Thường trực HĐND tỉnh giám sát việc thực hiện chính sách phát triển giáo dục nghề nghiệp và giải quyết việc làm tại Ủy ban nhân dân huyện Khoái Châu
Ngày 20/7/2023, Tổ giám sát số 2 Đoàn giám sát của Thường trực HĐND tỉnh do đồng chí Trần Thị Tuyết Hương, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh làm Tổ trưởng tổ chức giám sát việc thực hiện chính sách phát triển giáo dục nghề nghiệp và giải quyết việc làm tại UBND huyện Khoái Châu. Tham dự buổi làm việc có thành viên Tổ giám sát; Lãnh đạo UBND huyện, Lãnh đạo Trung tâm GDNN và GDTX huyện Khoái Châu và các phòng ban chuyên môn liên quan.
Bà Trần Thị Tuyết Hương, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh
điều hành buổi làm việc tại UBND huyện Khoái Châu
Theo Báo cáo của UBND huyện Khoái Châu, trên địa bàn huyện hiện có 639 doanh nghiệp đang sản xuất kinh doanh tạo việc làm cho 17.146 lao động; 9.635 cơ sở sản xuất kinh doanh cá thể, tạo việc làm cho 16.566 lao động, 47 hợp tác xã đang hoạt động, tạo việc làm cho 256 lao động; 141 trang trại; 1.774 cơ sở sản xuất công nghiệp tạo việc làm cho 17.097 lao động; 7.415 cơ sở thương mại, dịch vụ, tạo việc làm cho 13.644 lao động; xuất khẩu lao động 350 người (trong đó việc liên kết đào tạo nguồn nhân lực và trực tiếp cung cấp lao động cho thị trường Nhật Bản và Đài Loan).
Trong những năm gần đây, công tác giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn huyện đã đạt được những thành tích rất đáng khích lệ: thực hiện tốt các hoạt động liên kết, phối hợp với các trường Trung cấp trong công tác tuyển sinh, đào tạo các ngành, nghề, trình độ theo nhu cầu xã hội ngày càng phát triển: công tác phân luồng học sinh sau THCS và định hướng nghề nghiệp cho học sinh THPT được thực hiện thường xuyên, các trường thực hiện tốt việc ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong giáo dục nghề nghiệp; đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân về hoạt động giáo dục nghề nghiệp. Nhờ đó, chất lượng đào tạo giáo dục nghề nghiệp được nâng cao, các ngành nghề đào tạo bám sát nhu cầu thị trường lao động; số lượng học sinh tham gia học nghề ngày một tăng, trên 97 % có việc làm sau đào tạo.
Tại buổi giám sát, thành viên Tổ giám sát số 2 đã đề nghị UBND huyện làm rõ một số vấn đề liên quan đến việc thực hiện các chính sách phát triển giáo dục nghề nghiệp và giải quyết việc làm; xây dựng kế hoạch và triển khai thực hiện của UBND các xã, thị trấn trên địa bàn; việc bố trí kinh phí từ ngân sách và huy động nguồn lực xã hội hóa đối với công tác giáo dục nghề nghiệp trong giai đoạn 2021-2023; việc sắp xếp đội ngũ giáo viên dạy nghề tại Trung tâm GDNN-GDTX huyện; mức lương, chế độ chính sách và đời sống của giáo viên dạy nghề; chương trình đào tạo; trang thiết bị thực hành của các lớp dạy nghề…
Sau khi nghe các thành viên Tổ giám sát tham gia ý kiến làm rõ những khó khăn, bất cập trong công tác giáo dục nghề nghiệp và giải quyết việc làm trên địa bàn huyện, bà Trần Thị Tuyết Hương, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh đề nghị UBND huyện Khoái Châu tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện có hiệu quả các hoạt động nhằm khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế và phát huy thế mạnh nguồn lực lao động các địa phương; khắc phục sự lãng phí nguồn nhân lực lao động, tạo việc làm và nguồn thu nhập ổn định cho người lao động. Đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật đến từng cơ sở, thôn, xóm, người lao động; kịp thời có biện pháp chấn chỉnh, khắc phục hạn chế, tồn tại đã được Tổ giám sát chỉ ra. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát đánh giá chất lượng công tác đào tạo nghề và giải quyết việc làm; đổi mới phương thức tuyển sinh, mở rộng quy mô đào tạo. Tăng cường phối hợp với Sở LĐTBXH chỉ đạo, hướng dẫn Trung tâm GDNN - GDTX huyện trong công tác Giáo dục nghề nghiệp nói chung và đào tạo nghề cho lao động nông thôn nói riêng; nghiên cứu, phối hợp với Sở Tài chính quan tâm đầu tư, hỗ trợ nguồn lực để tăng cường thiết bị dạy nghề, bồi dưỡng giáo viên dạy nghề; tăng cường quản lý, định hướng hoạt động của Trung tâm GDNN-GDTX huyện; chỉ đạo phân vùng tốt, tư vấn tốt, nghiên cứu thực hiện giao chỉ tiêu tuyển sinh cho từng giáo viên dạy nghề để nâng cao hiệu quả tuyển sinh trong mảng giáo dục nghề nghiệp; hỗ trợ Trung tâm kết nối với các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn để nâng cao hiệu quả đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho học viên. Đẩy mạnh xã hội hóa trong GDNN, giải quyết việc làm. Đồng thời đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong công tác GDNN và giải quyết việc làm.
Đồng chí cũng đề nghị Thường trực HĐND huyện Khoái Châu bám sát các Chương trình, Nghị quyết của Tỉnh ủy, Huyện ủy để triển khai xây dựng Chương trình giám sát hàng năm của HĐND, Thường trực HĐND, các Ban HĐND, các Tổ đại biểu HĐND huyện; đưa các nội dung có liên quan đến công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm, việc thực hiện các chính sách hỗ trợ, tín dụng ...vào Chương trình giám sát./.
Lưu Thùy Linh Chuyên viên phòng Công tác Hội đồng nhân dân
Danh sách bình luận