Lãnh đạo tỉnh dự tọa đàm bàn tròn kết nối doanh nghiệp và địa phương Việt Nam-Hoa Kỳ
Chiều ngày 15/11 theo giờ địa phương, tại thành phố San Francisco (Hoa Kỳ), trong chương trình tham dự Tuần lễ Cấp cao Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á – Thái Bình Dương (APEC) 2023 và kết hợp hoạt động song phương tại Hoa Kỳ, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng dự và phát biểu tại Tọa đàm bàn tròn kết nối doanh nghiệp và địa phương Việt Nam-Hoa Kỳ. Cùng dự có Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam Marc Knapper, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Hội đồng Kinh doanh Hoa Kỳ-ASEAN Ted Osius; đông đảo lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp hai nước mong muốn tìm hiểu cơ hội hợp tác.
Dự tọa đàm về phía tỉnh Hưng Yên có các đồng chí: Nguyễn Hữu Nghĩa, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy; Trần Quốc Văn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh.
Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Hữu Nghĩa phát biểu tại tọa đàm
Tại tọa đàm, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng cùng Đoàn Cấp cao Việt Nam và các quan chức Hoa Kỳ chứng kiến lễ trao các thỏa thuận hợp tác giữa bộ, ngành, địa phương hai nước trong một số lĩnh vực như: Giáo dục và đào tạo; giảm phát thải khí nhà kính; phát triển các khu công nghiệp; phát triển đô thị và du lịch sinh thái; tiêu thụ nông sản; ươm tạo nguồn nhân lực thiết kế vi mạch; hạ tầng cảng biển; trí tuệ nhân tạo; phát triển năng lượng tái tạo...
Đáng chú ý, tại sự kiện này, Công ty cổ phần Công nghệ viễn thông Sài Gòn (SaigonTel) và Tập đoàn Phát triển đô thị Kinh Bắc đã ký kết thỏa thuận hợp tác với các địa phương, doanh nghiệp của hai nước. Trong đó, có thỏa thuận hợp tác giữa UBND tỉnh Hưng Yên, SaigonTel với Công ty Allotrope Parts về hợp tác, nghiên cứu, hỗ trợ tỉnh Hưng Yên trong công tác giảm phát thải ròng.
Tại tọa đàm, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Hữu Nghĩa có bài phát biểu quan trọng giới thiệu tiềm năng, cơ hội của tỉnh Hưng Yên trong việc thúc đẩy hợp tác kinh tế, đầu tư, thương mại Việt Nam – Hoa Kỳ.
Giới thiệu về tiềm năng, lợi thế của tỉnh, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Hữu Nghĩa chia sẻ, Hưng Yên hội tụ đầy đủ điều kiện phát triển công nghiệp, nhất là công nghiệp công nghệ cao và phát triển đô thị, dịch vụ hiện đại, bởi 5 yếu tố hấp dẫn nổi trội, đó là: Hưng Yên có vị trí địa lý thuận lợi; vùng đất Văn Hiến với nhiều dấu ấn của lịch sử, giàu truyền thống văn hoá và đã từng là thương cảng nổi tiếng của Việt Nam; kinh tế phát triển năng động, tốc độ nhanh nhờ những nỗ lực cải cách hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh, đẩy mạnh thu hút đầu tư tư nhân và FDI; hạ tầng kinh tế - xã hội, thương mại, dịch vụ, logistics, năng lượng, nước sạch, y tế, giáo dục, đào tạo, bảo vệ môi trường đang được đầu tư lớn, phát triển đồng bộ; hệ thống giao thông thuận lợi, phát triển nhanh và có tính kết nối cao; nguồn nhân lực trẻ, dồi dào, chất lượng cao, thông minh, cần cù đáp ứng nhu cầu lao động chất lượng cao cho các dự án ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn tỉnh.
Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Hữu Nghĩa khẳng định, tỉnh Hưng Yên đang chuyển đổi cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp, dịch vụ rất mạnh. Trong GRDP, ngành công nghiệp chiếm 62,1%; dịch vụ chiếm 30,9%; nông nghiệp, thuỷ sản chiếm 7%. Những năm qua, môi trường kinh doanh, năng lực cạnh tranh của tỉnh được cải thiện nhanh cùng với đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao chất lượng dịch vụ công và mức độ hài lòng của người dân. Trong 2 năm 2021-2022, chỉ số xếp hạng năng lực cạnh tranh cấp tỉnh tăng 39 bậc, lên thứ 14/63 tỉnh, thành phố của cả nước. Năm 2022, Chỉ số hài lòng của người dân về sự phục vụ của cơ quan hành chính Nhà nước (SIPAS) xếp thứ 6/63 tỉnh, thành phố. Nhờ cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, hiện nay Hưng Yên đang được sự quan tâm rất lớn của các nhà đầu tư trong nước và quốc tế.
Đến ngày 31/10, Hưng Yên có 2.182 dự án đầu tư với tổng số vốn đăng ký hơn 20 tỷ USD tương đương, trong đó có 536 dự án FDI với số vốn đăng ký 6,76 tỷ USD. Tổng số doanh nghiệp là 16.224 doanh nghiệp với tổng số vốn đăng ký tương đương 8,31 tỷ USD, trong đó có 405 doanh nghiệp FDI với số vốn đăng ký 1,9 tỷ USD tương đương. Tuy nhiên, hiện nay đầu tư của các doanh nghiệp Hoa Kỳ ở Hưng Yên còn khiêm tốn, chỉ có 5 doanh nghiệp với vốn đăng ký 31,5 triệu USD…
Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Hữu Nghĩa nhấn mạnh, mục tiêu chiến lược phát triển Hưng Yên đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 là “Xây dựng Hưng Yên thành tỉnh công nghiệp hiện đại, nông nghiệp hiệu quả cao, phát triển nhanh và bền vững trên cơ sở kết hợp hài hòa ba trụ cột là tăng trưởng kinh tế nhanh – xây dựng xã hội hài hòa – bảo vệ môi trường sinh thái”. Không thu hút đầu tư, tăng trưởng bằng mọi giá, kiên quyết không đánh đổi tăng trưởng với bất bình đẳng xã hội và ô nhiễm môi trường.
Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Hữu Nghĩa cho rằng, chiến lược phát triển của tỉnh dựa trên 3 trụ cột chính, đó là: Phát triển công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp sạch, phát thải các bon thấp, sử dụng ít tài nguyên; Phát triển thương mại, dịch vụ có gía trị gia tăng lớn; Phát triển kinh tế đô thị trên cơ sở đẩy nhanh tốc độ đô thị hóa, hình thành hệ thống đô thị hiện đại, có kết cấu hạ tầng đồng bộ, mang tính kết nối cao, trọng tâm là các đô thị sinh thái, thông minh, đáng sống; đô thị công nghiệp, dịch vụ gắn với bảo đảm nhà ở xã hội cho người lao động và công nhân.
Định hướng chiến lược thu hút đầu tư và phát triển công nghiệp của tỉnh theo hướng ưu tiên thu hút đầu tư các dự án như: Cơ khí chế tạo, sản xuất, lắp ráp ô-tô, linh kiện ô tô, máy bay, thiết bị hàng không, thiết bị công trình, thiết bị năng lượng, thiết bị điện, thiết bị y tế; sản xuất vật liệu, nhất là vật liệu mới; nghiên cứu, sản xuất sản phẩm công nghệ số; sản xuất robot, thiết bị tích hợp vận hành tự động, điều khiển từ xa…
Bí thư Tỉnh ủy Hưng Yên cam kết cam kết tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các nhà đầu tư; quyết tâm xây dựng một chính quyền mạnh, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, trách nhiệm và luôn đồng hành với người dân, doanh nghiệp; luôn cầu thị lắng nghe, xử lý kịp thời những khó khăn, vướng mắc phát sinh; lấy lợi ích của người dân, doanh nghiệp làm trung tâm; không ngừng nỗ lực, đổi mới, phục vụ tốt hơn để người dân có được cuộc sống ngày càng tốt hơn và vì một môi trường kinh doanh ngày càng thuận lợi hơn cho doanh nghiệp.
Tỉnh Hưng Yên cam kết nỗ lực không ngừng nghỉ trong việc kiến tạo môi trường đầu tư an toàn, thông thoáng, hiệu quả và liên tục cải thiện năng lực cạnh tranh cấp tỉnh với thủ tục hành chính đơn giản, chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư cao nhất trong khuôn khổ pháp luật Việt Nam để Hưng Yên thực sự là điểm đến an toàn và là sự lựa chọn hợp lý nhất của các nhà đầu tư nói chung và các nhà đầu tư Mỹ nói riêng.
“Chúng tôi xác định, doanh nghiệp, nhà đầu tư là một lực lượng quan trọng cùng với chính quyền thực hiện mục tiêu xây dựng Hưng Yên thực sự trở thành tỉnh công nghiệp hiện đại, giàu đẹp, văn minh. Chúng tôi làm tất cả những gì pháp luật cho phép để đem lại sự thành công cho doanh nghiệp dựa trên triết lý sự thành công của doanh nghiệp, nhà đầu tư là sự thịnh vượng của chúng tôi”, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Hữu Nghĩa cho biết.
Nhân dịp này, Chủ tịch UBND tỉnh Trần Quốc Văn chia sẻ với phóng viên TTXVN tại Washington trong việc kêu gọi các doanh nghiệp Hoa Kỳ đến hợp tác, đầu tư tại tỉnh Hưng Yên.
Trao biên bản ghi nhớ MOU thỏa thuận hợp tác giữa UBND tỉnh Hưng Yên, SaigonTel với Công ty Allotrope Parts
Đồng chí Trần Quốc Văn nhấn mạnh, xác định vai trò và tiềm năng của các doanh nghiệp Hoa Kỳ là rất lớn trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội của địa phương. Trong chuyến đi tháp tùng Chủ tịch nước lần này, tỉnh Hưng Yên đã ký kết hợp tác với 4 đối tác của Hoa Kỳ trong các lĩnh vực bán dẫn, công nghiệp công nghệ cao, tiêu thụ nông sản và xử lý rác thải. Tỉnh Hưng Yên mong muốn trong tương lai gần các doanh nghiệp Hoa Kỳ sẽ đến đầu tư, xúc tiến thương mại vào tỉnh.
Theo đồng chí Trần Quốc Văn, tỉnh Hưng Yên có vị trí địa lý thuận lợi, kết cấu hạ tầng đồng bộ. Các khu công nghiệp nằm trên trục đường giao thông lớn, liền kề với Thủ đô Hà Nội, kết nối với đường cao tốc Hà Nội-Hải Phòng. Đây là điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp, nhà đầu tư nước ngoài nói chung, doanh nghiệp Hoa Kỳ nói riêng về Hưng Yên đầu tư trong thời gian gần nhất.
Danh sách bình luận