Nghiên cứu, đề xuất giải pháp để Quốc hội hoàn thành nhiệm vụ lập pháp của nhiệm kỳ, bảo đảm chất lượng, đáp ứng yêu cầu thực tiễn
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định điều hành phiên họp. Nguồn: quochoi.vn
Đề nghị bổ sung 9 dự án luật vào Chương trình năm 2024
Trình bày Tờ trình tổng hợp đề nghị về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho biết, dự kiến Chương trình năm 2024 sẽ có 29 dự án, dự thảo do Chính phủ trình, tăng 9 dự án so với Chương trình đã được Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua.
Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long trình bày Tờ trình tổng hợp đề nghị về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024. Ảnh: Hồ Long
Cụ thể, tại Kỳ họp thứ Bảy (tháng 5.2024), trình Quốc hội 20 dự án, dự thảo, gồm: 7 dự án luật đã được Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ Sáu và trình Quốc hội thông qua theo quy trình một kỳ họp đối với 3 dự án, dự thảo; trình Quốc hội cho ý kiến lần đầu đối với 10 dự án luật.
Tại Kỳ họp thứ Tám (tháng 10.2024), trình Quốc hội 19 dự án, gồm: 10 dự án luật đã được Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ Bảy; trình Quốc hội thông qua theo quy trình một kỳ họp đối với 1 dự án luật; trình Quốc hội cho ý kiến đối với 8 dự án luật. Bổ sung vào Chương trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đối với 1 dự án Pháp lệnh Quản lý, bảo vệ Khu Di tích Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Chính phủ cũng đề nghị Chương trình năm 2025 gồm 17 dự án. Bộ trưởng Bộ Tư pháp khẳng định, đây là các dự án đã được xác định theo Kế hoạch số 81/KH-UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Cụ thể, tại Kỳ họp thứ Chín (tháng 5.2025), trình 17 dự án luật; tại Kỳ họp thứ Mười (tháng 10.2025) trình 9 dự án luật.
Phó Viện Trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao Nguyễn Quang Dũng trình bày Tờ trình đề nghị xây dựng Luật Tương trợ tư pháp về hình sự. Ảnh: Hồ Long
Phó Viện Trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao Nguyễn Quang Dũng trình bày Tờ trình đề nghị xây dựng Luật Tương trợ tư pháp về hình sự. Theo đó, về cơ sở thực tiễn, Luật Tương trợ tư pháp năm 2007 đang điều chỉnh cả 4 lĩnh vực, một số điều luật thuộc phần quy định chung khi áp dụng cho hoạt động tương trợ tư pháp về hình sự, dẫn đến trên thực tế một số cơ quan có thẩm quyền và cán bộ thực thi pháp luật chưa phân định rõ sự khác nhau giữa các lĩnh vực, từ đó gây khó khăn, vướng mắc trong phối hợp triển khai, thi hành. Tại Báo cáo số 248/BC-BTP, Bộ Tư pháp đã chỉ ra những bất cập, hạn chế này. Vì những lý do nêu trên, Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao cho rằng việc tách Luật Tương trợ tư pháp thành 4 luật độc lập điều chỉnh từng lĩnh vực và ban hành Luật Tương trợ tư pháp về hình sự là phù hợp và cần thiết.
Trên cơ sở Kết luận số 19-KL/TW, Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao dự kiến đưa vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội năm 2025, trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại Kỳ họp thứ Chín, Quốc hội Khóa XV (tháng 5.2025) và thông qua tại Kỳ họp thứ Mười (tháng 10.2025).
Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Y Thanh Hà Niê Kđăm trình bày Tờ trình đề nghị xây dựng dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND. Ảnh: Hồ Long
Theo Tờ trình đề nghị xây dựng dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND do Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Y Thanh Hà Niê Kđăm trình bày, trong hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND có những khó khăn, vướng mắc mà nguyên nhân chủ yếu là do một số quy định của luật hiện hành không còn phù hợp với thực tiễn hoặc trong thực tiễn triển khai phát sinh các vấn đề cần được quy định cụ thể trong luật.
Thứ nhất, đối với hoạt động giám sát của Quốc hội: Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND hiện hành thiếu các quy định về bảo đảm gắn kết chặt chẽ giữa hoạt động giám sát với hoạt động xây dựng pháp luật và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước, của địa phương; chưa có quy định về tiêu chí lựa chọn nhóm vấn đề chất vấn, người bị chất vấn, giám sát chuyên đề, vấn đề được giải trình, người được yêu cầu giải trình tại kỳ họp, phiên họp, hoạt động giám sát của các cơ quan có thẩm quyền giám sát; thiếu quy định về thẩm quyền giám sát của ĐBQH thông qua hoạt động kiến nghị Quốc hội bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn; một số quy định chưa thực sự rõ ràng, cụ thể và đầy đủ…
Thứ hai, đối với hoạt động giám sát của HĐND: Luật hiện hành chưa có các quy định về tiêu chí lựa chọn nhóm vấn đề chất vấn và người bị chất vấn tại kỳ họp HĐND, phiên họp Thường trực HĐND; tiêu chí lựa chọn chuyên đề giám sát của HĐND, Thường trực HĐND; thiếu quy định Thường trực HĐND có thẩm quyền điều chỉnh chương trình giám sát của HĐND và báo cáo HĐND tại kỳ họp gần nhất trong trường hợp cần thiết; quy định ban hành Nghị quyết thành lập Đoàn giám sát của HĐND, Ban của HĐND còn một số bất cập trong thực tiễn triển khai thực hiện.
Thứ ba, luật hiện hành chưa quy định đầy đủ về việc cung cấp, chia sẻ, trao đổi, xử lý, sử dụng, quản lý, bảo quản thông tin từ các tài liệu, dữ liệu, hoạt động giám sát có liên quan, các hoạt động khác của cơ quan chức năng; thiếu quy định về việc ứng dụng công nghệ thông tin, số hóa trong hoạt động giám sát góp phần nâng cao hiệu quả của hoạt động giám sát.
Chủ tịch Hội đồng Dân tộc nhấn mạnh, để tiếp tục thể chế hóa quan điểm, chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước về đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả giám sát của Quốc hội, HĐND; bảo đảm sự thống nhất của hệ thống pháp luật; khắc phục những tồn tại, hạn chế trong quá trình thi hành Luật đã được tổng kết, đánh giá, việc xây dựng, ban hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND là hết sức cần thiết.
Hội đồng Dân tộc đề xuất trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét hồ sơ, quyết định việc bổ sung dự án Luật vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024; Trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ Tám và xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ Chín.
Đề xuất đưa vào Chương trình đều là kết quả của các nhiệm vụ lập pháp
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng trình bày Báo cáo thẩm tra đề nghị về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024 và cho biết, qua rà soát cho thấy tất cả các đề nghị xây dựng luật, pháp lệnh, nghị quyết được đề xuất đưa vào Chương trình đều là kết quả của các nhiệm vụ lập pháp được xác định tại Kế hoạch số 81/KH-UBTVQH15 và Kế hoạch số 734/KH-UBTVQH15.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng trình bày Báo cáo thẩm tra đề nghị về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024. Ảnh: Hồ Long
Về các dự án đề nghị điều chỉnh, bổ sung trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ Bảy, Ủy ban Pháp luật đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, cho ý kiến chỉ đạo về dự thảo Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Nghệ An: Ủy ban Pháp luật, Thường trực Ủy ban Tài chính – Ngân sách tán thành đề nghị của Chính phủ trình Quốc hội xem xét, thông qua dự thảo Nghị quyết tại Kỳ họp thứ Bảy theo quy trình tại một kỳ họp và theo trình tự, thủ tục rút gọn. Tuy nhiên, Ủy ban Pháp luật đề nghị chỉnh lý tên gọi Nghị quyết thành Nghị quyết về thí điểm bổ sung một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Nghệ An để phân biệt với Nghị quyết số 36/2021/QH15 hiện hành và phù hợp với yêu cầu tại Nghị quyết số 39-NQ/TW.
Về dự án Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ: Ủy ban Pháp luật và Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh nhất trí với sự cần thiết ban hành luật và cơ bản tán thành với đề xuất của Chính phủ bổ sung dự án luật vào Chương trình năm 2024.
Về thời điểm trình, đa số ý kiến trong Ủy ban Pháp luật và Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh tán thành với đề xuất của Chính phủ, trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ Bảy, thông qua tại Kỳ họp thứ Tám; một số ý kiến cho rằng, để bảo đảm chất lượng ban hành luật, nhất là trong điều kiện Ủy ban Quốc phòng và An ninh phải đảm nhiệm số lượng rất lớn (7 dự án luật tại Kỳ họp thứ Bảy), đề nghị cân nhắc lùi thời gian trình dự án này 1 kỳ họp so với đề xuất trong Tờ trình của Chính phủ. Đồng thời, đề nghị Ủy ban Quốc phòng và An ninh báo cáo các giải pháp để bảo đảm chất lượng, tiến độ thực hiện để Ủy ban Thường vụ Quốc hội có cơ sở xem xét, quyết định.
Về 4 dự án luật đề nghị bổ sung trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ Tám: dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo, dự án Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi); dự án Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi); dự án Luật Nhà giáo, Ủy ban Pháp luật, Thường trực các ủy ban thẩm tra nội dung nhất trí với đề nghị của Chính phủ bổ sung 4 dự án Luật này vào Chương trình năm 2024, cho ý kiến tại Kỳ họp thứ Tám, thông qua tại Kỳ họp thứ Chín.
Về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND, Ủy ban Pháp luật nhất trí bổ sung dự án Luật vào Chương trình năm 2024, cho ý kiến tại Kỳ họp thứ Tám, thông qua tại Kỳ họp thứ Chín như đề nghị của Hội đồng Dân tộc...
Ngoài những nội dung nêu trên, báo cáo thẩm tra đầy đủ còn nêu một số vấn đề đề nghị Chính phủ quan tâm, chỉ đạo và một số kiến nghị đối với Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, Chính phủ và các cơ quan, tổ chức hữu quan. Theo đó, đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội chỉ đạo các cơ quan nghiên cứu, đề xuất giải pháp để Quốc hội có thể cơ bản hoàn thành khối lượng lớn nhiệm vụ lập pháp của nhiệm kỳ, bảo đảm chất lượng, đáp ứng yêu cầu thực tiễn. Trong trường hợp cần thiết, đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội báo cáo Quốc hội xem xét tổ chức thêm kỳ họp bất thường hoặc kéo dài thời gian kỳ họp thường lệ của Quốc hội, chia kỳ họp thành các đợt để xem xét, cho ý kiến, thông qua được nhiều dự án luật như đã triển khai trong năm 2023.