Trung thực với lương tâm
Nhìn lại toàn bộ cuộc đời hoạt động cách mạng của đồng chí Nguyễn Văn Linh (1/7/1915-27/4/1998), có thể thấy rõ chính trái tim trung thực và luôn luôn hướng thiện đã là ngọn đèn dẫn lối cho người con của đất Hưng Yên nhiều tầng văn hóa này đi trên con đường cách mạng một cách đầy tự tin ở khắp mọi miền đất nước, thực hiện việc gì cũng lấy mục tiêu chung của dân tộc, của người dân cần lao làm đích, khi thắng lợi không kiêu căng, khi thất bại tạm thời không nhụt chí. Không chỉ dựa vào những luật lệ đã có hay chỉ nhìn cấp trên mà nói theo, mà phải liên tục bám sát đời sống, từ đời sống phát hiện ra những vấn đề mới để theo đúng lương tâm và trách nhiệm, tìm cách tháo gỡ những vướng mắc vừa nảy sinh, cải tiến lề thói cũ - đó chính là phương châm chính yếu trong cuộc đời hoạt động cách mạng của đồng chí Nguyễn Văn Linh.
Đồng chí Đồng Sĩ Nguyên, nguyên Tư lệnh Binh đoàn 559 huyền thoại của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, nguyên Uỷ viên Bộ Chính trị, nguyên Phó Thủ tướng Chính phủ, đã nhận xét: “Anh Nguyễn Văn Linh là một tấm gương mẫu mực về trung thực, tận tụy... Anh sống và làm việc trung thực, giản dị, liêm khiết, không ưa danh lợi, địa vị, ghét xu nịnh, phô trương, xa hoa, lãng phí, tham nhũng, gương mẫu trong chống tiêu cực...” Một trong những điều từng canh cánh trong lòng đồng chí Nguyễn Văn Linh là làm sao để thực hiện dân chủ hóa xã hội một cách thực chất và có hiệu quả nhất. Và theo đồng chí, muốn thực hiện dân chủ hóa xã hội thì “trước hết phải dân chủ trong Đảng. Từ Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư cho đến các tổ chức Đảng ở cơ sở phải gương mẫu trong việc thực hiện dân chủ. Mọi cán bộ, đảng viên, kể cả cán bộ, đảng viên có chức vụ cao đều phải sống và làm theo pháp luật như mọi công dân bình thường, không có ngoại lệ”.
Cố Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu từng nhớ lại: "Khi anh Linh về nhận nhiệm vụ Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng, qua các hoạt động của anh và các bài báo "Những việc cần làm ngay", anh em chúng tôi nhận thấy ở anh một tác phong lãnh đạo mới, cương trực, thẳng thắn, hàm chứa tinh thần chiến đấu cách mạng cao và sắc bén, một niềm tin vững chắc vào Nhân dân, vào chân lý, vào sự thật. Anh là con người của sự thật, chiến đấu vì lẽ phải, vì hạnh phúc của Nhân dân, vì một Đảng cách mạng trong sạch, có trong sạch thì mới vững mạnh, mới dám nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng sự thật và nói rõ sự thật, không che giấu khuyết điểm, mới dám đấu tranh không khoan nhượng để bảo vệ sự thật…" Có lẽ cho tới hôm nay câu chuyện xung quanh chuyên mục báo chí đặc biệt mà đồng chí Lê Khả Phiêu đã nhắc tới, vẫn còn nhiều ý nghĩa thời sự. Số là, ngày 25/5/1987, một chuyên mục mới xuất hiện trên trang nhất Báo Nhân Dân dưới mũ "Những việc cần làm ngay". Tên tác giả ký dưới bài viết chỉ vẻn vẹn trên dưới 400 chữ ngắn gọn là N.V.L nhưng những điều đề cập tới trong chuyên mục này vì hợp ý Đảng, lòng dân nên đã gây nên được một làn sóng hưởng ứng sâu rộng, thúc đẩy mạnh mẽ cuộc đấu tranh chống lại các hiện tượng tiêu cực, trì trệ, bảo thủ trong xã hội. Không cao đàm, khoát luận, tác giả N.V.L đã trình bày trực diện những vụ việc vô duyên, vô lý hay vô tình cụ thể và đề nghị các cơ quan hữu trách cũng như dư luận xã hội cần phải có những biện pháp khẩn cấp xoá bỏ "những điều trong thấy mà đau đớn lòng" đó. Có cảm giác như tác giả của các bài viết này vừa là người "trăm tay nghìn mắt" nên mới biết tận tường lắm chuyện tưởng như nhỏ nhặt như thế, vừa phải là một nhân vật hoặc rất can đảm hoặc rất tự tin vào vị trí của mình nên mới nhìn thẳng vào sự thật đến vậy. Ngay cả trong đội ngũ cán bộ hồi ấy có phải ai cũng đồng tình với việc báo Đảng cứ "vạch áo cho người xem lưng" như thế vì "lỡ đâu kẻ xấu lợi dụng" (!). Thói quen "đóng cửa bảo nhau" đã ăn sâu vào một bộ phận không nhỏ chúng ta, tới mức lắm khi câu tục ngữ đó đã bị lợi dụng để che giấu tình trạng trì trệ hay xuê xoa những sai lầm, tội lỗi... Chỉ riêng N.V.L là cứ thẳng thắn thông qua muôn vàn tình huống đời thường chỉ ra những căn bệnh trọng và rung lên hồi chuông báo động cho không chỉ các cơ quan công quyền mà toàn xã hội…
Trong một bài viết của mình, Đại tướng Võ Nguyên Giáp cũng đánh giá cao tính nguyên tắc và thẳng thắn của đồng chí Nguyễn Văn Linh trong các vấn đề quan điểm và trong công tác chống các hiện tượng tiêu cực: "Trước tình hình có nhiều biểu hiện trì trệ, quan liêu, tham nhũng, cửa quyền, anh đã trực tiếp viết một loạt bài báo nêu lên "Những việc cần làm ngay", thể hiện tinh thần nhìn thẳng vào sự thật, nói đúng sự thật, đáp ứng đòi hỏi của Nhân dân, đã tạo nên không khí mới trong xã hội. Việc làm này tuy gặp khó khăn nhưng cũng đã có kết quả nhất định, góp phần đấu tranh chống những biểu hiện tiêu cực. Anh luôn coi trọng giáo dục đạo đức, chống chủ nghĩa cá nhân, phê phán nghiêm khắc những hiện tượng tham nhũng, suy thoái phẩm chất, thiếu gương mẫu của một số cán bộ, đảng viên, kể cả đảng viên cao cấp".
Tất cả những ai từng có dịp ít nhiều gần gũi đồng chí Nguyễn Văn Linh đều thống nhất với nhau ở một điểm: Là một nhà chính trị nhưng ông lại có tác phong luôn nói thẳng nói thật, nhất là khi đề cập tới những vấn đề mang tính nguyên tắc, ngay cả trong các cuộc tiếp xúc quốc tế. Theo hồi ức của nguyên Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Mạnh Cầm, sau khi Đại hội đại biểu nhân dân Xôviết lần thứ ba quyết định sửa đổi điều 6 và 7 Hiến pháp Liên Xô, tức là gạt bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Liên Xô, trong cuộc gặp với nhà lãnh đạo Xôviết cao nhất hồi đó là Mikhail Gorbachev, đồng chí Nguyễn Văn Linh đã thẳng thắn cảnh báo: "Với tư cách của một người cộng sản, tôi có thể chân thành nói với đồng chí, đây là một sai lầm nghiêm trọng sẽ dẫn tới những hậu quả khôn lường không chỉ đối với Liên Xô". Suốt một thời, các chủ nhân của Điện Kremli chỉ quen đưa ra những lời khuyên cho những người khác nên M. Gorbachev đã sững người ra trước câu nói không chút màu mè của người đại diện cho nước Việt Nam lúc đó vẫn phải trông cậy rất nhiều vào những nguồn viện trợ Xôviết. Lúng búng thanh minh đôi ba câu nhưng tự thấy mình không có lý lẽ gì đáng kể để thuyết phục đồng chí Nguyễn Văn Linh, M. Gorbachev đành cười xòa lảng chuyện... Thực tế diễn ra về sau ở Liên Xô đã chứng minh lời tiên đoán của đồng chí Nguyễn Văn Linh là đúng.
Không đồng tình với công cuộc cải tổ theo cách của M.Gorbachev nhưng đồng chí Nguyễn Văn Linh luôn là người có xu hướng đổi mới cùng thời cuộc trên cơ sở bám lấy những tâm tư, nguyện vọng thiết thân, cấp bách nhất của quần chúng. Theo đồng chí, lo được, lo đúng cho dân là tiêu chí đánh giá cao nhất của mọi chủ trương, đường lối. Trong mọi việc đều cần lấy dân làm gốc. Đảng ta đã có con mắt xanh khi bầu đồng chí làm người tiếp nối ngọn cờ đổi mới mà cố Tổng Bí thư Trường Chinh đã khởi xướng…
Trên cương vị Tổng Bí thư trong những năm từ tháng 12/1986 tới tháng 6/1991 và sau đó, trong vai trò Cố vấn Ban Chấp hành Trung ương Đảng tới khi từ trần, đồng chí Nguyễn Văn Linh thực sự đã để lại những bài học không thể mờ phai của một nhân cách cộng sản Việt Nam đích thực. Đó là một nhà lãnh đạo thực sự “lấy dân làm gốc”, nhạy bén cảm nhận những việc mà cuộc sống đòi hỏi phải làm ngay, nói đi đôi với làm và đã làm thì bao giờ cũng làm đến nơi đến chốn… “Tri nhân, tri kỷ, tri túc” là những nguyên tắc mà đồng chí luôn luôn tâm đắc.
Danh sách bình luận