Giám sát của Hội đồng nhân dân tỉnh về việc tổ chức thực hiện của chính quyền địa phương trong thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, nâng cao hiệu quả sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn tỉnh
Từ ngày 11.3.2025 đến ngày 19.3.2025, Đoàn giám sát HĐND tỉnh đã tiến hành giám sát 15 cơ quan, đơn vị, địa phương về việc tổ chức thực hiện của chính quyền địa phương trong thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, nâng cao hiệu quả sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn tỉnh theo Chương trình hành động số 30-CTr/TU ngày 03/11/2022 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 16/6/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Tổ giám sát số 01 ông Lê Xuân Tiến, Uỷ viên Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh, Trưởng Đoàn giám sát làm Tổ trưởng đã làm việc với UBND các huyện: Yên Mỹ, Văn Lâm, Tiên Lữ, Ân Thi, thị xã Mỹ Hào; Sở Nông nghiệp và Môi trường và Liên minh Hợp tác xã. Tham gia Tổ giám sát có ông Nguyễn Bật Khánh, Tỉnh uỷ viên, Chủ tịch UBMTTQ Việt Nam tỉnh, ông Vũ Văn Thắng, Tỉnh uỷ viên, Chủ tịch Hội nông dân tỉnh, lãnh đạo các Ban HĐND tỉnh, lãnh đạo Văn phòng Đoàn ĐBQH&HĐND tỉnh.
Ông Lê Xuân Tiến - Uỷ viên Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh điều hành giám sát tại Sở Nông nghiệp và Môi trường
Tổ giám sát số 02 do bà Trần Thị Tuyết Hương, Tỉnh uỷ viên, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh, Phó Trưởng Đoàn giám sát làm Tổ trưởng, đã làm việc với UBND các huyện: Văn Giang, Khoái Châu, Kim Động, Phù Cừ, thành phố Hưng Yên; Sở Công Thương, Sở Khoa học và Công nghệ. Tham gia Tổ giám sát có ông Đào Hồng Vận, Uỷ viên ban Thường vụ Tỉnh uỷ, Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh; bà Doãn Thị Nguyệt, Tỉnh uỷ viên, Chủ tịch Hội liên hiệp Phụ nữ tỉnh, ông Nguyễn Tuấn Anh, Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh, lãnh đạo các Ban HĐND tỉnh, lãnh đạo Văn phòng Đoàn ĐBQH&HĐND tỉnh.
Bà Trần Thị Tuyết Hương - Tỉnh uỷ viên, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh điều hành giám sát tại Ngân hàng Nông nghiệp và PTNT -CN Hưng Yên
Theo báo cáo, thời gian qua, các Sở, ngành, địa phương đã tích cực triển khai thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, nâng cao hiệu quả sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn tỉnh gắn với thực hiện Chương trình hành động số 30-CTr/TU ngày 03/11/2022 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh. Giai đoạn 2021-2024, toàn tỉnh đã chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên 1.937,9 ha đất trồng lúa kém hiệu quả trong đó: chuyển sang trồng cây hàng năm (hoa, dược liệu, rau các loại...) là 912,9 ha; chuyển sang trồng cây lâu năm (vải trứng Hưng Yên, bưởi, ổi, hồng xiêm....) là 957,5 ha và chuyển sang nuôi trồng thủy sản là 67,5 ha. Việc lựa chọn những loại cây trồng, vật nuôi để chuyển đổi đã khai thác, phát huy hiệu quả các điều kiện thuận lợi về khí hậu, thổ nhưỡng, trình độ kỹ thuật và kinh nghiệm của nông dân. Hầu hết các mô hình chuyển đổi cơ cấu cây trồng đã mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn so với trồng lúa từ 2-5 lần, cá biệt một số mô hình cho thu nhập cao hơn từ 6-10 lần so với trồng lúa.
Ngoài việc mang lại hiệu quả kinh tế cao, việc thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, nâng cao hiệu quả sản xuất và tiêu thụ sản phẩm là yếu tố quan trọng góp phần không nhỏ trong phát triển kinh tế nông nghiệp trên địa bàn tỉnh. Theo báo cáo của ngành nông nghiệp, các chỉ tiêu về phát triển nông nghiệp dự kiến đạt được so với mục tiêu mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX đề ra cụ thể: Giá trị sản xuất nông, lâm, thủy sản tăng trưởng ổn định, bình quân giai đoạn 2021-2025 tăng bình quân 2,4%/năm (mục tiêu: 2,0-2,5%). Đã tập trung cơ cấu lại ngành nông nghiệp, ban hành các cơ chế, chính sách hỗ trợ, thu hút đầu tư và bố trí nguồn lực cho phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới. Cơ cấu trong sản xuất nông nghiệp được chuyển dịch theo hướng sản xuất hàng hóa, giá trị kinh tế cao. Sản lượng, năng suất cây trồng, vật nuôi và giá trị sản xuất bình quân 01 ha đất nông nghiệp tiếp tục được nâng lên, từ 210 triệu/ha năm 2020 lên 250 triệu đồng/ha năm 2025 (mục tiêu: 250 triệu đồng/ha). Nông nghiệp từng bước phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa, ứng dụng công nghệ cao, sản xuất theo tiêu chuẩn GAP, sản xuất nông nghiệp hữu cơ. Thu hút một số dự án lớn đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn. Hình thành và duy trì được trên 200 mô hình liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp giữa nông dân, hợp tác xã và doanh nghiệp có hiệu quả...
Bên cạnh những kết quả đạt được, tại các buổi làm việc, 2 Tổ giám sát của HĐND tỉnh đã chỉ rõ những khó khăn, hạn chế trong thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, nâng cao hiệu quả sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn tỉnh như: diện tích thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi tại một số địa phương chưa đảm bảo theo kế hoạch. Một số khu vực chuyển đổi nhỏ lẻ, manh mún, chưa đảm bảo tính đồng loạt, tập trung, chưa được quan tâm đầu tư nên năng suất, chất lượng, mẫu mã sản phẩm chưa đảm bảo, giá bán thấp làm giảm hiệu quả công tác chuyển đổi. Liên kết trong sản xuất nông nghiệp gắn với bảo quản, chế biến, tiêu thụ sản phẩm có nhiều cố gắng xong chưa đáp ứng yêu cầu sản xuất. Ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, bảo quản, chế biến để nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm còn hạn chế, hiệu quả chưa cao. Tích tụ, tập trung đất đai để xây dựng vùng sản xuất nguyên liệu và sản phẩm quy mô lớn còn nhiều khó khăn.
Để thực hiện đạt hiệu quả việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, nâng cao hiệu quả sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp gắn với các chỉ tiêu, nhiệm vụ tại Chương trình số 30-CTr/TU; Đoàn giám sát của HĐND tỉnh đề nghị các Sở, ngành, địa phương tiếp tục bám sát các mục tiêu đề ra tại các Nghị quyết, Chương trình, Đề án của tỉnh để có kế hoạch, giải pháp phát triển sản xuất nông nghiệp phù hợp; tiếp tục giữ vững, nâng cao chất lượng các sản phẩm chủ lực trong nông nghiệp; áp dụng quy trình sản xuất tiên tiến, hiện đại gắn với chế biến, bảo quản nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm, hạ giá thành, tăng sức cạnh tranh của hàng hóa, nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững; khuyến khích thành lập, phát triển các tổ hợp tác, hợp tác xã nông nghiệp thực hiện liên kết chuỗi sản xuất - tiêu thụ sản phẩm; đẩy mạnh ứng dụng khoa học - công nghệ trong phát triển nông nghiệp và nông thôn; tăng cường xúc tiến đầu tư thu hút các doanh nghiệp lớn vào đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp để tạo bước đột phát trong sản xuất nông nghiêp công nghệ cao, ứng dựng khoa học công nghệ hiện đại và tiêu thụ theo chuỗi có giá trị cao...
Trong chương trình làm việc, hai Tổ giám sát đã khảo sát thực tế một số mô hình và Hợp tác xã nông nghiệp tại các địa phương.
Tổ giám sát số 1 khảo sát tại Hợp tác xã Hoa Cúc chi Lương Tài, Văn Lâm
Tổ giám sát số 2 khảo sát tại hợp tác xã sản xuất cung ứng rau quả và cây dược liệu An Thịnh Phát, xã Tống Trân, Phù Cừ
Tổ giám sát số 2 khảo sát mô hình trồng rau VietGAP tại xã Phùng Hưng, Khoái Châu
Tổ giám sát số 1 khảo sát tại Hợp tác xã rau Yên Phú, Yên Mỹ
Tổ giám sát số 1 khảo sát tại Hợp tác xã Vải Trứng Đa Lộc, Ân Thi
Theo Kế hoạch giám sát ban hành kèm theo Nghị quyết số 545/NQ-HĐND ngày 11/12/2024 của HĐND tỉnh, sau khi kết thúc nội dung làm việc tại 15 cơ quan, đơn vị, địa phương; Đoàn giám sát của HĐND tỉnh sẽ tiến hành tổng hợp xây dựng báo cáo kết quả giám sát báo cáo HĐND tỉnh theo quy định.
Đinh Thị Miền - Phòng Công tác HĐND