đơn vị để hướng dẫn thêm về xử lý tài sản công đảm bảo đưa vào sử dụng, phát huy hiệu quả.
Chiều cùng ngày, Quốc hội tiếp tục chất vấn các thành viên Chính phủ, Trưởng ngành về việc thực hiện một số nghị quyết của Quốc hội khóa XIV và từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV đến hết Kỳ họp thứ 4 về giám sát chuyên đề, chất vấn đối với các lĩnh vực: kế hoạch và đầu tư; tài chính; ngân hàng, công thương; nông nghiệp và phát triển nông thôn; giao thông vận tải; xây dựng; tài nguyên và môi trường./
Thanh Thư, phòng CTQH (lược ghi)
Danh sách bình luận