Dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) Giảm tỷ lệ cổ phần của cổ đông lớn có giảm tỷ lệ sở hữu chéo ngân hàng không?
Để ngăn chặn tình trạng sở hữu chéo, gây nhiều hệ lụy cho hệ thống ngân hàng, dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) cần tiếp tục hoàn thiện nhiều nội dung. Trong đó, có các quy định về những cá nhân, tổ chức là cổ đông của ngân hàng; công bố thông tin; quản trị ngân hàng; cơ chế thanh tra, giám sát
Toàn cảnh phiên họp
Đây là khuyến nghị của nhiều chuyên gia khi tham dự Hội thảo về dự án Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) do Ủy ban Kinh tế phối hợp với Ngân hàng Nhà nước, Viện Konrad - Adenauer - Stiftung (KAS) Việt Nam tổ chức.
Giảm tỷ lệ sở hữu cổ phần chưa thể ngăn chặn hữu hiệu sở hữu chéo
Thông qua thực hiện các đề án tái cơ cấu và xử lý nợ xấu hệ thống tổ chức tín dụng của Chính phủ thời gian qua, tình trạng đầu tư, sở hữu chéo và sở hữu có tính chất thao túng, chi phối trong các tổ chức tín dụng có liên quan từng bước được xử lý nghiêm túc. Tại Điều 55, Luật Các tổ chức tín dụng hiện hành đã quy định về tỷ lệ sở hữu cổ phần đối với cổ đông là cá nhân (không vượt quá 5% vốn điều lệ của một tổ chức tín dụng), tổ chức (không vượt quá 15% vốn điều lệ), cổ đông và người có liên quan của cổ đông đó (không được sở hữu cổ phần vượt quá 20% vốn điều lệ), cổ đông lớn của một tổ chức tín dụng và người có liên quan của cổ đông đó (không được sở hữu cổ phần từ 5% trở lên vốn điều lệ của của một tổ chức tín dụng khác). Quy định này được đưa ra nhằm góp phần ngăn chặn hiện tượng sở hữu chéo, sở hữu có tính chất chi phối, thao túng trong các tổ chức tín dụng.
Tuy nhiên, theo đánh giá của Ngân hàng Nhà nước, việc kiểm soát sở hữu của cổ đông lớn và người có liên quan của cổ đông lớn rất khó khăn trong trường hợp cổ đông lớn và người có liên quan cố tình che giấu, nhờ cá nhân/tổ chức khác đứng tên hộ cổ phần sở hữu để "lách" quy định của pháp luật về sở hữu chéo/sở hữu vượt mức quy định hoặc "lách" quy định về giới hạn cấp tín dụng về nhóm khách hàng liên quan, tỷ lệ sở hữu cổ phần của cổ đông và người có liên quan. Điều này tiềm ẩn nguy cơ hoạt động của tổ chức tín dụng thiếu công khai, minh bạch, và chỉ có thể phát hiện, nhận diện thông qua công tác điều tra, xác minh của cơ quan điều tra theo quy định của pháp luật.
Bên cạnh đó, quy mô vốn điều lệ của tổ chức tín dụng cổ phần đã lớn hơn rất nhiều so với thời điểm cuối năm 2010, nên giá trị tuyệt đối của 3%, 10%, 15% vốn điều lệ của các ngân hàng thương mại cổ phần hiện đều lớn hơn nhiều so với giá trị tuyệt đối của 5%, 15%, 20% vốn điều lệ tại thời điểm cuối năm 2010. Do vậy, theo đại diện Ngân hàng Nhà nước, cần thiết giảm tỷ lệ sở hữu để giảm thiểu rủi ro chi phối hoạt động của tổ chức tín dụng, góp phần bảo đảm nguồn tiền sử dụng để góp vốn, mua cổ phần của ngân hàng thương mại cổ phần là nguồn tiền của chính cổ đông. Thực tiễn thời gian qua cho thấy, hiện tượng các cổ đông lớn và người có liên quan của tổ chức tín dụng có những hành vi chi phối hoạt động quản trị, điều hành, dẫn đến rủi ro trong hoạt động của tổ chức tín dụng.
Tại dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) đã đưa ra nhiều quy định bổ sung để ngăn chặn tình trạng nêu trên, trong đó có sửa đổi, bổ sung quy định về giới hạn tỷ lệ sở hữu cổ phần của cổ đông theo hướng giảm tỷ lệ sở hữu tối đa của một cổ đông, một cổ đông và người có liên quan để tăng tính đại chúng. Theo đó, tỷ lệ sở hữu tối đa của một cá nhân từ mức 5% vốn điều lệ ngân hàng sẽ giảm xuống còn 3%. Sở hữu của một cổ đông là tổ chức giảm từ mức 15% hiện tại xuống còn 10%, của nhóm cổ đông và người liên quan cũng được đề xuất giảm từ 20% xuống 15%.
Theo TS. Hồ Quốc Tuấn, Giảng viên cao cấp, chuyên ngành tài chính - kế toán, Đại học Bristol, việc giới hạn tỷ lệ sở hữu cổ phần của cổ đông theo hướng giảm tỷ lệ sở hữu tối đa của một cổ đông và người có liên quan để tăng tính đại chúng, chưa chắc đã ngăn chặn được tình trạng sở hữu chéo. Trên thực tế, nhiều trường hợp sở hữu chéo trong ngân hàng thương mại cổ phần là những cổ đông nắm số cổ phần không vượt quá tỷ lệ theo quy định của Luật hiện hành. Trong khi đó, quy định giảm tỷ lệ sở hữu cổ phần trong tổ chức tín dụng có nguy cơ khiến dòng vốn nước ngoài “chạy” sang các quốc gia khác và những người sở hữu chính đáng cũng sẽ bị ảnh hưởng. Do vậy, theo TS. Hồ Quốc Tuấn, vấn đề quan trọng là quản trị ngân hàng, và cần tiếp tục hoàn thiện, nghiên cứu bổ sung các quy định để làm chắc hơn nội dung này tại dự thảo Luật.
Cần sửa quy định về người liên quan và công bố thông tin
Phó Chủ tịch phụ trách Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia Vũ Như Thăng nêu thực tế, Luật Các tổ chức tín dụng hiện hành đã quy định các tỷ lệ về giới hạn sở hữu cổ phần của các cá nhân, tổ chức và người có liên quan nhằm tăng sự an toàn trong hoạt động của tổ chức tín dụng. Tuy nhiên, các cổ đông có thể đã sử dụng nhiều cách thức, thông qua các mối quan hệ không bị giới hạn theo quy định tại Luật để gián tiếp gia tăng tỷ lệ sở hữu cổ phần thực tế và nắm quyền chi phối tại các định chế tài chính/ tổ chức tín dụng. Trong đó, có hình thức cổ đông sử dụng mô hình “cá nhân và công ty TNHH một thành viên do cá nhân đó làm chủ” hoặc “cá nhân và công ty cổ phần chưa niêm yết với tỷ lệ sở hữu cổ phần của cá nhân đó trên 65%". Thông qua người có liên quan và mối quan hệ thành viên gia đình, họ đã không bị giới hạn bởi quy định của "người có liên quan" tại Luật Các tổ chức tín dụng hiện hành.
Cũng theo ông Vũ Nhữ Thăng, việc các cổ đông cá nhân tăng sở hữu thực tế thông qua mối quan hệ thành viên gia đình là hàng cháu đã tránh được các quy định về người có liên quan, cũng như không phải công khai thông tin của các cổ đông “hàng cháu”. Điều này dẫn đến không bảo đảm được tính minh bạch trong hoạt động ngân hàng, gây khó khăn trong hoạt động quản lý, kiểm tra, giám sát quyền “chi phối” thực sự của ngân hàng. Một số trường hợp như đứng tên hộ, sử dụng “công ty bình phong”… chỉ có thể được phát hiện và nhận diện thông qua công tác điều tra, xác minh của cơ quan điều tra.
Với những lý do nêu trên, ông Vũ Nhữ Thăng cho rằng, việc quy định giảm tỷ lệ sở hữu tối đa của một cổ đông là một cá nhân, tổ chức, nhóm cổ đông liên như quy định của dự thảo Luật sẽ không có nhiều ý nghĩa để hạn chế sở hữu chéo. Để hạn chế sở hữu chéo trong hệ thống ngân hàng, ông Vũ Như Thăng nhấn mạnh, yếu tố hàng đầu là phải xác định được cá nhân/tổ chức là chủ sở hữu thực sự của ngân hàng. Nói cách khác, khuôn khổ pháp lý cần thiết kế nhằm xác định được cá nhân/tổ chức nắm quyền chi phối, ảnh hưởng đến việc ra quyết định trong hoạt động của ngân hàng đó, tức là làm minh bạch thông tin của tất cả các cá nhân, tổ chức là cổ đông của ngân hàng thương mại cổ phần, trong đó có làm rõ đối tượng “người có liên quan” trong dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi).
Từ góc nhìn khác, TS. Lê Xuân Nghĩa - Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia nêu vấn đề, nếu chỉ dừng ở các quy định về tỷ lệ sở hữu cổ phần, minh bạch thông tin của cổ đông ngân hàng thương mại cổ phần thì chưa đủ, do cấu trúc sở hữu ngân hàng ở nước ta "quá phức tạp" trong khi thanh tra, giám sát ở Việt Nam còn yếu. Do vậy, TS. Lê Xuân Nghĩa đề nghị, cần nghiên cứu bổ sung quy định trong dự thảo Luật cho phép cơ quan thanh tra, giám sát tổ chức tín dụng có chức năng điều tra, xử lý ngay các vi phạm có liên quan đến thao túng. Thậm chí, cần có cơ chế cử người của cơ quan thanh tra, giám sát theo dõi thường xuyên tại một số ngân hàng thương mại cổ phần quan trọng, hoặc có dấu hiệu vi phạm.
Danh sách bình luận