Thường trực HĐND tỉnh giám sát việc thực hiện chính sách phát triển giáo dục nghề nghiệp và giải quyết việc làm tại Ủy ban nhân dân huyện Ân Thi
Ngày 19/7/2023, Tổ giám sát số 2 Đoàn giám sát của Thường trực HĐND tỉnh do đồng chí Trần Thị Tuyết Hương, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh làm Tổ trưởng tổ chức giám sát việc thực hiện chính sách phát triển giáo dục nghề nghiệp và giải quyết việc làm tại UBND huyện Ân Thi. Tham dự buổi làm việc có thành viên Tổ giám sát; Lãnh đạo UBND huyện, Lãnh đạo Trung tâm GDNN và GDTX huyện Ân Thi và các phòng ban chuyên môn liên quan.
Bà Trần Thị Tuyết Hương, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh
điều hành buổi làm việc tại UBND huyện Ân Thi
Theo Báo cáo của UBND huyện Ân Thi, trong những năm qua, huyện luôn quan tâm, chỉ đạo, triển khai các chương trình, chính sách giáo dục nghề nghiệp, đào tạo nghề cho lao động nông thôn, hỗ trợ tạo việc làm, đặc biệt là lao động trong độ tuổi thanh niên, lao động là người khuyết tật, phụ nữ… Công tác đào tạo nghề có nhiều chuyển biến tích cực, giai đoạn 2021-2023 đã có trên 2.500 lượt lao động nông thôn được tuyên truyền, tư vấn học nghề. Giai đoạn 2021-2023, Trung tâm GDNN-GDTX huyện liên kết đào tạo với Trường Cao đẳng Công nghiệp Hưng Yên, Trường Cao đẳng Cơ điện và thủy lợi mở 08 lớp may thời trang, điện dân dụng, điện công nghiệp và lắp ráp máy tính cho 540 học viên. Bên cạnh đó, UBND huyện đã chỉ đạo triển khai thực hiện tốt kế hoạch đào tạo nghề, tư vấn hướng nghiệp và phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS, THPT. Chỉ đạo Trung tâm GDXX - GDTX huyện thường xuyên tổ chức các buổi tuyên truyền, phân luồng học sinh góp phần làm thay đổi nhận thức của phụ huynh và học sinh về việc chọn trường, chọn nghề và hướng đi sau tốt nghiệp.
Tuy nhiên, công tác tuyển sinh, đào tạo nghề trên địa bàn huyện còn gặp một số khó khăn như: giai đoạn 2021-2023, Trung tâm GDNN-GDTX không tuyển sinh được các lớp đào tạo nghề ngắn hạn trình độ sơ cấp do một số ngành nghề có nhu cầu người học quá ít không đủ để mở lớp, một số doanh nghiệp tuyển dụng và có cam kết tự đào tạo tay nghề cho lao động; cơ sở vật chất phục vụ cho công tác giảng dạy và thực hành còn chưa đồng bộ, chưa hiện đại, nhiều thiết bị đã xuống cấp, chưa đáp ứng được nhu cầu học tập hiện tại, chưa đa dạng về ngành nghề đào tạo, diện tích đơn vị chưa đáp ứng việc phát triển đa ngành nghề, đa dạng hóa các loại hình đào tạo; nguồn lực tài chính còn hạn hẹp, các doanh nghiệp mặc dù có nhu cầu sử dụng lao động lớn nhưng vẫn chưa thực sự chủ động liên kết với các cơ sở đào tạo để sử dụng lao động; giáo viên giảng dạy hoạt động hướng nghiệp còn kiêm nhiệm; việc tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ còn hạn chế…
Phát biểu chỉ đạo tại buổi giám sát, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Trần Thị Tuyết Hương ghi nhận những kết quả đã đạt được, đồng thời chỉ rõ một số điểm còn bất cập trong công tác giáo dục nghề nghiệp và giải quyết việc làm của huyện. Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Trần Thị Tuyết Hương đề nghị UBND huyện tiếp tục thực hiện tốt các chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh về công tác GDNN, giải quyết việc làm; xác định rõ trách nhiệm của người đứng đầu phải trực tiếp chỉ đạo, điều hành để đảm bảo hoàn thành đạt và vượt kế hoạch đề ra; rà soát, xây dựng kế hoạch và dự báo nhu cầu đào tạo nghề, GDNN sát với thực tế phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp nhằm tăng cường gắn kết giữa nhà nước - doanh nghiệp - người lao động trong đào tạo, phát triển nhân lực có kỹ năng nghề và giải quyết việc làm cho người lao động; đánh giá chất lượng công tác đào tạo nghề và giải quyết việc làm để trên cơ sở đó, đề ra các giải pháp đổi mới phương thức tuyển sinh, mở rộng qui mô đào tạo, đảm bảo chiến lược phát triển dài hạn, có trọng tâm, trọng điểm, chất lượng; quan tâm bồi dưỡng, nâng cao trình độ cho đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên; đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị giảng dạy, thực hành nhằm nâng cao năng lực đào tạo của Trung tâm GDNN-GDTX.
Đồng chí cũng đề nghị lãnh đạo Trung tâm GDNN-GDTX huyện phát huy những kết quả đạt được, khắc phục khó khăn, hạn chế; chủ động, đổi mới trong công tác GDNN, đào tạo nghề. Thống nhất quan điểm: đào tạo phải thực chất, không chạy theo chỉ tiêu, số lượng; xác định đúng nhu cầu học nghề của người dân và yêu cầu của thị trường lao động. Tăng cường công tác tuyên truyền, tư vấn hướng nghiệp, GQVL cho người lao động. Tham gia thực hiện có hiệu quả công tác phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS. Lấy người học làm chủ thể để đào tạo nghề, mời người có kinh nghiệm trong sản xuất kinh doanh để truyền nghề cho người học. Xây dựng mối quan hệ gắn kết giữa nhà trường - doanh nghiệp, tổ chức đào tạo nghề phù hợp với nhu cầu lao động của doanh nghiệp./.
Danh sách bình luận