Phát huy sức mạnh tổng hợp trong hoạt động giám sát
Với nhiều nỗ lực, cố gắng, đổi mới, thời gian qua, hoạt động giám sát của HĐND các cấp tỉnh Hưng Yên đã có nhiều chuyển biến rõ rệt. Hình thức, phương thức tổ chức giám sát được đổi mới, tăng cường các hoạt động khảo sát trước giám sát, kết hợp giám sát qua báo cáo và tăng cường giám sát thực địa.
Tăng cường giám sát thực địa
Theo Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Trần Thị Tuyết Hương, xác định giám sát là một trong những chức năng cơ bản của HĐND, là cơ sở để HĐND xem xét, quyết định những chủ trương, định hướng lớn đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, hàng năm, Thường trực HĐND tỉnh luôn xác định, lựa chọn, đưa nội dung giám sát vào trong Chương trình hoạt động trọng tâm của Thường trực, các Ban, Tổ đại biểu HĐND tỉnh. Từ khi triển khai thực hiện Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân đến nay, hoạt động giám sát của cơ quan dân cử các cấp trên địa bàn có nhiều chuyển biến rõ nét, ngày càng đi vào trọng tâm, trọng điểm; tập trung vào các lĩnh vực kinh tế - xã hội, thu - chi ngân sách, thực hiện nghị quyết của HĐND, những vấn đề còn tồn tại, hạn chế, khó khăn, chậm chuyển biến…
Thời gian qua, hình thức, phương thức tổ chức giám sát của HĐND tỉnh được đổi mới, tăng cường các hoạt động khảo sát trước giám sát, kết hợp giám sát qua báo cáo và tăng cường giám sát thực địa. Các Đoàn giám sát của HĐND, Thường trực, các Ban HĐND tỉnh đều có sự phối hợp tham gia của Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, các sở, ngành và được thực hiện với các hình thức phù hợp, tạo sự đa dạng. Qua đó, phát huy trí tuệ, kinh nghiệm và trình độ chuyên môn của các thành viên tham gia. Điểm mới trong hoạt động giám sát của HĐND tỉnh là sự chủ động phối hợp với Đoàn ĐBQH tỉnh. Việc hầu hết các Đoàn giám sát đều có sự tham gia của ĐBQH ứng cử tại tỉnh, tạo tiếng nói thống nhất, hiệu quả trên diễn đàn dân cử. Đồng thời, nâng cao chất lượng, hiệu quả giám sát, giúp cho HĐND quyết định những vấn đề quan trọng ở địa phương một cách phù hợp, sát thực tiễn, bảo đảm quyền và lợi ích của Nhân dân.
Theo đánh giá của các đại biểu HĐND tỉnh, các cuộc giám sát của Thường trực HĐND đã xác định đúng vấn đề, đúng trọng tâm, nội dung, đối tượng cần giám sát hơn; không để trùng lặp về nội dung, thời gian, đối tượng giám sát; tổ chức giám sát công khai, sát dân, sát cơ sở, có kết hợp giữa giám sát chuyên đề với giám sát thường xuyên và thực hiện tái giám sát đến cùng. Bên cạnh đó, các Ban HĐND tỉnh đã tăng cường giám sát chuyên đề theo hướng chọn các nội dung trọng tâm, các vấn đề bức xúc mà cử tri quan tâm và kịp thời báo cáo đề xuất Thường trực HĐND tại các cuộc họp giao ban hàng tuần, tháng để có sự chỉ đạo, định hướng…
Thường trực HĐND tỉnh làm việc với một số địa phương về tăng cường giám sát việc phân bổ và giải ngân vốn đầu tư công năm 2023. Ảnh T. Phương
Tạo sức mạnh tổng hợp từ hoạt động giám sát
Bên cạnh các kết quả đạt được, việc thi hành Luật Hoạt động giám sát trên địa bàn tỉnh Hưng Yên thời gian qua vẫn còn một số tồn tại, hạn chế, bất cập như: Sự phối hợp trong hoạt động giám sát của HĐND các cấp có lúc, có nơi chưa chặt chẽ, một số nội dung còn trùng lặp; một số điều kiện cần thiết bảo đảm cho hoạt động giám sát của HĐND chưa đáp ứng yêu cầu đặt ra, nhất là ở địa phương, cơ sở. Bên cạnh đó, hoạt động xem xét việc trả lời chất vấn của thành viên UBND mới chỉ tập trung tại kỳ họp, chưa tổ chức được nhiều phiên chất vấn, giải trình tại các Hội nghị của Thường trực HĐND. Việc tiếp thu, thực hiện các kiến nghị sau giám sát của các cơ quan chịu giám sát chưa thực sự nghiêm túc, đầy đủ do không có chế tài xử lý đối với tổ chức, cá nhân không thực hiện, thực hiện không đúng hoặc chậm thực hiện các kiến nghị giám sát của HĐND.
Tại Hội nghị tổng kết thi hành Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND do Thường trực HĐND tỉnh tổ chức, các đại biểu đã kiến nghị cần sửa đổi, bổ sung giải pháp nâng cao hiệu quả công tác phối hợp của MTTQ Việt Nam tỉnh với HĐND tỉnh trong hoạt động giám sát của HĐND tỉnh; kiến nghị xem xét đưa các nội dung cụ thể hóa hướng dẫn hoạt động giám sát tại các nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội vào trong Luật sửa đổi, bổ sung Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND nhằm tạo tính pháp lý và sự đồng bộ trong thực hiện; ban hành thống nhất trong toàn quốc quy định khung về chế độ, chính sách và các điều kiện bảo đảm hoạt động của HĐND các cấp và quy định chức danh Trưởng các Ban HĐND tỉnh là đại biểu hoạt động chuyên trách;…
Để tiếp tục thực hiện tốt hơn hoạt động giám sát của HĐND các cấp theo quy định, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Lê Xuân Tiến đề nghị các sở, ban, ngành, địa phương bám sát chủ trương, định hướng lãnh đạo của cấp ủy, bảo đảm sự lãnh đạo toàn diện của Đảng đối với hoạt động của HÐND nói chung, hoạt động giám sát nói riêng; lựa chọn nội dung để xây dựng và ban hành nghị quyết về chương trình giám sát hàng năm cho phù hợp với yêu cầu thực tiễn. Đồng thời, tiếp tục xây dựng đội ngũ cán bộ trong đó có các đại biểu HĐND các cấp có năng lực, tâm huyết, bảo đảm hoàn thành nhiệm vụ được nhân dân giao phó; bảo đảm các điều kiện cho hoạt động của HÐND mà trọng tâm là hoạt động giám sát bao gồm cơ sở vật chất, phòng làm việc, trang thiết bị làm việc…
Bên cạnh đó, UBND các cấp, các sở, phòng, ngành chuyên môn của UBND và đơn vị có liên quan thực hiện nghiêm, chấp hành đầy đủ các nội dung liên quan đến trách nhiệm và quyền của cơ quan, đơn vị chịu sự giám sát theo quy định tại Chương IV Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân; phối hợp chặt chẽ với HÐND, Thường trực, các Ban HĐND để hoạt động giám sát của HÐND thực sự là công cụ giúp cho việc thực thi đúng, đầy đủ trách nhiệm và quyền hạn của các cơ quan quản lý nhà nước theo quy định.
Thường trực, các Ban HĐND tỉnh và cấp huyện cũng tiếp tục tăng cường giám sát việc thực hiện các kiến nghị sau giám sát; đẩy mạnh thông tin tuyên truyền; tăng cường công tác phối hợp, tạo sức mạnh tổng hợp trong hoạt động giám sát; nâng cao tính pháp lý bằng việc ban hành nghị quyết về giám sát, chất vấn; nâng cao chất lượng chủ thể hoạt động giám sát và chất lượng hoạt động của đại biểu HĐND các cấp…
Danh sách bình luận