Đoàn giám sát của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường khảo sát tại Hưng Yên
Ngày 19.9, Đoàn giám sát của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường do Phó Chủ nhiệm Ủy ban Nguyễn Tuấn Anh làm Trưởng đoàn đã khảo sát một số đơn vị, khu công nghiệp và làm việc UBND thành phố Hưng Yên về thực thi pháp luật bảo vệ môi trường.
Cơ bản đã đầu tư trạm xử lý nước thải với công nghệ tiên tiến
Báo cáo với Đoàn giám sát, Chủ tịch UBND thành phố Doãn Quốc Hoàn cho biết, Hưng Yên là một trong những thành phố đô thị đông dân cư, với tốc độ đô thị hóa nhanh, nhưng kèm theo đó là tình trạng ô nhiễm môi trường, nước thải sinh hoạt có nguy cơ ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống của người dân. Nhận thức tầm quan trọng của vấn đề này, Hưng Yên đã nhận được sự hỗ trợ Dự án Mạng lưới và hệ thống xử lý nước thải Hưng Yên.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường, Trưởng đoàn giám sát Nguyễn Tuấn Anh phát biểu tại buổi làm việc với UBND TP Hưng Yên
Với dự án này, thành phố Hưng Yên sử dụng từ nguồn vốn tài trợ của Ngân hàng xuất nhập khẩu Hàn Quốc và vốn đối ứng của Chính phủ sẽ xây dựng trạm xử lý nước thải với công suất 6.300m3/ ngày đêm gồm xây dựng các tuyến cống thu gom (khoảng 18,22km), trạm bơm tang áp (4 trạm), khu xử lý (6,7ha) và 815m đường vào trạm xử lý. Công nghệ xử lý: Hệ thống hồ sinh học với ổn định bùn yếm khí riêng biệt. Khu vực xây dựng trạm xử lý nước thải thuộc địa phận xã Bảo Khê. Các tuyến cống thu gom và trạm bơm nước thải được xây dựng trên địa phận các phường: Quang Trung, Lê Lợi, Minh Khai, Hồng Châu, Hiến Nam và An Tảo. Mục tiêu dự án hoàn thành đi vào hoạt động sẽ đảm bảo thu gom, xử lý nước thải, thoát nước, vệ sinh môi trường, nhằm góp phần khắc phục ô nhiễm môi trường, bảo vệ sức khỏe của người dân. Tổng số hộ dân được hưởng lợi từ dự án khoảng 6.232 hộ gia đình. Tuy nhiên, sau hơn một năm dự án đi vào hoạt động đã xuât hiện một số khó khăn, kiến nghị sớm được phê duyệt đơn giá định mức xử lý nước thải cho nhà máy.
Đại diện Lãnh đạo Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Hưng Yên phát biểu làm rõ một số nội dung đoàn giám sát đặt ra
Trước đó, Đoàn giám sát đã khảo sát thực tế và làm việc với Tổng công ty 319, Bộ Quốc Phòng - Chủ đầu tư Dự án đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật Cụm công nghiệp Minh Khai mở rộng, thị trấn Như Quỳnh, công suất xử lý nước thải đạt 400m3/ngày/đêm; khảo sát thực thi pháp luật bảo vệ môi trường của Tổng Công ty cổ phần Tập đoàn Ecopark; khảo sát và làm việc với Công ty cổ phần phát triển hạ tầng dệt may Phố Nối về thực thi pháp luật bảo vệ môi trường.
Qua các báo cáo và ý kiến tại cuộc làm việc, Đoàn giám sát cơ bản đánh giá cao sự chuẩn bị trách nhiệm, đầy đủ các báo cáo, nhất là việc đầu tư công nghệ xử lý nước thải, thực thi pháp luật bảo vệ môi trường của các đơn vị. Đơn cử như Tổng Công ty cổ phần Tập đoàn Ecopark – đơn vị được đánh giá là hình mẫu nổi bật trong việc ứng dụng công nghệ xử lý nước thải sinh hoạt và thực thi pháp luật bảo vệ môi trường. Hiện nay, tập đoàn Ecopark đã đầu tư hơn 95 tỷ đồng xây 3 trạm xử lý nước thải với công suất khoảng hơn 4.000m3/ngày, đáp ứng phục vụ xử lý 100% nước thải sinh hoạt cho người dân khu đô thị. Điểm đặc biệt của các trạm xử lý nước thải tập trung này được sử dụng công nghệ ASBR là công nghệ xử lý nước thải dạng mẻ tuần hoàn liên tục. Theo đó các quá trình như oxy hóa cacbon, quá trình nitrat hóa, khử nitơ và khử photpho bằng phương pháp sinh học được diễn ra đồng thời. Nước thải sau khi xử lý ở các bể ASBR đạt tiêu chuẩn theo yêu cầu được xả vào bể khử trùng bằng hóa chất NaClO. Nước sau khi khử trùng, đạt các tiêu chuẩn xả thải cột A theo QCVN14/2008-Bộ Tài nguyên và Môi trường mức A thì sẽ được bơm xả vào nguồn tiếp nhận nước thải của các cơ quan chức năng ở ngoài địa phận khu đô thị. Ngoài ra, tập đoàn Ecopark đã lắp đặt 3 trạm quan trắc nước thải tự động liên tục để giám sát chất lượng nước thải đầu ra trạm xử lý nước thải.
Đoàn giám sát khảo sát thực thi pháp luật bảo vệ môi trường tại Nhà máy tái chế nhựa Công ty 319, Bộ Quốc phòng
Hay với Công ty Cổ phần phát triển hạ tầng dệt may Phố Nối, sau khi được tiếp nhận lại từ Tập đoàn dệt may Việt Nam từ năm 2017 đến nay đơn vị này đã đầu tư hơn 80 tỷ đồng để cải tạo, nâng cấp nhà máy xử lý nước thải đạt công suất lên 10.000m3/ngày, đảm bảo chất lượng nước thải sau xử lý đạt tiêu chuẩn 40:2011, cột A. Cùng với đó, công ty đã lắp đặt trạm quan trắc tự động với 6 chỉ tiêu được truyền trực tiếp đến Sở Tài nguyên và Môi trường. Đặc biêt, Công ty đã phê duyệt xây dựng nhà máy xử lý nước thải số 2, công suất 8.000m3/ngày, với tổng mức đầu tư khoảng 150 tỷ đồng.
Hoàn thiện thể chế, khung pháp lý
Tuy nhiên, để góp phần bảo vệ môi trường sống bền vững, các đơn vị kiến nghị Nhà nước sớm hoàn thiện thể chế, khung pháp lý cũng như ưu tiên cho phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn để doanh nghiệp tiếp cận thuận lợi hơn. Đơn cử như lĩnh vực nghiên cứu tái chế phế liệu, chất thải để làm nguyên liệu cho ngành sản xuất khác cần có cơ chế, chính sách cụ thể, thiết thực nhằm khuyến khích và hỗ trợ các nhà đầu tư nghiên cứu, áp dụng khoa học công nghệ để xử lý, tái tạo chất thải, hướng tới tăng trưởng xanh. Hay như việc tái sử dụng nước thải và bùn thải hiện chưa có cơ chế pháp lý cụ thể về việc tái sử dụng nước sau xử lý để tưới cây, tài sử dụng bùn thải để trồng cây. Ngoài ra, liên quan đến việc thu phí xử lý nước thải, đại diện lãnh đạo Tập đoàn Ecopark kiến nghị sớm có cơ chế thu phí xử lý nước thải của cư dân sinh sống trong khu đô thị, mặc dù doanh nghiệp vẫn phải vận hành, duy trì đầy đủ các trạm xử lý nước thải để đảm bảo chất lượng sau xử lý...
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường, Trưởng đoàn giám sát Nguyễn Tuấn Anh phát biểu kết luận
Phát biểu tại cuộc làm việc, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường, Trưởng Đoàn giám sát Nguyễn Tuấn Anh ghi nhận, đánh giá cao sự cố gắng, nỗ lực của các đơn vị, địa phương trong việc thực thi pháp luật bảo vệ môi trường nói chung cũng như việc chấp hành quy định xử lý nước thải sinh hoạt nói riêng. Các báo cáo và ý kiến trả lời của các đơn vị bám sát yêu cầu giám sát, nội dung rõ ràng, sát với các câu hỏi của Đoàn giám sát đặt ra. Dù có áp dụng công nghệ xử lý nào thì mục đích cuối cùng nước thải phải đảm bảo trong ngưỡng an toàn, đạt tiêu chuẩn theo Luật Bảo vệ môi trường. Về các kiến nghị sẽ được đoàn giám sát tiếp thu, tổng hợp đầy đủ để hoàn thiện Báo cáo chung của Đoàn giám sát.
Sau đây là một số hình ảnh khảo sát thực tế của Đoàn giám sát:
Đoàn giám sát làm việc với Tổng Công ty cổ phần Tập đoàn Ecopark
Đoàn giám sát khảo sát thực tế tại Trạm xử lý nước thải Ecopark
Trạm quan trắc nước thải tự động Ecopark
Các đại biểu khảo sát thực tế tại bể xử lý nước thải Công ty cổ phần phát triển hạ tầng dệt may Phố Nối
Trưởng đoàn giám sát Nguyễn Tuấn Anh trực tiếp kiểm tra nước thải sau khi được xử lý tại Công ty Cổ phần phát triển hạ tầng dệt may Phố Nối
Đoàn giám sát khảo sát thực tế tại Khu xử lý nước thải Hưng Yên công suất 6.300m3/ ngày đêm
Các đại biểu trao đổi tại khuôn viên Dự án khu xử lý nước thải Hưng Yên
Danh sách bình luận