Thực hiện đồng bộ các giải pháp bảo vệ môi trường
Ngày Môi trường thế giới 5/6 năm nay được Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP) phát động với chủ đề “Phục hồi đất, chống hạn hán và sa mạc hoá” (Lan restoration, desertification and drought resilience) nhằm kêu gọi các quốc gia trên toàn cầu cùng chung tay hướng tới những mục tiêu phục hồi đất đai, chống sa mạc hóa và khả năng chống hạn, làm chậm quá trình biến đổi khí hậu, bảo vệ tự nhiên, tăng cường sinh kế và an ninh lương thực cho hàng tỷ người trên toàn thế giới.
Theo Công ước của Liên hợp quốc về chống sa mạc hóa, có tới 40% diện tích đất đai trên hành tinh bị suy thoái, ảnh hưởng trực tiếp đến một nửa dân số thế giới và đe dọa khoảng một nửa GDP toàn cầu. Tần suất và thời gian hạn hán đã tăng 29% kể từ năm 2000, nếu không có hành động khẩn cấp, hạn hán có thể ảnh hưởng đến hơn 3/4 dân số thế giới vào năm 2050. Phục hồi đất, chống hạn hán và sa mạc hoá là một trong những mục tiêu chính trong thập kỷ phục hồi hệ sinh thái của Liên hợp quốc (2021-2030), thông qua các chính sách, sáng kiến và tham gia cơ chế hợp tác toàn cầu, khu vực để bảo vệ và hồi sinh các hệ sinh thái trên toàn thế giới nhằm đạt được các mục tiêu phát triển bền vững.
Thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt tại thị trấn Khoái Châu (Khoái Châu)
Theo báo cáo của Sở Tài nguyên và Môi trường, liên tục từ năm 2021 đến năm 2023, mỗi năm sở tiến hành lấy 64 mẫu đất tại các làng nghề, khu vực canh tác trên địa bàn tỉnh. Kết quả trong cả 3 năm gần đây cho thấy, 64/64 mẫu đất có các thông số phân tích đều đạt QCVN 03-MT:2015/BTNMT- Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về giới hạn cho phép của kim loại nặng trong đất. Đánh giá chung cho thấy, chất lượng môi trường đất trong tỉnh khá tốt, chưa bị ô nhiễm bởi kim loại nặng và thuốc bảo vệ thực vật.
Tuy nhiên, do sự phát triển kinh tế - xã hội, tỉnh đang phải đối mặt với các vấn đề môi trường khác như: Ô nhiễm nguồn nước mặt, rác thải sinh hoạt không được thu gom và xử lý triệt để gây ô nhiễm môi trường… Thời gian qua, các cấp, các ngành và địa phương trong tỉnh đã từng bước khắc phục những hạn chế và thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ trong công tác bảo vệ môi trường. Từ năm 2021 đến nay, Sở Tài nguyên và Môi trường góp ý kiến về môi trường cho 965 dự án đầu tư vào tỉnh, trong đó tham mưu từ chối tiếp nhận 5 dự án ngoài khu công nghiệp có phát sinh nước thải, khí thải lớn, có nguy cơ ô nhiễm môi trường cao; thẩm định chặt chẽ 340 báo cáo đánh giá tác động môi trường. Năm 2024 đã lập danh sách 32 cơ sở xả thải lớn, nguy cơ ô nhiễm môi trường cao để thực hiện định kỳ lấy mẫu, quan trắc chất lượng xả thải nước thải, khí thải với tần suất 2-6 tháng/lần.
Thực hiện Quyết định số 175/QĐ-UBND ngày 19/1/2023 của UBND tỉnh phê duyệt đề án thu gom, xử lý nước thải sinh hoạt khu dân cư nông thôn trên địa bàn tỉnh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, đến nay, các huyện, thị xã, thành phố đã lựa chọn được 451 vị trí có thể đáp ứng xây dựng các công trình xử lý nước thải sinh hoạt. Kết quả, đã hoàn thành xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung của thành phố Hưng Yên công suất 6.300m3/ngày đêm; triển khai xây dựng 20 mô hình, công trình xử lý nước thải sinh hoạt khu dân cư nông thôn ở các huyện.
Cùng với đó, lượng rác thải sinh hoạt toàn tỉnh được thu gom, xử lý ước khoảng 653 tấn/ngày, đạt khoảng 82% lượng rác phát sinh. Để giảm phát sinh rác thải sinh hoạt, toàn tỉnh có 42,13% số hộ gia đình tại 154 xã, phường, thị trấn thực hiện phân loại, xử lý rác thải hữu cơ tại hộ gia đình.
Đồng chí Trần Đăng Anh, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường cho biết: Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác bảo vệ môi trường trong tỉnh vẫn còn một số hạn chế như: Tình trạng đổ, đốt rác gây ô nhiễm môi trường chưa được ngăn chặn triệt để; phân loại, xử lý rác thải hữu cơ tại hộ gia đình chưa đạt so với yêu cầu của tỉnh; đầu tư lò đốt rác thải còn chậm; còn một lượng lớn rác thải sinh hoạt chưa được thu gom, xử lý hợp vệ sinh; chậm đầu tư công trình thu gom, xử lý nước thải sinh hoạt dân cư nông thôn; hoạt động chăn nuôi trong khu dân cư gây ô nhiễm môi trường; ô nhiễm nguồn nước hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải trên địa bàn tỉnh... Thực tế này đòi hỏi sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, các tầng lớp Nhân dân trong công tác bảo vệ môi trường.
Ngày 22/5/2024, Sở Tài nguyên và Môi trường ban hành Công văn số 1160/STNMT-QLMT về việc tổ chức các hoạt động hưởng ứng Ngày Môi trường thế giới (5/6), Tháng hành động vì môi trường năm 2024, Ngày Quốc tế đa dạng sinh học năm 2024. Theo đó, đề nghị các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh, UBND các huyện, thị xã, thành phố, các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ trên địa bàn tỉnh, căn cứ vào điều kiện cụ thể của địa phương, đơn vị tổ chức triển khai các hoạt động hưởng ứng phù hợp. Trong đó tập trung vào các hoạt động cụ thể: Triển khai Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 và các văn bản hướng dẫn thi hành luật về tăng cường các hoạt động quản lý chất lượng môi trường đất; tiếp tục quán triệt thực hiện chỉ đạo của các cấp về bảo vệ môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu; kiểm soát chặt chẽ các nguồn thải từ hoạt động xây dựng, công nghiệp, nông nghiệp và quy định về phân loại rác thải tại nguồn; xử lý các điểm tồn đọng rác thải, chấm dứt tình trạng đổ, đốt rác thải không đúng nơi quy định gây ô nhiễm môi trường; đẩy mạnh thực hiện phân loại, xử lý rác thải hữu cơ tại hộ gia đình; tích cực áp dụng các công nghệ tiên tiến, thân thiện với môi trường, các mô hình kinh tế tuần hoàn; ra quân làm vệ sinh môi trường, thu gom rác thải tại nơi sản xuất, nơi làm việc; trồng, chăm sóc cây xanh…