Dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) Có nên quy định nhà ở xã hội chỉ cho thuê, không được mua bán?
Thảo luận về dự án Luật Nhà ở (sửa đổi) tại hội trường sáng 19.6, một số đại biểu Quốc hội đề nghị, chỉ áp dụng hình thức cho thuê đối với nhà ở xã hội. Nếu thực hiện theo hướng này sẽ không xảy ra tình trạng người có thu nhập cao tranh mua, thuê nhà ở xã hội với người có thu nhập thấp, không tạo ra sự bất bình đẳng xã hộ
Tránh việc người thu nhập cao tranh mua với người thu nhập thấp
Chính sách về nhà ở xã hội để bán, cho thuê, cho thuê mua là một trong 8 nhóm chính sách quan trọng trong sửa đổi Luật Nhà ở lần này. Chính sách trên được thể hiện trong các quy định chung và Chương VI của dự thảo Luật. Tuy nhiên, theo ĐBQH Nguyễn Văn Hiển (Lâm Đồng), chính sách này thể hiện trong dự thảo Luật chưa thực sự trúng và xử lý đúng vướng mắc từ thực tiễn, vì đang đi theo hướng cố gắng bảo đảm cho người có thu nhập nhấp và đối tượng chính sách có quyền sở hữu nhà ở xã hội.
Đại biểu Nguyễn Văn Hiển (Lâm Đồng) phát biểu tại hội trường.
Chính sách và quy định trong dự thảo Luật theo hướng bảo đảm cho người dân có quyền sở hữu ở nhà ở xã hội, song, thực tế những người thu nhập thấp ở khu vực đô thị chủ yếu là công nhân, người mới đi làm có thu nhập thấp hơn dưới mức trung bình, trong khi nhà ở là tài sản là quá lớn, quá sức với với họ. Chỉ ra thực tế này, đại biểu Nguyễn Văn Hiển cho rằng, nếu cứ gắn với mục tiêu này sẽ dễ dẫn đến hệ quả là người dân sẽ "khai man" các điều kiện về thu nhập, diện tích... để được hưởng lợi từ việc mua nhà ở với giá thấp, hoặc người có tiền mượn tên công nhân để đăng ký mua, dẫn đến hiện tượng "đầu cơ", làm cho chính sách về nhà ở xã hội không phục vụ đúng đối tượng, mất đi ý nghĩa nhân văn.
Bên cạnh đó, đại biểu cũng đưa ra vướng mắc đang nổi lên trong thực hiện chính sách phát triển nhà ở để bán, cho thuê, cho thuê mua hiện hành là không tách bạch chính sách nhà ở xã hội với chính sách quản lý, vận hành nhà ở xã hội, quá chú trọng đến ưu đãi dành cho bên cung, tức là cơ chế cho nhà đầu tư, hơn là ưu đãi dành cho bên cầu, tức là người có thu nhập thấp. Nhiều nội dung tại dự thảo Luật đều tăng cường tạo điều kiện, tháo gỡ vướng mắc cho chủ đầu tư.
Đành rằng chủ đầu tư gặp nhiều khó khăn, nhưng theo đại biểu, nhìn vào bức tranh chung sẽ thấy sự chênh lệch ưu đãi giữa bên cung và bên cầu, trong khi doanh nghiệp được ưu đãi về lãi suất, thời gian vay dài, được miễn thuế, giảm thuế, tiếp cận đất đai, thì người mua nhà được ưu đãi lớn nhất là mức giá thấp, mà giá thấp thì lại dẫn đến những hệ quả như nêu ở trên. Hệ quả của chính sách không công bằng này, theo đại biểu, là chủ đầu tư thường lựa chọn phân khúc dễ làm hơn là đầu tư xây dựng và bán nhà ở xã hội để thu hồi vốn nhanh, hơn là phân khúc vận hành, quản lý, cho thuê nhà ở xã hội, vì khó làm và thu hồi vốn chậm.
Đại biểu Nguyễn Lâm Thành (Thái Nguyên) phát biểu tại hội trường.
Tham khảo kinh nghiệm của nhiều nước, các ĐBQH Nguyễn Văn Hiển (Lâm Đồng), Nguyễn Lâm Thành (Thái Nguyên)... cũng cho rằng, chính sách phát triển nhà ở xã hội cần hướng tới các mục tiêu rõ ràng và khả thi hơn. Nhà ở xã hội phải được điều chỉnh theo hướng tăng nhà ở cho thuê, nguồn hỗ trợ của ngân sách Nhà nước được phân chia phù hợp cho cả ba bên chủ đầu tư, cơ quan quản lý vận hành và người dân. Thậm chí, theo đại biểu Nguyễn Lâm Thành, dự thảo Luật cần làm rõ, sâu sắc hơn về nội dung chính sách cho từng loại hình đối tượng, đáp ứng yêu cầu chung phát triển kinh tế - xã hội. Trong đó, cần xác định rõ và đúng, thống nhất nội hàm nhà ở xã hội, tránh quan điểm "bất thành văn" nhà ở xã hội là nhà ở cho đối tượng loại 2, vì giá rẻ sẽ đi cùng với chất lượng kém, không bảo đảm các điều kiện sử dụng cho người dân.
Cho rằng nên sửa đổi khái niệm nhà ở xã hội như dự thảo Luật, nhà ở xã hội chỉ áp dụng hình thức cho thuê, không quy định hình thức mua, cho thuê mua, đại biểu Nguyễn Văn Hiển lý giải, kinh nghiệm của nhiều nước cho thấy, nếu quan niệm như vậy sẽ không xảy ra tình trạng người có thu nhập cao tranh mua, thuê nhà ở xã hội với người có thu nhập thấp, không tạo ra sự bất bình đẳng xã hội. Việc quy định tách riêng về nhà giá rẻ với nhà ở xã hội cũng sẽ hợp lý hơn, vì nhà giá rẻ có thể mua và cho thuê, và bản chất là nhà thương mại, nhà ở xã hội thì chỉ nên để cho thuê. Và, có như vậy, người dân, nhất là người có thu nhập thấp ở đô thị mới có hy vọng được tiếp cận, nhở xã hội, đại biểu Nguyễn Văn Hiển nhấn mạnh.
Sẽ khó thu hút nhà đầu tư khi phải "bỏ tiền chẵn, thu tiền lẻ"
Cho rằng đề xuất phát triển nhà ở xã hội theo hướng chỉ để cho thuê là hợp lý, song ĐBQH Ngô Trung Thành (Đắk Lắk) lưu ý, giải pháp này để thực hiện được thì Nhà nước phải bỏ ra một nguồn lực rất lớn, và nếu vậy sẽ vượt quá khả năng thực tế. Đối với nhà đầu tư, việc "bỏ tiền chẵn ra rồi thu tiền lẻ về" cũng sẽ rất khó thu hút được đầu tư, như tình trạng đã xảy ra thời gian qua. Đại biểu Ngô Trung Thành cũng đưa ra nghịch lý, dù nhà ở xã hội có rất nhiều ưu đãi nhưng không phát triển nhiều, thì nhà ở cho thuê do hộ gia đình, cá nhân đầu tư không có bất kỳ sự ưu đãi, hỗ trợ nào song lại phát triển rất nhanh, đã và đang bảo đảm cung ứng chỗ ở cho phần lớn người lao động.
Đại biểu Ngô Trung Thành (Đắk Lắk) phát biểu tại hội trường.
Do vậy, để tạo điều kiện mọi người dân đều có chỗ ở như quy định của Hiến pháp, đại biểu Ngô Trung Thành cho rằng, bên cạnh chính sách phát triển nhà ở xã hội, nhà ở giá rẻ, nhà lưu trú cho công nhân, thì sửa đổi Luật Nhà ở lần này cần quy định rõ ràng, cụ thể chính sách phát triển nhà ở cho thuê do hộ gia đình, cá nhân đầu tư xây dựng để tương xứng với vai trò, đóng góp của loại hình này trong bảo đảm chỗ ở cho người dân.
Tranh luận với quan điểm nêu trên, ĐBQH Trần Hoàng Ngân (TP. Hồ Chí Minh) cho rằng, nếu chúng ta tập trung xây dựng nhà ở xã hội để bán, cho thuê, cho thuê mua, thì thực tế đã cho người lao động không có khả năng tài chính có thể mua, làm chủ sở hữu căn nhà, và đòi hỏi Nhà nước cần phải đầu tư vào lĩnh vực này. Đối với lo ngại về nguồn lực thực hiện chính sách này, đại biểu Trần Hoàng Ngân gợi mở, các cơ quan chức năng có thể tiến hành rà soát những diện tích đất công và tài sản công đang để hoang phí. Ngay tại TP. Hồ Chí Minh, cử tri cũng bức xúc về những tài sản này.
Đại biểu Trần Hoàng Ngân (TP. Hồ Chí Minh) phát biểu tại hội trường.
Theo đại biểu Trần Hoàng Ngân, nếu Chính phủ tiến hành rà soát và Quốc hội giám sát, chúng ta sẽ có thêm nguồn lực tài chính rất lớn để đầu tư xây dựng nhà cho thuê với công nhân - một nhu cầu rất cấp thiết hiện nay. Tuy nhiên, đại biểu cũng tán thành với quan điểm cần bổ sung các quy định chuẩn hóa với loại hình nhà cho thuê do hộ gia đình, cá nhân đầu tư xây dựng trong dự thảo Luật.
Các đại biểu cũng đề nghị, cần rà soát quy định về đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ về nhà ở xã hội quy định tại Điều 73, dự thảo Luật - vấn đề được rất nhiều người dân, doanh nghiệp, nhà đầu tư quan tâm. Bởi, việc phân chia các đối tượng được hỗ trợ về nhà ở tại Điều 73 chưa thực sự phù hợp, khi có quá nhiều đối tượng được liệt kê và một số đối tượng có sự tương đồng, như đối tượng hộ nghèo, hộ cận nghèo...
Danh sách bình luận