Khai mạc Phiên họp thứ 22 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội
Sáng 10.4, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã khai mạc Phiên họp thứ 22
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu khai mạc Phiên họp thứ 22 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Ảnh: Lâm Hiển
Phát biểu khai mạc Phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu rõ, theo chương trình công tác, trong tháng 4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội có 2 phiên là phiên họp thường kỳ tháng 4 và phiên họp chuyên đề về xây dựng pháp luật. Dự kiến, phiên họp thứ 22 được tổ chức trong 2 ngày với một số nhóm nội dung cơ bản.
Cụ thể, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024 và điều chỉnh chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023. Chủ tịch Quốc hội cho biết, khóa này công tác lập pháp được tiến hành hệ thống, bài bản trên cơ sở Kết luận số 19 của Bộ Chính trị và Kế hoạch số 81 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Trong 137 nhiệm vụ lập pháp trong kế hoạch đã thực hiện xong 111 nhiệm vụ, có 24 nhiệm vụ lập pháp đã được chuyển thành đề nghị xây dựng luật, pháp lệnh, nghị quyết trình Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét thông qua. Nhiều nhiệm vụ nghiên cứu, rà soát sẽ được tiếp tục đề xuất trong thời gian tới. Đáng lưu ý, tại Phiên họp thứ 22 sẽ có dự án Luật theo sáng kiến lập pháp của đại biểu Quốc hội Nguyễn Anh Trí (TP. Hà Nội) là dự án Luật Bản Dạng giới.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu tại phiên họp. Ảnh: Lâm Hiển
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng sẽ cho ý kiến đối với Báo cáo của Đoàn giám sát của Quốc hội về "Việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng chống dịch Covid - 19; việc thực hiện chính sách pháp về y tế cơ sở, y tế dự phòng". Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng sẽ cho ý kiến để trình Quốc hội lựa chọn, quyết định các chuyên đề giám sát tối cao trong năm 2024.
Tại Phiên họp thứ 22, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng sẽ cho ý kiến về kết quả Kỳ họp bất thường lần thứ Tư và việc chuẩn bị cho Kỳ họp thứ Năm, Quốc hội Khóa XV. Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, Kỳ họp thứ Năm là kỳ họp hết sức quan trọng, trọng tâm là công tác lập pháp. Quốc hội sẽ xem xét, cho ý kiến với tổng số 20 dự án luật và dự thảo nghị quyết, số lượng gấp đôi so với các Kỳ họp bình thường. Chủ tịch Quốc hội lưu ý các cơ quan soạn thảo và cơ quan liên quan bảo đảm tiến độ chuẩn bị và gửi hồ sơ các dự án luật.
Trong số các dự luật trên đã có 6 dự án luật được Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ Tư và vừa qua được chuẩn bị rất kỹ lưỡng, trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách về cơ bản đạt được sự đồng thuận giữa cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra, đại biểu Quốc hội chuyên trách đánh giá cao. Đặc biệt tại Kỳ họp thứ Năm, Quốc hội sẽ cho ý kiến lần thứ hai đối với dự án Luật Đất đai (sửa đổi) sau khi được tiếp thu, hoàn thiện theo ý kiến đại biểu Quốc hội tại Kỳ họp thứ Tư và lấy ý kiến nhân dân.
Tại Kỳ họp thứ Năm, Quốc hội sẽ xem xét, đánh giá bổ sung tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của năm 2022, kết quả sơ bộ và tình hình triển khai kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của năm 2023 và nhiều vấn đề quan trọng khác.
Dự kiến thời gian của Kỳ họp thứ Năm khá dài, Chủ tịch Quốc hội đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến cụ thể về cách bố trí thời gian, cách thức tổ chức kỳ họp để có được kết quả tốt nhất.
Về nhóm vấn đề thuộc thẩm quyền quyết định của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, tại phiên họp này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ xem xét báo cáo tổng hợp kết quả giám sát văn bản quy phạm pháp luật thuộc lĩnh vực phụ trách của Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội. Theo đó, tại phiên họp tháng 4 hàng năm, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến về kết quả giám sát này.
Toàn cảnh khai mạc Phiên họp thứ 22 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Ảnh: Lâm Hiển
"Đây sẽ là hoạt động giám sát thường xuyên. Với việc ban hành Nghị quyết 560 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội - Bộ cẩm nang để hướng dẫn tổ chức thực hiện giám sát văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban Quốc hội, tại Phiên họp thứ 22 sẽ có Báo cáo tổng hợp về vấn đề này và Báo cáo có sử dụng cả kết quả rà soát của các cơ quan có liên quan như Mặt trận Tổ quốc quốc Việt Nam, Tòa án, Viện Kiểm sát, Bộ Tư pháp… Từ đó, sẽ đưa hoạt động giám sát văn bản quy phạm pháp luật đi vào nền nếp, tăng cường việc hoàn thiện, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam, với tinh thần thượng tôn pháp luật”, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng sẽ cho ý kiến về việc cho phép sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ để phát hiện vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản; xem xét, quyết định phương án phân công cơ quan chủ trì soạn thảo và cơ quan chủ trì thẩm tra dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân. Đồng thời, theo thường lệ tại phiên họp này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ xem xét công tác dân nguyện của Quốc hội trong tháng 3. Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, đây là bước quan trọng để chuẩn bị cho Báo cáo công tác dân nguyện trình Quốc hội tại Kỳ họp tháng 5 tới.
Danh sách bình luận